Tuổi trẻ huyện Thăng Bình - tỉnh Quảng Namhttps://www.tuoitrethangbinh.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 27/05/2024 23:15
Chăm chỉ làm ăn, không lùi bước trước những khó khăn, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hươngbằng đôi tay, khối óc của mình. Anh Dương Đức Lân ở thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình là một người như thế. Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Lân đã nghĩ ra cách cải thiện vùng đất quê hương thành trang trại tổng hợp, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, là một tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Bình Nguyên.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, từ khi lập gia đình đến nay, vợ chồng anh Dương Đức Lân luôn tiếp tục đeo bám nghề nông, kinh tế khó khăn phải nuôi hai con còn nhỏ đang tuổi ăn học nên cái nghèo vẫn cứ mãi đeo bám. Trong hoàn cảnh gia đình như vậy, là lao động chính trong gia đình, anh Lân nhiều đêm suy nghĩ, tìm hướng đi mới phát triển kinh tế, làm thế nào để thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu bằng sức lao động và trí óc của mình. Với ý tưởng muốn thoát khó khăn thì không có cách nào khác là phải đổi mới cung cách làm ăn, không thể độc canh cây lúa mà phải thâm canh kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, anh Lân là tấm gương phát triển đa dạng các loại hình sản xuất trong nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là cách làm có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng địa phương, mà các nơi khác đã thực hiện thành công.
Với phương châm "lấy công làm lời, sống tiết kiệm", vợ chồng anh chăm chỉ làm ăn, quyết tâm thực hành tiết kiệm với cách làm là phát triển đa dạng sản xuất và để tạo vốn tích luỹ vươn lên mở rộng quy mô sản xuất. Từ nguồn vốn ban đầu khoảng 50 triệu đồng, anh đã mạnh dạn xây 5 hồ nuôi cá tại gia đình, mỗi hồ khoảng hơn 3.000con. Khi cảm thấy mình đã nắm cơ bản kỹ thuật, anh bắt tay vào đầu tư xây dựng ao nuôi và mua giống về thả. Năm 2019 anh đã mạnh dạn thuê đất của xã với diện tích 1,5ha để phát triển theo mô hình kinh tế trang trại. Với nguồn vốn đầu tư gần 600 triệu, trang trại của anh hiện nay có 10 hồ nuôi cá lóc với trên 70.000 con, với diện tích mỗi hồ 50m2 nuôi khoảng 10.000 con cá lóc. Anh xây dựng mỗi hồ làm 3 tầng, tầng trên nuôi cá lóc, tầng dưới nuôi cá trê và tầng cuối xả nước để trồng cỏ nuôi bò. Hiện trang trại của anh có 5 con bò sinh sản và 20 con bò thịt và hơn 100 con gà chọi.
Để có được thành công trong việc nuôi cá như bây giờ, anh Lân đã phải đi một số tỉnh miền Trung để tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá lóc và học hỏi từ bạn bè về quy trình chăm sóc của các trại nuôi để từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Vụ nuôi đầu tiên anh đã gặp không ít khó khăn về vấn đề điều trị bệnh cho cá nên cá nuôi liên tục chết. Không nản chí, sau thất bại ban đầu, anh tiếp tục vay mượn thêm để xây dựng lại bể ba bể nuôi, mỗi bể có diện tích 15m2. Rút kinh nghiệm từ vụ trước, trong vụ nuôi thứ hai, anh tự xây dựng cho mình một kỹ thuật nuôi mới từ khâu cho cá ăn, thay nước và phương pháp chữa trị khi nhận thấy cá có dấu hiệu nhiễm bệnh. Bằng tâm huyết đó, thành công đã đến với anh khi đàn cá phát triển tốt và xuất bán sau 6 tháng thả nuôi.
Khi được hỏi về kinh nghiệm thành công có được, anh Lân cho biết: Trong chăn nuôi phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi. Với kiến thức về nghề nuôi cá tự học, tự nghiên cứu, kết hợp với kiến thức được hướng dẫn tập huấn do các cấp Hội Nông dân và ngành nông nghiệp hướng dẫn, gia đình anh đã áp dụng và thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc đến vệ sinh bể nuôi. Bên cạnh đó, tận dụng nguồn nước nuôi cá thải ra anh còn trồng cỏ để nuôi bò.
Chia sẻ về những kinh nghiệm làm ăn của mình, anh Dương Đức Lân cho biết, là một nông dân, làm cái gì cũng vậy, nhưng trước hết là phải tiết kiệm. Thứ hai, phải biết trồng cây gì, con gì để phù hợp với điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng của địa phương và mạnh dạn mở rộng quy mô, phát triển đa dạng các loại hình sản xuất. Và điều quan trọng nữa là nhà nông phải biết cập nhật tin tức về giá cả, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế. Bằng phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa sản xuất vừa đầu tư, đến nay gia đình anh đã có một mô hình kinh tế trang trại với quy mô hợp lý và quy củ. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, thu nhập bình quân của gia đình đạt trên 180 triệu đồng. Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, an Lân còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, anh làm Phó ban công tác Mặt trận thôn Thanh Ly 1 từ năm 2005 đến nay. Từ khi đảm nhận công tác ở thôn, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được UBND xã khen thưởng tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến 5 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021. Với bản tính hiền lành, chất phát, anh Lân luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên hội nông dân và bà con lối xóm, được nhiều người trong thôn tin yêu, quý mến. Với việc phát triển đa dạng các loại hình sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, từ một hộ nghèo khó, kinh tế gia đình anh giờ đã có của ăn của để. Nhìn vợ chồng anh lao động quần quật suốt ngày mới thấy hết ý chí và nghị lực của một tấm gương nông dân với ước mơ làm giàu bằng đôi tay và khối óc của mình. Bản thân anh là một trong những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên, xứng đáng để mọi người học tập và noi theo. Hy vọng ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương như thế để thúc đẩy kinh tế hộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần thay đổi diện mạo làng quê và xây dựng nông thôn mới