Tuổi trẻ huyện Thăng Bình - tỉnh Quảng Nam

http://tuoitrethangbinh.vn


Thanh niên với vấn đề hội nhập: Khát vọng vươn xa

Thanh niên Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, là lực lượng xã hội to lớn của hiện tại và là chủ thể sáng tạo của tương lai. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu, rộng như hiện nay, thanh niên càng cần phải trở thành lực lượng xung kích đi đầu trên mọi lĩnh vực, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài 1: Những vấn đề lý luận.
Tham gia vào quá trình hội nhập làm tăng khả năng phối hợp chính sách, giúp các quốc gia có thể vượt qua được thử thách to lớn và giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Mặt khác nó còn tạo khả năng phân bổ một cách hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên, trình độ khoa học, công nghệ của nhân loại và phong phú thêm đời sống văn hóa, góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia. Chính vì thế mà tham gia hội nhập kinh tế là một tất yếu, khách quan, là đòi hỏi cấp thiết đối với mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hiểu thế nào về hội nhập?
Về ngữ nghĩa, “hội nhập” có nguồn gốc từ “liên kết” (integration) với nghĩa chung nhất là hành động hoặc quá trình gắn kết các phần tử riêng rẽ với nhau; hợp chung các bộ phận vào một chỉnh thể (nhất thể, hợp nhất) và kết hợp các thành tố khác nhau lại (tụ hội, tụ nhóm). Xét theo nghĩa này, có thể thấy, từ sau “Chiến tranh thế giới thứ hai”, quá trình hội nhập quốc tế đã phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực; diễn ra trên nhiều cấp độ: Song phương, tiểu vùng, khu vực, liên khu vực và toàn cầu; thu hút hầu hết các nước trên thế giới. Mức độ hội nhập cũng ngày một sâu sắc và toàn diện hơn.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập còn được điều tiết bởi các hiệp định liên kết song phương, dưới dạng hiệp ước liên minh (chính trị, an ninh, quốc phòng), hiệp định đối tác chiến lược, hiệp định kinh tế - thương mại,... Từ cuối những năm 1990 thế kỷ trước đến nay, xu hướng ký kết các hiệp định song phương (FTA) phát triển đặc biệt mạnh.
           Về mặt lý luận, có nhiều cách tiếp cận về hội nhập quốc tế. Các lý thuyết về hội nhập được phát triển ban đầu chủ yếu để giải thích quá trình hội nhập của các nước châu Âu, do đây là khu vực bắt đầu hội nhập rất sớm. Lý thuyết về hội nhập kinh tế cho rằng, hội nhập kinh tế là quá trình gắn kết mang tính thể chế giữa các nền kinh tế lại với nhau và lập luận rằng, các thị trường chung siêu quốc gia với việc di chuyển tự do các nhân tố kinh tế giữa các nước sẽ tạo ra nhu cầu tự nhiên phải hội nhập sâu hơn, không chỉ về kinh tế, mà còn cả chính trị.  Các lý thuyết chính trị quốc tế cũng có một số cách tiếp cận về hội nhập quốc tế nhưng tựu trung, từ thực tiễn và lý luận về hội nhập quốc tế trên thế giới, có thể khái quát một số điểm quan trọng: Hội nhập quốc tế bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế nhưng không giới hạn ở đó, mà có thể diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, quá trình hội nhập đã và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế đến chính trị, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội và các lĩnh vực khác. Quá trình hội nhập quốc tế không có giới hạn về thời gian. Điều đó có nghĩa hội nhập quốc tế là một quá trình liên tục trong quan hệ hợp tác giữa các nước, có thể đi từ thấp đến cao, từ trạng thái này đến trạng thái khác. Không có quốc gia nào có thể tuyên bố là đã “hoàn thành hội nhập”; ngay cả các nước châu Âu (những nước đi đầu trong hội nhập quốc tế) hiện nay vẫn tiếp tục quá trình hội nhập. Hội nhập quốc tế không chỉ diễn ra thông qua việc tham gia các cơ chế hợp tác đa phương mà còn trên nhiều bình diện. Về bản chất, hợp tác song phương, nếu dựa trên cơ sở các luật lệ và chuẩn mực chung thì cũng có đầy đủ tính chất của hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, bản chất của hội nhập quốc tế là quá trình xây dựng và áp dụng các luật lệ và chuẩn mực chung. Đây chính là đặc điểm phân biệt hội nhập quốc tế với các hoạt động hợp tác quốc tế khác, như trao đổi, tham vấn, phối hợp chính sách... Nói cách khác, hội nhập là một hình thức hợp tác quốc tế ở trình độ cao, gắn với luật lệ và chuẩn mực chung giữa các nước.
Thanh niên có vai trò quan trọng: Thanh niên Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử luôn giữ vai trò quan trọng, luôn thể hiện tinh thần xả thân trong các cuộc chiến tranh giữ nước và luôn là lực lượng quan trọng trong thời kỳ kiến thiết đất nước. Thanh niên Việt Nam trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong thời kỳ kiến thiết đất nước sau chiến tranh, trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn phát huy truyền thống của dân tộc, luôn nêu cao tinh thần xung phong, tình nguyện, xung kích đi đầu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò và vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, Người biểu lộ niềm tin vững chắc vào thế hệ trẻ, là lớp người “xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” và “trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần, thanh niên có; việc gì khó, thanh niên làm". Người động viên, khích lệ: "Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên xung phong đều làm cho tốt". Đảng xác định thanh niên giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người: Đảng luôn đặt niềm tin sâu sắc vào thanh niên, phát huy vai trò làm chủ và tiềm năng to lớn của thanh niên để thanh niên thực hiện được sứ mệnh lịch sử, đi đầu trong cuộc đấu tranh chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, xây dựng và bảo vệ đất nước giàu mạnh, xã hội văn minh. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII nêu rõ: "Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên". Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa" đã khẳng định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã hoạch định những chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, trong đó có việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ thanh niên. Đồng thời, thanh niên cũng sẽ là nhân tố quan trọng, xung kích thực hiện những nhiệm vụ chiến lược đó.
Trước sự quan tâm, chăm lo và kỳ vọng lớn lao của Đảng và Nhà nước, hơn bao giờ hết, mỗi thanh niên cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm để không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trở thành lực lượng xung kích thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; trong đó, hội nhập có vị trí rất quan trọng.
(còn nữa)

Tác giả: Văn An