Lễ tưởng niệm đồng bào, đồng chí đã dũng cảm hy sinh trong Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được năm 1954.

Thứ năm - 04/09/2014 00:02
Sáng ngày 04/9/2014, tại khuôn viên Tượng đài Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, UBND huyện Thăng Bình phối hợp với Sở Văn hóa –Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã tổ chức trọng thể Lễ Tưởng niệm đồng bào, đồng chí đã dũng cảm hy sinh trong Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được đầu tháng 9 năm 1954.
 
     Lời tưởng niệm do đồng chí Nguyễn Văn Ngữ - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nêu rõ: Cách đây 60 năm, Hiệp định Giơ –ne- vơ về đình chiến ở Việt Nam được ký kết. Chưa đầy 2 tháng sau, ngay trên mảnh đất này, đã diễn ra một sự kiện lịch sử làm chấn động lòng người - Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được.

Ảnh: Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam do đồng chí Nguyễn Ngọc Quang - Phó Bí thư 
Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam dẫn đầu viếng hương tưởng niệm.

     Cách đây 60 năm, vào sáng ngày 04-9-1954, bọn lính Đại đội 4, Tiểu đoàn bảo an 611 Liên hiệp Pháp do tên Trần Hải - Đại đội trưởng chỉ huy kéo lên cầu Bàu Bàng chặt cây dương liễu của dân để sửa chữa cầu nhằm thông tuyến về Hà Lam. Trước hành động ngang ngược đó, ông Nguyễn Hề  - chủ có cây dương liễu bị chặt phá và một số người dân xung quanh khu vực đã buộc bọn lính phải bồi thường thiệt hại. Nhưng tên Đại đội trưởng đã ngông cuồng và bạo ngược, không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của dân mà còn ngang nhiên ra lệnh nổ súng, nhiều người bị bắn chết tại chỗ. Chưa nguôi cơn khát máu, bọn chúng còn ném lựu đạn, bắn đuổi theo những người bị thương đang tìm chỗ ẩn nấp và những người còn sống sót. Tiếng súng nổ, tiếng kêu la tiếp cứu của đồng bào, lời nguyền rủa, phản đối quân khát máu, …trước những cái chết thương tâm và sự thương vong đau lòng của đồng bào ta đã  gây nên cảnh tượng thật bi tráng.
     Máu chảy ruột mềm, càng xót xa dân lành vô tội, sự căm phẫn càng sôi sục, không thể khuất phục trước uy vũ, nhân dân đã khiêng người chết, người bị thương từ Bàu Bàng (Bình Phục) xuống đồn Chợ Được (Bình Triều) để  tiếp tục đấu tranh. Những người chết được đắp chiếu, phủ lá cờ đỏ sao vàng sắp thành hàng dài gây xúc động lòng người. Lực lượng nhân dân ở khắp nơi trong huyện, trong tỉnh nghe tin đã tập trung về Chợ Được ngày càng đông để đấu tranh với bọn địch. Làn sóng đấu tranh chống Mỹ - Diệm ở huyện mỗi lúc một dâng cao. Khí thế hừng hực tranh đấu lan tỏa, nhân dân các  huyện thị Núi Thành, Tam Kỳ, Quế Sơn, Tiên Phước kéo đến ngày càng đông, cao điểm lên đến 5 ngàn người, đấu tranh ngày càng quyết liệt hơn. Lúc này yêu sách của cuộc đấu tranh là: "Đả đảo bọn giết người",“Phải chặn đứng bàn tay đẫm máu”, “Nợ máu phải trả bằng máu", "Yêu cầu thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ",...

Ảnh: Đoàn đại biểu huyện Thăng Bình do đồng chí Phan Nghĩa - TUV, Bí thư Huyện ủy dẫn đầu viếng hương tưởng niệm.

     Nắm bắt được tình hình, Tỉnh uỷ Quảng Nam cùng Huyện ủy Thăng Bình đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh đi đúng hướng, tránh để bị địch khiêu khích, lấy cớ để đàn áp nhân dân. Nhân dân các nơi: Thăng Triều, Thăng Phước, Việt An, Đo Đo, Duy Xuyên, Hội An, Tam Kỳ và nhiều địa phương khác ào ạt kéo đến trong đêm; những ngọn đuốc như ngọn lửa  yêu nước và căm thù giặc đã thắp sáng cả một vùng trời chợ Được. Trước sự phản kháng mạnh mẽ và quyết liệt của nhân dân bọn lính trong Đồn Chợ Được hoang mang nao núng.
     Tiếp đó, sáng ngày 05-9-1954 địch cho 2 máy bay đến Chợ Được  thả truyền đơn đe dọa tàn sát đoàn người biểu tình và nhằm để giải vây cho đồng bọn ở Chợ Được. Xe quân giới ở Hà Lam tăng cường lực lượng xuống tiếp ứng nhưng hàng trăm người mẹ, người chị đã bất chấp súng đạn, chặn đầu xe, giật tay lái và dùng cả thân người chặn bánh xe lăn, làm cho bọn địch hoảng sợ phải tháo chạy về đồn.
     Đại diện nhân dân đã vạch trần tội ác và buộc binh lính Liên hiệp Pháp ký vào biên bản đã phạm tội ác giết người và các điều quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, kiến nghị gởi lên Uỷ ban quốc tế, bắt chúng phải đưa những đồng bào bị thương đến bệnh viện Hội An để cứu chữa và cung cấp vải, quan tài để khâm liệm và chôn cất tử tế những người bị giết hại.
    Ngày 6/9/ và ngày 7/9/1954 nhân dân tiếp tục đấu  tranh, chúng nổ súng tấn công làm chết thêm một số người nữa và chúng bắt tất cả binh lính đồn trú tại Chợ Được về quận xét về tội bị Việt Cộng đầu độc. Đại đội 4 bảo an đồn trú tại Chợ Được bị tan rã.
     Cuộc thảm sát tàn khốc đã có 43 người bị địch giết hại, 23 người khác bị thương, gần một trăm người bị giam giữ, tra tấn và đánh đập tàn nhẫn. Qua 4 ngày đêm đấu tranh quyết liệt, thấy xu thế cuộc đấu tranh đã đến đỉnh điểm và thắng  lợi, Huyện uỷ Thăng Bình chỉ đạo  cho quần  chúng  tự giải tán để tránh sơ hở có thể dẫn đến bất lợi cho cách mạng và tránh thiệt hại về tính mạng và của cải cho dân lành vô tội.
     Thắng lợi của cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được là kết tinh của vai trò lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, kịp thời và nhạy bén của Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Thăng Bình, các chi bộ địa phương với sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân Quảng Nam và Thăng Bình. Cuộc thử lửa đầu tiên này đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước; đã thôi thúc, cổ vũ  mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam vùng lên chống lại bọn thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai; góp phần hun đúc lên các phong trào, các cuộc đấu tranh có quy mô lớn như phong trào Đồng Khởi Bến Tre, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
      Tại buổi lễ tưởng niệm, các đồng chí lãnh đạo, các đoàn đại biểu và đông đảo bà con nhân dân đã tỏ lòng thành kính tri ân, tưởng niệm những đồng bào, đồng chí, đã dũng cảm đấu tranh để bảo vệ chân lý, đã anh dũng hy sinh - những người đã không tiếc của cải, máu xương, tính mạng của mình, tự nguyện, sẵn sàng tranh đấu cho chân lý, chính nghĩa; quyết chiến quyết thắng quân cướp nước và bọn tay sai, bảo vệ từng ngọn cây, tấc đất, mái nhà, xóm làng quê hương xứ sở; đã dũng cảm làm nên chiến thắng dù không một tấc sắt trong tay trước hàng trăm tên lính hung hăng với trang bị đủ các loại vũ khí, cùng sự viện trợ khác của quan thầy đồng bọn; trong tình huống lửa bỏng dầu sôi, đã biến đau thương thành hành động, đoàn kết, tạo nên sức mạnh vĩ đại để đấu tranh đến cùng với bọn Mỹ Diệm và tay sai với khát vọng cháy bỏng vì độc lập, hòa bình, tự do cho đất nước muôn đời thái bình, thịnh trị; để lại dấu ấn không quên - trang sử hào hùng - khúc ca bi tráng!

Tác giả: Huỳnh Định

Nguồn tin: thangbinh.quangnam.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai