Tuổi trẻ huyện Thăng Bình - tỉnh Quảng Namhttp://www.tuoitrethangbinh.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 20/12/2024 09:24
Ngày 20/12/2024, Liên đội Trường THCS Phan Bội Châu phối họp với Trường TH Lê Lai và TH Nguyễn Du tổ chức chương trình "Hành trình về địa chỉ đỏ" cho 100 học sinh ưu tú của Liên đội.
Hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989/ - 22/12/2024). Ngày 20/12/2024, Liên đội Trường THCS Phan Bội Châu phối họp với Trường TH Lê Lai và TH Nguyễn Du tổ chức chương trình "Hành trình về địa chỉ đỏ" cho 100 học sinh ưu tú đến với Khu di tích Nhà thờ Mộ tiền hiền Tộc Ngô Kế Xuyên, Thôn Kế Xuyên 1, Bình Trung, Thăng Bình, Quảng Nam - Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Nhằm thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thành kính tri ân, nâng cao tinh thần tự hào dân tộc và biết ơn đối với sự hy sinh oanh liệt của các thế hệ cha anh đi trước.
Nhà thờ Mộ tiền hiền Tộc Ngô Kế Xuyên (xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) mang dáng vẻ uy nghiêm, trầm mặc. Sự độc đáo xen lẫn chút kỳ bí của di tích này trải qua sau bao thăng trầm là điều mà các em học sinh nào cũng muốn khám phá.
Tộc Ngô là một trong những tộc lớn, ra đời và phát triển khá sớm ở Việt Nam. Ở Quảng Nam, con cháu tộc Ngô khá đông, sinh sống rải rác ở nhiều nơi, tập trung đông nhất ở Kế Xuyên, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình. Tộc Ngô ở Kế Xuyên hiện vẫn còn giữ những nét truyền thống văn hóa quý báu của tiền nhân để lại. Đặc biệt là ngôi nhà thờ cổ kính gần 150 năm tuổi.
Mặc dù đã trải qua gần 150 năm với bao thăng trầm, biến động của lịch sử, thêm vào đó là chiến tranh, thiên tai, bão lụt… nhưng nhà thờ tộc Ngô vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn và kiên cố cho đến ngày hôm nay. Đây là ngôi nhà thờ cổ kính bậc nhất làng Kế Xuyên nói riêng và xã Bình Trung nói chung. Nhà thờ Tiền hiền tộc Ngô là một kiến trúc nghệ thuật cổ gồm một gian hai chái, xây dựng theo bố cục hình chữ Nhất (一), mái lợp ngói âm dương, khung sườn bằng gỗ. Trên nóc trang trí cách điệu hình lưỡng long tranh châu, các bờ nóc trang trí hình hoa lá cách điệu.
Toàn bộ khung nhà chịu lực trên 20 cột gỗ mít được đẽo gọt công phu, tất cả đều được kê trên đá tảng. Phía mặt dưới đòn đông còn lưu lại năm xây dựng nhà thờ: năm Tự Đức thứ 21 (1869). Bệ ở giữa thờ Tiền hiền đức thủy tổ Ngô Văn Cang, bệ thờ bên trái thờ Hậu hiền phái thứ nhất Ngô Văn Kiệt, bệ thờ bên phải thờ Hậu hiền phái thứ hai Ngô Văn Giám; bệ thờ bên hữu thờ tộc Phạm, bệ thờ bên tả thờ tộc Bùi. Đó là những vị quê ở làng Đoài – Trảo Nha (nay là xã Đại Lộc, thị trấn Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), có công khai phá và lập nên làng xã Kế Xuyên vào khoảng giữa đầu thế kỷ XVII.
Nhà thờ tộc Ngô - Kế Xuyên đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2005. Gần một thế kỷ rưỡi đi qua, người dân làng Kế Xuyên càng có trách nhiệm hơn đối với việc bảo vệ, gìn giữ, trân trọng quá khứ của cha ông, của các bậc tiền nhân và đồng thời giáo dục con cháu trong họ tộc phát huy những truyền thống văn hóa cao đẹp này.
Hoạt động nhằm giúp tuyên truyền trong học sinh về truyền thống đấu tranh cách mạng và thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân của thế hệ trẻ đối với thế hệ cha ông, tưởng nhớ về tổ tiên, cội nguồn dân tộc.
"Hành trình về địa chỉ" đỏ là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”. Qua đó, để giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng thời, tạo điều kiện giao lưu, học tập kinh nghiệm cho học sinh giữa các liên đội, nâng cao kỹ năng hoạt động cộng đồng./.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đoàn huyện Thăng Bình lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2022-2027