Giám sát với 2 nội dung chính: Việc triển khai thực hiện Luật trẻ em số 102/2016/QH13, ngày 05/4/2016 của Quốc hội (Luật trẻ em năm 2016) và Giám sát việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên số 53/2005/QH11 của Quốc hội (Luật thanh niên năm 2005). Qua giám sát, các đại phương đã có sự quan tâm triển khai thực hiện đảm bảo theo Luật trẻ em và Luật thanh niên, tạo điều kiện cho trẻ em, thanh thiếu niên phát triển lành mạnh dưới nhiều hình thức phong phú, sáng tạo…
Tuy nhiên, nhìn chung công tác phối hợp dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên chưa gắn với nhu cầu thực tế của thanh niên, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, thiếu việc làm còn cao; nhu cầu về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí cho thanh niên chưa được đáp ứng đầy đủ; tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên còn diễn biến phức tạp. Ngân sách dành cho công tác thanh niên còn hạn chế và thực hiện theo cơ chế lồng ghép, xã hội hóa nên còn bị động.
Sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đôi lúc chưa đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em chưa thường xuyên. Điều kiện tiếp nhận thông tin, bày tỏ ý kiến và các hoạt động xã hội phù hợp với trẻ em còn nhiều hạn chế. Cán bộ phụ trách công tác Gia đình - Trẻ em ở xã chưa được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nguồn kinh phí phân bổ hằng năm cho công tác Gia đình - Trẻ em còn quá thấp. Nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế, cho nên việc phân bổ nguồn kinh phí phân bổ hằng năm cho công tác Gia đình - Trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế địa phương rất khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ.