Tuổi trẻ huyện Thăng Bình - tỉnh Quảng Nam

http://tuoitrethangbinh.vn


TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 03/2018

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 03/2018
THÁNG THANH NIÊN
“Tuổi trẻ Thăng Bình sáng tạo dựng xây quê hương

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỉ luật

 
   Theo lời kể của diễn viên múa Thúy Quỳnh. Lần nào gặp Bác câu đầu tiên Bác thường hỏi là: “thế các cháu có đoàn kết không? Có thương yêu nhau không? Rồi Bác dặn thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỉ luật. Cả chi đoàn đã lấy câu nói đó làm nội dung tu dưỡng. Mỗi khi có gì va chạm kém gắn bó với nhau, anh chị em lại rất ân hận là chưa xứng đáng với những gì Bác dặn, có người đã khóc nức nở và hối hận vì chưa thực hiện theo đúng lời Bác.
   Có lần Bác hỏi diễn viên múa Thúy Quỳnh: “Trong chi đoàn cháu có đoàn viên nào có tư tưởng muốn làm ngôi sao không? Diễn viên Thúy Quỳnh còn đang lúng túng Bác đã bảo biểu diễn thật hay để phục vụ nhân dân được nhiều là tốt. Nhưng nếu có tư tưởng muốn làm ngôi sao, thì ngôi sao có khi tỏ, có khi lặn. Lúc ngôi sao lặn thì lại buồn. Trong đoàn cháu có thanh niên nào có tư tưởng muốn làm ngôi sao thì cháu phải giúp đỡ. Lần cuối cùng diễn viên múa Thúy Quỳnh được gặp Bác là sau khi đi diễn ở Pháp, Ý, Angiêri, Liên Xô, Trung Quốc... về, cả đoàn lại được quây quần quanh Bác. Diễn viên múa Thúy Quỳnh là phó trưởng đoàn, nên cũng được đến gặp Bác và báo cáo với Bác là ở Angiêri cũng như ở Pháp, ở Ý... cứ mỗi lần tiết mục của ta hay, họ vỗ tay đến vỡ nhà hát và hô: Việt Nam – Hồ Chí Minh, Việt Nam – Điện Biên Phủ. Bác vui vẻ bảo:  Thế là người ta hoan nghênh các cháu, các cháu có hếch mũi lên không? (Bác đưa tay đẩy mũi lên).
   Cả đoàn cười rộ và ai nấy đều hiểu đó là Bác có ý răn bảo. Xong Bác bảo: “Người ta  hoan hô các cháu, hay hoan hô Bác là người ta hoan hô cả dân tộc mình, cả dân tộc Việt Nam anh hùng”...
Trích trong Kể chuyện Bác Hồ , Sđd, t.4, tr.84. (Thúy quỳnh – Diễn viên múa).
Nguồn: http://hochiminh.vn
DI TÍCH LỊCH SỬ TẠI THĂNG BÌNH

Chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn ĐVTN, các cơ sở Đoàn về Khu phế tích Chăm - Đồng Dương


Năm 1902, H.Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương
   Khu phế tích Chăm – Đồng Dương còn có tên là Phật viện Đồng Dương. Di tích khu phế tích Chăm Đồng Dương nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65km về phía Tây Nam, từ ngã ba thị trấn Hà Lam đi về hướng Tây khoảng 10km.
Sự kiện lịch sử:
   Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Đồng Dương, năm 875, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lookesvara Svabhayada. Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương. Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Champa lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati, văn bia này cho biết tên của kinh đô mới là Indrapuru, theo một số nhà nghiên cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.
   Đáng tiếc là khu di tích quan trọng vào bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Champa này đã bị tàn phá nặng nề bởi thiên nhiên và chiến tranh, hiện nay trong khu di tích này chỉ còn một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là “Tháp sáng”, cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số dạng trang trí kiến trúc.
Năm 1901, L.Finol, một học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng đồng cao 108cm, theo các nhà nghiên cứu thì pho tượng Phật này mang nhiều yếu tố của nghệ thuật Ấn độ.
Năm 1902, H.Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương, ông đã tìm thấy khu kiến trúc chính của Thánh địa cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá.

Hiện vật đã được khai quật tại Phật viện Đồng Dương
   Loại hình di tích: Di tích khảo cổ học
   Khảo tả di tích:
   Theo khảo tả của H.Parrmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m, chạy về phía Đông đền một thung lũng hình chữ nhật.
   Khu đền thờ chính gồm có 3 nhóm kiến trúc kéo dài theo trục Đông Tây, các nhóm này được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch:
   + Nhóm phía Đông: chỉ còn lại dấu vết nền móng của khu nhà dài mà các nhà nghiên cứu cho là tu viện phật giáo (Vihara). Ngôi nhà dài có mặt bằng hình chữ nhật với hai hàng cột song song theo trục Đông Tây, mỗi hàng có 8 cột xây bằng gạch, mái nhà có cột khung gỗ và lợp bằng ngói, trong khu vực này có một bệ thờ lớn bằng sa thạch, được chạm trổ nhiều hình người và hoa văn rất tinh tế. Phía trên bệ thờ là một pho tượng Phật Thích ca rất lớn, ngồi trên ghế, hai bàn tay để trên đầu gối, kiểu giống như vua Champa ngồi trên ngai vàng.
Trong khu vực này còn tìm thấy một số tượng Dharmapala (những vị thần bảo vệ luật giáo của đạo Phật) ngồi trên những bệ đá cạnh hai hàng cột gạch.
   + Nhóm giữa: chỉ còn lại dấu vết các chân tường, các bậc thềm của một ngôi nhà dài theo trục Đông Tây. Ngôi nhà này có tường gạch không dày lắm, cửa ra vào nằm ở hai đầu hồi, trên hai vách tường có nhiều cửa sổ. Ngôi nhà này cũng được lợp ngói. Ở đây có 4 pho tượng Hộ pháp (Dvarapala) khá lớn, cao khoảng 2m, các nhà nghiên cứu chop cho rằng đó là những tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong nghệ thuật điêu khắc Champa.
   + Nhóm phía Tây: gồm các đền thờ chính và các tháp phụ chung quanh, đền thờ này thuộc loại tháp truyền thống của kiến trúc Champa. Với mặt hình tứ giác, cửa ra vào ở hướng Đông, phía trước có tiền sảnh khá dài, quanh các mặt tường có trụ ốp tường được chạm những dải hoa văn cành lá cách điệu rậm rịt và xoắn xít như dạng vết sâu bò, đó là loại hoa văn đặt trưng của phong cách Đồng Dương.
   Quanh chân tháp trang trí những hình đầu voi và những hình tháp thu nhỏ nằm xen kẻ nhau. Trong đền thờ có một bệ lớn bằng sa thạch, chạm trổ những dải hoa văn có vết sâu bọ, những cảnh sinh hoạt trong cung đình, một số cảnh trích đoạn về cuộc đời đức phật Thích Ca. Những đường nét trên các tượng người ở Đồng Dương được thể hiện cường điệu quá mức, đàn ông có gương mặt gần như vuông, trán thấp, cung lông mày to rậm và giao nhau, mũi to, miệng rộng, môi dày, ria mép rậm, tướng phụ nữ có gương mặt hơi thô và bộ ngực    Năm 1978, nhân dân địa phương đã đào được một pho tượng Nữ Thần làm bằng đồng thau, cao 114cm, ở gần khu đền thờ chính. Theo các nhà nghiên cứu, đây là pho tượng Bồ tát Laskmindra – Lokesvara, trước kia pho tượng này được đặt trên bệ thờ của đền thờ chính.
Tháng 6/1996 Viện Khảo cổ học Việt Nam, trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) đã phối hợp khảo sát tại làng Đồng Dương. Các nhà khảo cổ đã nhận thấy ngoài những dấu tích kiến trúc của khu Phật viện, dấu vết cư trú của con người thời kỳ vương quốc Champa tại làng Đồng Dương không nhiều.
Khu vực làng Đồng Dương khí hậu rất khắc nghiệt, đất đai khô cằn, lớp đất canh tác chỉ dày khoảng 40-50cm, có nơi chi dày 20cm, bên dưới là tầng đá ong, đây không phải là nơi thuận tiện để xây dựng kinh đô, có thể nói Đồng Dương chỉ thuần túy là khu Thánh địa Phật giáo của vương quốc Champa, còn kinh đô Indrapura phải là một khu vực rộng lớn hơn,        Những tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương:
   Những tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương đã hình thành nên một phong cách nghệ thuật nổi tiếng từ giữa thế kỷ IX đến cuối thế kỷ IX, phong cách Đồng Dương. Trong phong cách này những đường trang trí trên các trụ cột, các vòm cổng là những tràng dây leo xoắn xít như vết sâu bò, kết hợp với những hình hoa nặng nề trên đồ trang sức các pho tượng, những đường nét trên gương mặt người được cường điệu quá mức với gương mặt gần như vuông, trán thấp, cung lông mày to khỏe, mũi to, miệng rộng, môi dày có ria mép rộng, nhưng kỳ lạ thay, gương mặt vẫn hiền lành. Trong khi đó hình tượng phụ nữ có gương mặt thô và bộ ngực dường như lớn quá khổ. Theo J.Boisslie: “thẩm mỹ thời kỳ Đồng Dương dường như hướng đến việc tìm một sự thanh thản gần với lý tưởng tôn giáo; do vậy, nó kết hợp được những xu hướng mâu thuẩn nhau như sự phù hợp với nghi lễ, tính diệu dàng của cuộc sống và tính dữ dội của sự chuyển động…”.
   + Tượng thần Hộ Pháp: ký hiệu 9.11, tìm thấy tại Đồng Dương được làm bằng sa thạch xám, kích thước 215cm x 145cm x 120cm. Thần đứng trên lưng một con trâu, chân phải hơi chùng xuống, chân trái đưa về phía trước, tay phải cầm một đoản kiếm vung lên, tay trái co vào trước ngực, ngón tay trỏ và ngón tay cái bắt ấn. Thần đội mũ có 2 tầng, tầng trên hình quả trám, tầng dưới dạng vương miện trang trí những đóa hoa lớn, những đồ trang sức như khuyên tai, vòng cổ tay, vòng cánh tay, thắt lưng, vòng cổ chân đều là những hình rắn Naga, gương mặt có vẻ đe dọa, mắt lồi có điểm con ngươi, lông mày rộng và có điểm giao nhau, cánh mũi rộng, ria mép hơi vểnh lên, miệng lộ răng nanh. Sampot ngắn đến đầu gối, với 4 đường gấp nếp giắt múi về phía sau. Con trâu bị đè bẹp dưới sức nặng của thần Hộ Pháp, miệng trâu ngậm một nhân vật cầm đoản kiếm ở tay phải, tay trái cầm khiên tựa vào đầu trâu.
   Pho tượng thần Hộ Pháp đứng trên con gấu hoặc tê giác, ký hiệu 9.12 có lẽ cùng một cặp với pho tượng 9.11.
   + Tượng phật: ký hiệu 13.5, tìm thấy ở Đồng Dương 1902, làm bằng sa thạch xám, kích thước 158cm x 106cm x 66cm.
Phật ngồi trên ghế (hoặc ngai vàng), hai chân buông thong xuống. Hai bàn tay đặt trên đầu gối. Phật khoác áo choàng phủ bên vai phải buông xuống cổ tay. Đầu tượng Phật tượng này đang trưng bày tại Bảo tàng Guimée (Pháp); chiếc đầu  trên pho tượng hiện nay được làm lại bằng đất sét, không giống với nguyên bản.
   + Nhóm 3 tượng: ký hiệu 3.5,3.6,3.7 tìm thấy tại khu nhà dài (Vihara) trong Phật viện Đồng Dương năm 1902, gồm hai pho tượng ngồi theo kiểu Java và một pho tượng đứng kiểu lệnh hông. Những tượng này có gương mặt hơi nặng nề, lông mày giao nhau, cánh mũi lớn, bộ ria mép trên đôi môi dày, bộ râu quai nón được tỉa ngắn. Đò đội là Mukuta có hai tầng, được trang trí 3 đóa hoa lớn hình lá đề, đeo đôi hoa tai lớn. Y phục là loại sampot có thân lớn ở phía trước được trang trí những hình hoa và sọc xen kẻ.
Theo H.Parmentier thì đây là những tượng Siva, bởi giữa trán những nhân vật này có con mắt thứ 3 hình thoi, nhưng theo J. Boisselier đó là những Dharmapala (những vị thần bảo vệ giáo luật trong Phật giáo Đại thừa) với một urna hình thoi trên trán, đồng thời theo vị trí của các pho tượng tương tự ứng với các cột trụ, thì dường như xưa kia có đến 16 nhân vật tương tự ở khu Vihara.
   Nhưng dù sao ta cũng không thể quên rằng Ấn độ giáo với hình tượng Siva, tồn tại qua nhiều thể kỷ đã ăn sâu trong tâm thức người dân Champa ở giai đoạn Đồng Dương, Phật giáo thịnh đạt, nhưng Siva giáo vẫn song song tồn tại, và thần Siva còn là vị thần canh giữ phương hướng dưới tên gọi là Isana, vì thế ý kiến của H.Parmentier cũng đáng được chú ý.

Phật viện Đồng Dương hiện tại
Nguồn tin: thangbinh.gov.vn
 
THEO DÒNG LỊCH SỬ

- 03/3/1959: Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng
- 03/3/1989: Ngày Biên phòng toàn dân
- 08/3/40: Ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40- 43 sau công nguyên)
- 08/3/1910: Ngày Quốc tế Phụ nữ
- 20/3/2013: Ngày Quốc tế Hạnh phúc
- 26/3/1931: Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- 27/3/1946: Ngày Thể thao Việt Nam
 
26/3/1931: NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
(Đề cương tuyên truyền đăng trên Trang thông tin điện tử Huyện Đoàn
http://www.tuoitrthangbinh.com)

 

                        27/3/1946: NGÀY THỂ THAO VIỆT NAM

   Ngày 27 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia giáo dục. Cùng ngày đó, trên báo Cứu quốc – cơ quan của Mặt trận Việt minh đã đăng bài viết “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết, Người kêu gọi: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước khỏe mạnh. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước…”
   Thực hiện lời Bác, Đảng và Chính phủ luôn coi trọng công tác thể dục thể thao (TDTT) phục vụ cho sức khỏe và đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: phát triển TDTT là một bộ phận không thể thiếu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tạo ra sức mạnh và động lực phát triển đất nước. Thể dục thể thao đã trở thành một ngành hoạt động không thể thiếu được của Nhà nước và Nhân dân ta. Đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã hăng hái tham gia luyện tập TDTT, rèn luyện thân thể với mục đích: khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Ngày 29/01/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định số 25/CT lấy ngày 27/3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. Quyết định ghi rõ Ngày Thể thao Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp Nhân dân và phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao văn hóa lành mạnh”.  Ngày 27/3/1946 chính thức là ngày thành lập ngành thể dục thể thao Việt Nam.
   Chỉ thị 36/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ngày 24/3/1994 về công tác thể dục thể thao trong giai đoạn mới đã chỉ rõ: “Mục tiêu cơ bản, lâu dài của công tác thể dục thể thao là hình thành nền thể dục thể thao phát triển và tiến bộ, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của Nhân dân và phấn đấu đạt được vị trí xứngđáng trong các hoạt động thể thao quốc tế, trước hết là ở khu vực Đông Nam Á”.
  Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh, thành phố đến quận, huyện, xã, phường, cùng với những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, ngành TDTT đã giành nhiều thành tích mới. Phong trào TDTT quần chúng ngày càng được phát triển, phong phú hơn trước. Số người tập luyện thường xuyên được tăng lên rõ rệt. Công tác nâng cao thành tích thể thao cũng đạt được những tiến bộ đáng khích lệ. TDTT trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.                
                                   Theo thanglonghanoi.gov.vn

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
 
   Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn thông tin Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 29/12/2017 về điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH năm 2018 với các nội dung sau:
    Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Công thức trên áp dụng đối với:
   - Người lao động tham gia BHXH từ 01/01/2016 trở đi theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hưởng BHXH 1 lần hoặc chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần từ 01/01/2018 đến 31/12/2018;
  - Người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp 01 lần khi nghỉ hưu, BHXH 01 lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần từ 01/01/2018 đến 31/12/2018.
  Ngoài ra:
  Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần từ 01/01/2018 đến 31/12/2018 được điều chỉnh:
 Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm X Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng.
(Mức điều chỉnh của năm 2018 tại 02 trường hợp trên là 1,00).
  Xem chi tiết văn bản tại đây https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bao-hiem/Thong-tu-32-2017-TT-BLDTBXH-muc-dieu-chinh-tien-luong-va-thu-nhap-thang-da-dong-bao-hiem-xa-hoi-373885.aspx
Nguồn: thuvienphapluat.vn
 
SỔ TAY NGHIỆP VỤ
   
   Thực hiện Kế hoạch số 14-KH/TĐTN-TNNTCN-ĐT ngày 12/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Nam về tổ chức các hoạt động “Tháng Thanh niên năm 2018” và chương trình công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi huyện Thăng Bình năm 2018, để tổ chức tốt các hoạt động trong Tháng Thanh niên năm 2018 và kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2018), Ban Thường vụ Huyện đoàn Thăng Bình xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động với Chủ đề “Tuổi trẻ sáng tạo dựng xây quê hương”, được triển khai thực hiện với nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm:

   - Tích cực tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên và xã hội nhận thức đúng, đầy đủ về Tháng Thanh niên với phương châm "Mỗi cơ sở Đoàn đăng ký đảm nhận một việc mới, sáng tạo; chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị", tuyên truyền về các hoạt động nổi bật của Tháng Thanh niên từ cấp huyện đến cơ sở nhằm kịp thời động viên khích lệ tuổi trẻ toàn huyện tích cực tham gia các hoạt động trong Tháng Thanh niên 2018.
   - Tổ chức tuyên truyền về truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam; tuyên truyền về Tháng Thanh niên; tuyên truyền, quán triệt trong đoàn viên, thanh niên về Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, nhiệm kỳ 2017-2022.
  - Hình thức tuyên truyền đổi mới theo hướng gần hơn với xu thế hiện nay của thanh niên: xây dựng các đoạn video clip ngắn, các đoạn phim phóng sự, infographic đăng tải trên các công cụ tuyên truyền của đoàn và các phương tiện truyền thông đại chúng, tập trung triển khai trên các diễn đàn mạng xã hội do Đoàn quản lý.
   - Triển khai Cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo”; thành lập Diễn đàn giao dịch ý tưởng sáng tạo trong đối tượng học sinh, sinh viên. Vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia hệ tri thức Việt số hóa.
   - Tổ chức các hoạt động tuổi trẻ chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu: tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (đường giao thông, cầu giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng); các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước; tổ chức hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” tổ chức trồng cây, trồng rừng; tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới; các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất mới và thông tin thị trường cho thanh niên nông thôn; các hoạt động hỗ trợ vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế.
   - Tổ chức các hoạt động thanh niên tham gia xây dựng đô thị văn minh:  tham mưu và đề xuất với cấp ủy, chính quyền đảm nhận thực hiện các công trình, phần việc gắn với tham gia xây dựng đô thị văn minh; xây dựng và triển khai các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, tham gia giữ gìn trật tự đô thị; đảm nhận xây dựng mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các tuyến đường (phố, ngõ, hẻm) thanh niên tự quản “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – Văn minh - An toàn” trên địa bàn thị trấn; xóa các điểm đen về môi trường, các điểm tập kết rác sai quy định, triển khai phong trào “Biến hố rác thành bồn hoa”.
   - Tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp: xây dựng chương trình truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp; biểu dương, tôn vinh các cá nhân và tập thể tiêu biểu. Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại giữa chính quyền với thanh niên, các buổi giao lưu giữa thanh niên với các doanh nhân trẻ nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp các thắc mắc cũng như chia sẻ kinh nghiệm khi bắt đầu khởi nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với mô hình thực tế cho thanh niên. Đẩy mạnh Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo". Tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ vốn vay cho thanh niên làm kinh tế, giải quyết việc làm.
   - Triển khai các hoạt động an sinh xã hội, phục vụ nhân dân: tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người nghèo và đối tượng chính sách; tổ chức hiến máu tình nguyện; tổ chức các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội với đối tượng gia đình chính sách, gia đình chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo; xây dựng nhà nhân ái, nhà khăn quàng đỏ; tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện hỗ trợ nhân dân về thủ tục hành chính”.
   - Tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên, tập trung triển khai trong các đối tượng: học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; bộ đội xuất ngũ; thanh niên thuộc các huyện nghèo (theo Quyết định 1791/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng chính phủ); thanh niên nông thôn; phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và thanh niên tái hòa nhập cộng đồng; thanh niên khuyết tật. Triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; xây dựng và tổ chức các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi trên địa bàn.
   - Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2018); tuyên dương cán bộ Đoàn giỏi các cấp. Tổ chức đối thoại, trao đổi giữa cấp uỷ đảng, lãnh đạo, chính quyền với các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên; tổ chức Ngày đoàn viên 2018; tập trung công tác phát triển đoàn viên mới; bồi dưỡng đoàn viên ưu tú và trao danh sách giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp; tiếp tục củng cố và xây dựng tổ chức Đoàn – Hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

MÔ HÌNH- KINH NGHIỆM

Làm giàu từ nông nghiệp

   Với đức tính cần cù, chịu khó và tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Ngô Thanh Phong, thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình kinh tế nuôi chim yến và trang trại tổng hợp.

Anh Phong bên ao cá của mình 
   Sinh ra tại vùng quê xã Bình Trung, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Phong đã có thời gian làm kỹ sư xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh với thu nhập cao và ổn định, nhưng anh luôn ấp ủ ước mơ phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương của mình. Sau những giờ làm việc tại công trình, anh tranh thủ những lúc rảnh rỗi lên mạng để tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả, những kiến thức, kinh nghiệm và cuối cùng anh đã chọn hướng đi mới cho mình, đó là mô hình nuôi chim yến. Sau những năm làm kỹ sư, anh tích góp được số vốn và quyết định từ bỏ công việc kỹ sư với thu nhập cao để về quê bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Anh tâm sự “khi quyết định từ bỏ công việc kỹ sư với mức lương cao mình cũng cảm thấy tiếc, nhưng vì ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương đã thôi thúc tôi trở về quê xây dựng mô hình nuôi chim yến của mình”. 
   Có được những thành công như ngày hôm nay, anh Phong không thể quên những khó khăn khi mới bắt đầu công việc nuôi chim yến, bởi mô hình nuôi yến tuy không còn mới mẽ nhưng không phải ai khi thực hiện cũng đều thành công. Tâm sự về những ngày đầu khởi nghiệp anh Phong chia sẻ: “khi bắt đầu thực hiện công việc nuôi chim yến anh gặp rất nhiều khó khăn, nghề này còn mới, kinh nghiệm nuôi chưa có; lúc đầu về địa phương nuôi chim yến, ai cũng nghĩ mình liều, làm sao mà gọi chim yến vào nuôi cho được, nhưng với ước mơ, quyết tâm, sự ủng hộ của gia đình cộng với những kiến thức anh học được từ sách, báo, trên mạng anh đã vượt qua những khó khăn ban đầu”. Anh đầu tư xây dựng nhà nuôi yến, trang bị âm thanh và áp dụng những kỹ thuật học được để gọi chim yến về ở với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thời gian đầu chỉ có vài cặp nhưng sau nhiều tháng, từng đàn chim yến lần lượt kéo về làm tổ và những nỗ lực của anh đã được đền đáp xứng đáng; bao nhiêu khó khăn, vất vả được vơi đi. Lúc đầu, anh khai thác tổ yến đem đi bán nhưng giá thấp vì là tổ yến thô, chưa qua sơ chế. Để nâng cao chất lượng sản phẩm tổ yến, tăng giá trị khi bán ra thị trường anh tiến hành sơ chế và quyết định xây dựng thương hiệu yến nhà của mình để đảm bảo uy tín với khách hàng, từ đó thương hiệu Yến sào Quảng Nam Phú Phong ra đời. Đến nay sản phẩm yến sào của anh đã phổ biến rộng rãi và có chỗ đứng trên thị trường. 
   Với những hiệu quả và kinh nghiệm đúc kết trong quá trình nuôi chim yến của mình, anh quyết định đầu tư mở rộng quy mô, tiếp tục xây dựng nhà nuôi chim yến thứ 2 kết hợp với xây dựng trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp. Sau khi đi khảo sát nhiều địa điểm trên địa bàn huyện, anh quyết định thuê 2,5 ha đất tại xã Bình Chánh để xây dựng trang trại. Ban đầu anh đầu tư xây dựng 1 nhà nuôi chim yến, khu nhà nuôi heo sạch, nuôi gà, vịt, diện tích còn lại anh đào ao nuôi cá để tạo cảnh quan môi trường cho trang trại. Dự định đầu tư mô hình nuôi heo sạch để cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng nhưng gặp thời điểm giá thịt heo xuống thấp nên anh cũng gặp không ít khó khăn; hiện nay anh chỉ nuôi 10 con heo giống để giữ đàn, khi nào giá heo ổn định trở lại anh sẽ tăng đàn để cung cấp sản phẩm thịt heo sạch cho thị trường. Không nản lòng với những khó khăn gặp phải, anh quyết định đầu tư nuôi gà, vịt và nuôi cá trên trang trại của mình. Nhờ cần cù, chịu khó, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, lấy ngắn nuôi dài, đến nay trang trại của anh Phong đang nuôi 4.000 con gà, gần 1.000 vịt, 02 hồ nuôi cá với 12.000 con cá tra và nhà chim yến đã có vài cặp yến đến ở. Thu nhập từ nhà nuôi chim yến và trang trại sau khi trừ các khoản chi phí mỗi năm anh Phong thu được 700 triệu đồng, trong đó, nhà nuôi chim yến anh thu khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra, mô hình kinh tế trang trại của anh đã tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Anh Phong chia sẻ: “Để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lao động của bản thân, muốn xây dựng mô hình kinh tế đem lại hiệu quả, trước hết phải chọn hướng đi đúng và quan trọng hơn là phải kiên trì, chịu khó, đúc kết kinh nghiệm để thành công”. Không chỉ làm giàu cho mình, anh Phong còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân quanh vùng. 
   Thời gian đến, anh sẽ hướng dẫn các hộ nuôi gà và liên kết với công ty để tiêu thụ sản phẩm gà sạch của trang trại. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm của nghề nuôi chim yến, anh còn tư vấn, thiết kế và lắp đặt thiết bị âm thanh cho các nhà nuôi chim yến của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Chia sẻ với chúng tôi về những kế hoạch thời gian đến, anh Phong dự định sẽ tiếp tục thuê thêm 2,5 ha đất để mở rộng trang trại của mình, anh sẽ đầu tư nuôi lợn rừng và đào thêm 2 ao cá. Mặc dù công việc bộn bề nhưng anh Phong vẫn tranh thủ thời gian tham gia các hoạt động của địa phương, các phong trào do Hội Nông dân phát động. Khi chúng tôi rời trang trại của anh cũng là lúc anh chuẩn bị các thiết bị để đi lắp đặt thiết bị âm thanh cho khách hàng nuôi chim yến tại huyện Đại Lộc. Nhìn trang trại của anh, chúng tôi cảm thấy vui lây với những công sức, cố gắng, ước mơ của anh đã dần trở thành hiện thực. 
   Có thể nói, sự thành công từ các mô hình kinh tế của anh Phong có được là từ niềm say mê học hỏi, kiên trì vượt qua khó khăn và mạnh dạn đầu tư. Ông Nguyễn Cao Cường- Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình cho biết: “Anh Phong là một thanh niên dám nghĩ dám làm, những năm gần đây anh nổi lên với mô hình nuôi yến đạt hiệu quả và mới đây là kinh tế trang trại, được xem là tấm gương làm kinh tế cho thanh niên địa phương noi theo”. Những mô hình kinh tế như anh Phong đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương, xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp.
Nguồn tin: thangbinh.gov.vn
 
THANH NIÊN VÀ NGHỀ NGHIỆP
 
4 yếu tố giúp nhà lãnh đạo trẻ sớm thành công
 
   Theo nghiên cứu gần đây của HubSpot, phần đông nhà lãnh đạo trẻ tuổi từng cho rằng cần phải cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, đó không phải là việc đơn giản và họ nhận thấy bản thân đã mắc phải sai lầm thật sự.
   3% số doanh nhân được phỏng vấn trả lời rằng họ muốn dành nhiều thời gian hơn với gia đình. 68% người khác mô tả cuộc sống hiện tại của họ giống như một thách thức. Và để vượt qua, họ sẽ phải chia quỹ thời gian dành cho gia đình và sở thích một cách hợp lý.
   Thực tế chứng minh, rất khó để có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Nếu làm đúng bạn có thể vui vẻ, thoái mái và không hề cảm thấy áp lực vì thời gian dành cho công việc và các mối quan hệ, sở thích đều hoàn hảo. Nếu làm sai, bạn khó có thể theo đuổi sự nghiệp thành công.
   Các nhà lãnh đạo trẻ đều đồng ý rằng thay vì quá chú trọng đến việc cân bằng công việc và cuộc sống, hãy tập trung vào 4 yếu tố cơ bản giúp bạn tìm đến con đường thành công nhanh hơn.
   1. Làm việc cần có mục đích
   Quá rõ ràng, làm bất cứ công việc gì dù nhỏ hay lớn đều cần phải có mục đích thì mới có thể hoàn thành. Tin tưởng vào mục đích của bản thân sẽ giúp bạn tìm thấy đam mê trong công việc. Qua đó, cũng sẽ cảm thấy có động lực và tích cực hơn. Nếu phải mất nhiều thời gian hơn để đạt được mục đích thì cũng sẽ không bị nản lòng và từ bỏ giữa chừng.
Những người thành công thường bị ám ảnh bởi mục đích của họ. Họ luôn ghi nhớ mục đích và trách nhiệm của bản thân khi làm bất cứ việc gì. Câu hỏi họ tự hỏi bản thân không phải là "làm thế nào để cân bằng cuộc sống và công việc" mà là "Tại sao tôi cần phải cân bằng cuộc sống và công việc?".
   Họ sẽ hỏi bản thân đang trải qua quãng thời gian bận rộn với công việc hay chỉ lơ đãng làm bất cứ việc gì để thời gian trôi qua thật nhanh? Nếu cảm thấy buồn chán với công việc hiện tại vì bản thân luôn nằm ở vùng an toàn thì sẽ lập tức làm điều gì đó để kích thích sự hứng thú.
   2. Có quan điểm cá nhân
   Đôi khi sự cân bằng công việc và cuộc sống sẽ trở thành rào cản khiến công việc trở nên đình trệ. Bởi vì có không ít người sử dụng nó như một cái cớ để trì hoãn công việc hoặc không làm những việc mà họ nên làm.
   Cuộc sống cần phải có những sự lựa chọn. Bạn có thể lựa chọn nỗ lực vì công việc dù phải làm thêm giờ hoặc rời văn phòng về nhà đúng giờ với gia đình, dành thời gian cho những đam mê khác. Có quan điểm và chính kiến riêng sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn cho công việc hoặc cuộc sống cá nhân. Không nên có thói quen bào chữa và tìm cách đổ thừa hậu quả không làm tốt công việc vì đời sống cá nhân bận rộn, không chăm sóc gia đình tốt vì công việc bề bộn.
   Hãy đưa ra sự lựa chọn phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Thay vì đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài thì nên thành thật với cảm xúc của bản thân. Lựa chọn điều khiến bạn cảm thấy vui vẻ, thoái mái và có ích cho tương lai.
   3. Xác định rõ việc cần ưu tiên
   Cần phải biết cái gì cần phải làm trước và cái gì có thể làm sau để sắp xếp quỹ thời gian hợp lý, đẩy mạnh hiệu quả. Đó chính là nghệ thuật quản lý thời gian của những người thành công cả trong công việc lẫn cuộc sống. Nghiên cứu chỉ ra rằng 50% nhân viên bán hàng cho biết họ có thói quen kiểm tra email trước khi đi ngủ và 30% trong số họ thừa nhận những email công việc có ảnh hưởng đến giấc ngủ và cuộc sống cá nhân của họ.
   Đó là sự lựa chọn của họ và có thể sự lựa chọn này là sai lầm khi họ không biết phải ưu tiên giấc ngủ hay kiểm tra email. Tỷ phú Bill Gates chia sẻ ông có thói quen kiểm tra thư điện tử vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, đó là khoảng thời gian thích hợp để giải quyết công việc. Thay vào đó trước khi đi ngủ, ông sẽ nghiền ngẫm một cuốn sách giúp ông thư giãn và ngủ ngon hơn.
   Ngoài ra, bạn cũng cần phải thành thật với các mối quan hệ, ưu tiên mối quan hệ nào trước: ông chủ, đồng nghiệp, gia đình hay bạn bè? Tất nhiên, mỗi khoảng thời gian sẽ có những sự lựa chọn và ưu tiên khác nhau nhưng đừng quên mục đích thắt chặt các mối quan hệ cần thiết cho cuộc sống và công việc.
Một khi đã xác định được điều bản thân mong muốn thì cần phải thiết lập các ưu tiên, làm cho chúng rõ ràng và bắt đầu thực hiện. Ví dụ, bạn muốn dừng công việc vào 6 giờ tối, hãy tắt thông báo email, ngừng bàn tán về công việc với đồng nghiệp và ra khỏi văn phòng.
   4. Cần tiến bộ
   Cuộc sống phải đối mặt với những khó khăn, phía trước có thể xuất hiện một bức tường chắn ngang khiến bạn cảm thấy bị mất tinh thần, mệt mỏi với những điều đang làm. Bạn sẽ cảm thấy lười biếng và thất vọng. Nhưng nếu từ bỏ, bạn sẽ không bao giờ làm được bất kì điều gì có ý nghĩa. Cần phải có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng.
   Đó là lý do vì sao phải nỗ lực, tiến bộ không ngừng vượt qua những khó khăn, thử thách. Nếu cảm thấy mất tinh thần, hãy tự hỏi bản thân đang làm việc gì, mục đích là gì? Quan trọng hơn, đó phải là điều thật sự bạn muốn đạt được.
   Thiết lập các mục tiêu quan trọng sẽ đảm bảo bạn luôn làm việc theo tiến trình để đạt được mục tiêu cuối cùng. Chỉ cần có sự tiến bộ dù là nhỏ nhất cũng sẽ giúp bạn cảm giác có được thành tựu. Hãy ghi nhớ những cột mốc tiến bộ của bản thân, lấy chúng làm động lực thúc đẩy sự tiến bộ. Cứ nỗ lực từng ngày, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy bản thân đang tiến gần đến đích thành công hơn.
Nguồn: http:thanhgiong.vn
 
BÀI HÁT THANH NIÊN

Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên lời bài hát: Chỉ thế thôi, sáng tác Hoàng Hải.

Chỉ thế thôi
Dù nắng dẫu gió hay là lúc đông lạnh về
Mọi nơi thôn quê xa gần cũng không ngại ngần
Dù bao chông gai không làm chúng ta nản lòng
Cùng dang đôi tay mang nụ cười đến muôn nơi.
Tự tin đi lên khi mặc áo xanh tình nguyện
Cùng chung tay xây những nhịp kết nối tương lai
Màu xanh thân thương gió bụi những khi chỉ đường
Mà sao vui ghê những giờ phút ấy
Đi lên thanh niên chung vai chúng ta cùng tiến bước vào đời
Mai ta bay xa khi bao ước mơ đã đến rất gần
Quyết ta đi lên xông pha mang bao niềm vui đến cho đời
Tuổi xanh yêu thương trong tim mình mãi mãi…
Vang trong tim kiêu hãnh dòng máu lạc hồng
Tuổi xanh ta đi không nghĩ suy đắn đo chi
Để bao em thơ yên bình cắp sách tới trường
Sẽ luôn là tiếng cười vang vọng muôn nơi
Truyền thống cha ông ta quyết tâm mãi giữ gìn
Dựng xây tương lai câu hứa kia mãi không phai
Để ta phiêu du góp sức cống hiến cho đời
Ước mơ màu xanh mang màu áo xanh... Chỉ thế thôi!