Tuổi trẻ huyện Thăng Bình - tỉnh Quảng Namhttps://www.tuoitrethangbinh.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 05/11/2020 02:20
Trong thời gian qua trên địa bàn huyện, tình trạng phụ huynh học sinh đưa đón con đi học dừng đỗ xe không theo trật tự mà đứng tràn lan, kéo dài dưới lòng, lề đường ngay trước cổng trường học, gây mất trật tự và tiềm ẩn nhiều rủi do gây mất an toàn giao thông.
Nhằm góp phần đảm bảo trật tự ATGT ngoài cổng trường học trên địa bàn huyện, Ban thường vụ Huyện đoàn - Hội đồng Đội huyện Thăng Bình đã triển khai thực hiện mô hình "Cổng trường an toàn giao thông". Cụ thể, BCH Đoàn - Hội đồng Đội các xã, thị trấn phối hợp Liên đội các trường Tiểu học, THCS xây dựng kế hoạch phối hợp đảm bảo trật tự ATGT tại các cổng trường giữa BCH Đoàn xã, Ban công an xã, Công chức văn hóa xã và các trường tiểu học, THCS. Tổ chức tuyên truyền về việc thực hiện mô hình và tiến hành kẻ vạch sơn trên đường giao thông trước cổng trường để phụ huynh đưa, đón con em đỗ xe sát cổng trường, mép đường, tạo thành hàng lối ngay ngắn trước vạch sơn. Không để tình trạng đỗ xe tùy tiện tràn ra cả lòng, lề đường. Vận động phụ huynh chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự ATGT trước cổng trường và chấp hành theo sự bố trí, hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông, lực lượng tại chỗ của các nhà trường và hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Bên cạnh đó là việc phối hợp với BGH các nhà trường, các thầy cô giáo hướng dẫn các em học sinh xếp thành hàng ngay ngắn khi kết thúc buổi học từ trong lớp khi ra ngoài cổng trường.
Mô hình sau khi được triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân và các phụ huynh tại các trường học, tạo hình ảnh đẹp, văn minh tại các cổng trường học. Trong thời gian tới Huyện Đoàn - Hội đồng Đội huyện Thăng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo để tất cả các Liên đội trường Tiểu học, THCS và BCH Đoàn - Hội đồng Đội các xã thị trấn đều triển khai thực hiện mô hình, duy trì mô hình hiệu quả tiến tới hình thành thói quen nề nếp tại các cổng trường học.
Thực tế cho thấy, học sinh tiểu học vẫn nằm trong độ tuổi nhi đồng nên các em chưa thực sự hiểu hết được những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông nếu không được tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân thức từ phía gia đình và Nhà trường. Chính vì vậy, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã được phát động, khuyến khích các Nhà trường tham gia hưởng ứng và thực hiện đúng mục tiêu mà mô hình hướng tới, trong đó có quy định cụ thể cho phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông vào thời điểm đến trường và vào giờ tan học. Từ khi được triển khai đến nay, các trường Tiểu học của nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động trong đó Chi đoàn giáo viên là lực lượng nòng cốt trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động của đội xung kích ATGT mà lực lượng nòng cốt là đội cờ đỏ ở mỗi lớp khi tham gia trực tuần, đồng thời phát động tháng cao điểm thi đua giữa các khối lớp để đạt được hiệu quả cao nhất về cả ATGT và an ninh trật tự. Song song với đó, nhiều điểm trường còn tiến hành kẻ vẽ tranh cổ động có nội dung tuyên truyền về thực hiện an toàn giao thông, góp phần nâng cao nhận thức cho cả học sinh và gia đình, người thân. Ngoài ra, Ban giám hiệu cũng tổ chức ký cam kết giữa học sinh với Nhà trường và giữa phụ huynh với nhà trường để cùng tham gia thực hiện nghiêm túc các quy tắc giao thông khi đưa, đón con em đến trường. Hàng tuần, thông qua các buổi chào cờ, các tiết học đạo đức, kỹ năng sống, học sinh được phổ biến nhiều nội dung về Luật ATGT đường bộ, được tham gia thực hành giải quyết các tình huống khi tham gia giao thông.
Có thể khẳng định, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” là một trong những mô hình tự quản về ATGT trong trường học mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đồng thời còn trở thành một nét đẹp văn hóa giao thông nhờ có sự hợp tác tích cực từ 3 phía nhà trường, học sinh và phụ huynh. Với những nội dung đã thực hiện, hiệu qủa mang lại bước đầu từ mô hình “Cổng trường ATGT” đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi tình trạng vi phạm Luật giao thông đường bộ trong học sinh, hạn chế tình trạng mất ATGT tại khu vực trường học./.