Tuổi trẻ huyện Thăng Bình - tỉnh Quảng Namhttps://www.tuoitrethangbinh.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 06/06/2021 22:39
Quảng Nam là tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung có diện tích tự nhiên là 10.574,74 km2; nằm giữa trục giao thông Nam - Bắc về đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum; phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; phía Đông giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển 125km. Toàn tỉnh có 18 huyện, thị xã, thành phố (2 thành phố, 1 thị xã, 6 huyện đồng bằng, 9 huyện miền núi); 241 xã, phường, thị trấn; 1.240 thôn, tổ dân phố. Tổng dân số tỉnh Quảng Nam tính đến ngày 31/12/2020 là 1.509.251 người; mật độ dân số 142 người/km2. Dân tộc thiểu số gần 142.000 người, chiếm 9,4% tổng dân số toàn tỉnh, gồm Cơ tu, Xơ Đăng, Gié Triêng, Cor…
I. SỰ RA ĐỜI VÀ Ý NGHĨA CỦA DANH XƯNG QUẢNG NAM
Tháng 6 năm Tân Mão 1471, năm Hồng Đức thứ hai, vua Lê Thánh Tông thành lập (khai sáng) đạo Thừa tuyên Quảng Nam, trở thành thừa tuyên thứ 13 của quốc gia Đại Việt. Đạo Thừa tuyên Quảng Nam lúc này là vùng đất rộng lớn, từ Nam sông Thu Bồn đến Bắc đèo Cù Mông, tỉnh Bình Định ngày nay, gồm 3 phủ, 9 huyện: (1) Phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện: Lê Giang, Hà Đông và Hy Giang (tương ứng với phần đất từ bờ nam sông Thu Bồn đến dốc Sỏi, địa giới tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi ngày nay); (2) Phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện: Nghĩa Sơn, Bình Sơn và Mộ Hoa (tương ứng với phần đất của tỉnh Quảng Ngãi ngày nay); (3) Phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn (tương ứng với phần đất của tỉnh Bình Định ngày nay). Trải qua 550 năm, Danh xưng Quảng Nam đã nhiều lần thay đổi tên gọi: Từ Đạo Thừa tuyên Quảng Nam đến Xứ Quảng Nam, Trấn Quảng Nam, Dinh Quảng Nam thời xa xưa, rồi Đặc khu Quảng Đà trong thời chiến tranh chống Mỹ, Quảng Nam - Đà Nẵng sau ngày thống nhất đất nước và trở lại Danh xưng Quảng Nam khi tỉnh được tái lập năm 1997. Với Danh xưng Quảng Nam, Lê Thánh Tông - một vị vua anh minh, được xếp vào hàng bậc nhất trong các triều đại vua chúa Việt Nam, đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Đại Việt đối với vùng đất này. Lê Thánh Tông đã có một sự lựa chọn, một định hướng mang tính chiến lược về tầm nhìn xa, xu thế phát triển, mang ý nghĩa quyết định vận mệnh của quốc gia Đại Việt. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà vị vua hiền nổi tiếng uyên thâm đã chọn hai chữ đầy ý nghĩa để đặt tên cho vùng đất mới: “Quảng” là mở rộng, “Nam” là về phương Nam. Riêng nói về Minh quân Lê Thánh Tông, có thể khái quát một số nét cơ bản sau: Với 37 năm trị vì (1460 - 1497), Lê Thánh Tông đã để lại những dấu ấn đậm nét trong việc coi trọng hiền tài, coi trí thức là vốn quý của xã hội. Để biểu dương, khuyến khích những người học giỏi, đỗ cao, vào năm Giáp Thìn (1484) tức năm Hồng Đức thứ 15, vua sai Thượng thư Bộ Lễ Quách Đình Bảo dựng mười tấm bia để ở nhà Thái học; trên đó khắc tên các Tiến sĩ thi đậu trong 10 khoa thi từ 1442 đến 1484. Từ đó thành lệ, các đời sau đều dựng bia Tiến sĩ ở Văn Miếu. Nhà vua còn chọn các vị quan văn nổi tiếng như Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Lương Thế Vinh, Đàm Văn Lễ... soạn những bài ý tứ sâu xa để khắc lên bia. Bài văn bia khoa Đại Bảo thứ ba (1442) do Thân Nhân Trung soạn có câu: “Hiền tài là nguyên khí của nước nhà. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và càng lên cao, nguyên khí suy thì thế nước hèn và ngày càng xuống thấp. Cho nên, các bậc thánh đế minh vương đời xưa, chẳng đời nào lại không chăm bón nhân tài, bồi đắp nguyên khí”. Nhà vua là nhà lãnh đạo năng động tài ba, có phương hướng chiến lược hợp thời, đã đưa đất nước Đại Việt trở nên hùng cường về quân sự, giàu mạnh về kinh tế. Sau khi sắp xếp xong bộ máy nhà nước, cũng như các vua đầu triều Lê sơ, vua Lê Thánh Tông rất quan tâm đến hình luật. Tháng 11 năm Hồng Đức thứ 14 (1483), vua sai các đại thần thu thập các luật lệ, chiếu lệnh, phép tắc, văn bản của các đời vua trước để soạn thành bộ Quốc triều hình luật, còn gọi là Bộ luật Hồng Đức. Kể cả phần mà các vua thời Lê sau này bổ sung thêm thì Bộ luật Hồng Đức còn lại đến ngày nay gồm 722 điều, 13 chương được đóng thành 6 quyển. Đây một bộ luật khá hoàn chỉnh, rất tiến bộ; có nhiều quy định nhằm bài trừ nạn tham nhũng, hối lộ, lãng phí của công, nạn ức hiếp dân lành và chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của dân; trong đó có những điều bênh vực cho quyền lợi của người phụ nữ, còn có giá trị tác dụng cho các triều đại sau. Dưới thời Vua Lê Thánh Tông, có nhiều quy định, hình thức rất tiến bộ, hợp lý về việc phát triển văn hóa, khai khẩn đất đai, khuyến nông, về tuyển chọn, sử dụng và quản lý quan lại, sử dụng người tài. Thời đại Minh quân Lê Thánh Tông, về văn quan, võ tướng có khá nhiều bậc hào kiệt, nho thần trí dũng, góp công to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và cách đây gần tám mươi năm, năm 1942, trong bài diễn ca Lịch sử nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “... Vua hiền có Lê Thánh Tông...”...
II. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, CÁCH MẠNG, VĂN HÓA CỦA VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI QUẢNG NAM Quảng Nam là một trong những vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, văn hóa, hiếu học, bản lĩnh và sáng tạo
Quảng Nam là vùng đất “đầu sóng ngọn gió”, “phiên dậu phía Nam” của Tổ quốc trong suốt thời kỳ mở cõi về phương Nam. Nguyễn Hoàng coi Quảng Nam là “đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, là “đất dụng võ của người anh hùng”. Năm 1602, Nguyễn Hoàng cho lập dinh trấn tại Thanh Chiêm. Từ năm 1613, sau khi Nguyễn Hoàng mất, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên lên thay đã đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, cải cách xã hội; ông cho lập nhiều hải cảng để đón thương thuyền nước ngoài ghé vào buôn bán. Tàu bè của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp thường xuyên cập bến Hội An để mua các loại sản vật của xứ Quảng, nhờ đó Hội An đã trở thành thương cảng quan trọng nhất của Đàng Trong. Vào cuối thế kỷ XVII, từ cuộc du hành Quảng Nam của mình, Thích Đại Sán có viết về sự sầm uất và thịnh vượng của Hội An - Faifo: “Xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, hỏi ra mới biết đó là đoàn thuyền chở lương, đậu chờ gió tại cửa Hội An vậy... Hai bên bờ nhà cửa đông đúc, người đi đường xôn xao, kẻ gánh người gồng, người ta đã đi chợ sáng”. Sự giao thoa, hội nhập văn hóa ở Hội An đã làm cho đô thị thương cảng này có những nét riêng độc đáo, thể hiện qua các công trình kiến trúc, điêu khắc, phong tục tập quán… Trải qua thời gian và chiến tranh, Hội An vẫn còn giữ được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vốn có của mình. Với những giá trị độc đáo, đô thị cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đất Quảng cũng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với truyền thống hiếu học, Quảng Nam đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước.Xứ Quảng Nam nổi tiếng là đất học với các danh hiệu để tiếng thơm muôn đời sau: “Ngũ phụng tề phi”, “Tứ hỗ”, “Tứ kiệt”, “Ngũ tử đăng khoa”… Những nhà yêu nước của thế kỷ trước như: Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Bá Phiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành… là những tấm gương sáng về truyền thống hiếu học, yêu nước, đem tài năng, tâm huyết, cả tính mệnh của mình để phục vụ cho dân, cho nước. Truyền thống hiếu học vẫn tiếp tục được phát huy như: Nhiều học sinh, sinh viên của tỉnh đã đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi trong nước và quốc tế; nhiều người được phong hàm giáo sư như Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Văn Hạnh (văn học); Hoàng Châu Ký (nghệ thuật học); Hoàng Phê, Diệp Quang Ban (ngôn ngữ học); Hoàng Tụy, Nguyễn Chánh Tú (toán học); Nguyễn Tấn Quý (xây dựng); Lê Văn Căng (nông học); Trần Văn Thọ (kinh tế)... là minh chứng cho bản lĩnh và tài năng của người con xứ Quảng. Vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, Quảng Nam là một trong những nơi mà các phong trào yêu nước lúc đương thời đã tạo nên những tiếng vang như: Phong trào Nghĩa Hội Cần Vương với các sĩ phu Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến; phong trào Duy Tân với các chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Cơ…; Duy Tân Hội và phong trào Đông Du với các chí sĩ Tiểu La Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn, Đỗ Đăng Tuyển…; phong trào chống sưu, chống thuế năm 1908 khởi đầu tại Quảng Nam, sau đó lan nhanh đến 10 tỉnh Trung Kỳ từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Quê hương của nhiều nhà chí sĩ đóng vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội năm 1916 như: Thái Phiên, Trần Cao Vân, Đỗ Tự, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương… Các phong trào yêu nước của nhân dân Quảng Nam vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đều thất bại, nhưng đã hun đúc ý chí chống ngoại xâm của người dân xứ Quảng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Quảng Nam là một trong những nơi sớm truyền bá tư tưởng cộng sản và thành lập Đảng bộ tỉnh (28/3/1930) chỉ hơn một tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong cao trào Cách mạng tháng Tám năm 1945, Quảng Nam là một trong bốn địa phương giành chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Quảng Nam được coi là “Mảnh đất thánh của Khu 5” (vùng tự do của ta), là hậu phương quan trọng để chống thực dân Pháp; là nơi được Liên Khu ủy 5, Khu ủy 5, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đóng chân, xây dựng căn cứ để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân Khu 5 kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Quảng Nam đã mở đầu phong trào đồng khởi với cuộc khởi nghĩa vũ trang tại làng Ông Tía (năm 1960) đến chiến thắng Bồ Bồ (năm 1954) chi viện rất lớn cho chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Quảng Nam là vùng trọng điểm, nhân dân các dân tộc chịu nhiều đau thương, hy sinh, mất mát, nhưng vẫn sắc son, chung thủy, quyết tâm cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tiêu biểu là chiến thắng Núi Thành “trận đầu đánh Mỹ”, đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu: “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” ngày 17/9/1967. Cùng với đó là những chiến công vang dội như Điện Ngọc, Thủy Bồ, Mộc Bài, Hương An - Bà Rén, Xã Đốc, Cấm Dơi, Nông Sơn - Trung Phước, Thượng Đức..., tiến tới cùng miền Nam tổng tiến công nổi dậy góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày nước nhà thống nhất, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Quảng Nam bắt tay vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Ổn định tình hình, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống của nhân dân (1975 - 1985): Với những hậu quả của chiến tranh tàn phá để lại, tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến địa phương… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương, nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, từng bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực phấn đấu và giành được những thành tựu quan trọng trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn 1979 - 1985, trong điều kiện đất nước nói chung và tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thứ; song, tỉnh đã thực hiện tốt việc cải tạo kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng bộ lần thứ XII, tỉnh đã mạnh dạn áp dụng nhiều cơ chế mới: xuất khẩu nông, hải sản để nhập xăng dầu cho nông ngư nghiệp; dành ruộng đất đào ao nuôi cá; vận dụng 2 giá lương thực; bù giá lương thực; mở rộng liên kết với các tỉnh bạn để trao đổi hàng hóa phục vụ nhu cầu trong tỉnh; khai thác 4 thế mạnh của địa phương là nông nghiệp, công nghiệp, rừng và biển từng bước phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đại hội VI của Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo (1986 - 1996):Thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra, trong những năm 1986 - 1990, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định để cụ thể hóa các nhiệm vụ, chủ trương một cách toàn diện, từ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đến xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Qua 5 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp: bước đầu sức sản xuất đã được giải phóng, việc bố trí lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý có hiệu quả hơn. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được đổi mới, cơ chế quản lý, sắp xếp lại sản xuất, phân công lại lao động, giải thể một số đơn vị quốc doanh làm ăn không hiệu quả… Lĩnh vực văn hóa - xã hội đã được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là ngành giáo dục và y tế; trong giáo dục, Tỉnh ủy đã chỉ đạo nhằm thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chú trọng phát triển giáo dục miền núi; tập trung cho chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, củng cố mạng lưới y tế cơ sở và phòng ngừa dịch bệnh… Giai đoạn 1991 - 1996, trong bối cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu tan rã đã tác động tiêu cực đến tình hình nước ta, nhất là về mặt tư tưởng, chính trị nhưng với bản lĩnh của một Đảng bộ đã có bề dày lịch sử, hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, đứng vững trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn địa phương, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng. Chính trị ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tiềm năng các thành phần kinh tế được khơi dậy, một số lĩnh vực có sự phát triển khá, lực lượng sản xuất của xã hội được tăng cường; đời sống nhân dân được cải thiện; văn hóa - xã hội tiến bộ, theo hướng xây dựng con người mới năng động, hội nhập với khu vực và quốc tế, biết trân trọng quá khứ và truyền thống quê hương; quốc phòng an ninh được đảm bảo; vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường, hệ thống chính quyền các cấp từng bước được củng cố và vững mạnh; hoạt động đối ngoại được mở rộng; vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị được phát huy; tinh thần đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ và niềm tin của nhân dân vào đường lối đổi mới được củng cố và tăng cường. Xây dựng và phát triển từ khi tái lập tỉnh Quảng Nam (1997) đến nay:Ngày 01/01/1997, tỉnh Quảng Nam được tái lập. Lúc này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Quảng Nam đã phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, phát huy những thành tựu đã đạt được của những năm trước đó, đột phá vào những khâu là thế mạnh của địa phương, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đề ra cơ chế thu hút đầu tư, đưa nền kinh tế - xã hội tăng trưởng với tốc độ nhanh. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố, nhất là công tác đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, trên dưới một lòng, nêu cao quyết tâm, tập trung thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội được đề ra trong nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII, XIX, XX, XXI và đang thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Trong đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã thống nhất nhận định: Năm năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được nhiều kết quả tích cực. Quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực. Từ năm 2017, tỉnh đã tự chủ ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Khu Kinh tế mở Chu Lai tiếp tục là điểm sáng, duy trì vai trò đầu tàu trong tăng trưởng, mà nổi bật là THACO Chu Lai - Trường Hải, với nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra các nước trên thế giới, hướng đến hình thành Trung tâm cơ khí ô tô quốc gia. Dịch vụ - du lịch đang từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cùng với phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa thế giới, các loại hình dịch vụ mới, dự án mới quy mô lớn, nhất là khu vực ven biển đã hình thành, tạo điểm nhấn như: Khu Nghỉ dưỡng Nam Hội An, Vinpearl Nam Hội An... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển đồng bộ, tạo tiền đề quan trọng cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới, nhiều tuyến giao thông động lực đã được xây dựng như: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Võ Chí Công (nối sân bay Chu Lai đến thành phố Đà Nẵng), trục đường Điện Biên Phủ, cầu Cẩm Kim... Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2016 đến nay nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố trong cả nước có điểm số cao nhất. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng mừng; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, phương thức lãnh đạo không ngừng đổi mới. Niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được nâng cao. Đó là nền tảng hết sức quan trọng để Quảng Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới. Đạt được những thành quả to lớn trong nhiệm kỳ qua trước hết là quyết tâm phấn đấu, nỗ lực vươn lên không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ đầy trách nhiệm và hiệu quả của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, Mặt trận, đoàn thể ở Trung ương; sự động viên, cổ vũ, hỗ trợ kịp thời của các địa phương bạn, nhất là thời điểm khó khăn trong đấu tranh với đại dịch Covid-19, trong phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai...