Những nhân vật đem lại năng lượng tích cực

Chủ nhật - 10/09/2023 02:06

Vào Google, gõ bốn từ "năng lượng tích cực", bạn sẽ thấy chỉ trong vòng 0,3 giây đã có đến 139 triệu kết quả.

Hoa hậu H'Hen Niê gùi cây đi trồng ở Bến En, Thanh Hóa - Ảnh: Hải An
 

Hoa hậu H'Hen Niê gùi cây đi trồng ở Bến En, Thanh Hóa - Ảnh: Hải An

Điều đó chứng tỏ tìm kiếm năng lượng tích cực là việc mà rất nhiều người quan tâm. Trong những kết quả tìm thấy trên Google, chúng ta dễ dàng tìm thấy vô vàn những câu nói hay, những lời khuyên bổ ích được đưa ra bởi những danh nhân, những người thành đạt... lẫy lừng.

Tuy nhiên, với tôi, hay tới mấy thì tất cả cũng chỉ là những câu chữ; nên tôi thường đi tìm năng lượng tích cực từ những con người thật, việc thật mà mình biết, mình thấy trong cuộc sống.

Năng lượng từ những người yêu cây

Tháng 10-2022, tôi đi cùng chương trình Ngày của Phở lên Đắk Lắk để phối hợp cùng hoa hậu H'Hen Niê làm một "đại tiệc" phở mời toàn bộ bà con Buôn Sứt MĐưng thưởng thức. Dịp ấy H'Hen tổ chức cho chị em phụ nữ trong buôn vui chơi Ngày Phụ nữ Việt Nam.

Kết thúc buổi tiệc phở, khi ấy tầm hơn 6h chiều, Đỗ Nguyễn Hoàng Long - Á quân Master chef 2007 - kéo tôi ra nói nhỏ: - Em thật sự rớt nước mắt với H'Hen anh à! Trong nồi nước Phở còn tầm khoảng gần 10 lít, mà nồi chuyên dụng thì phải rửa sạch để trả lại cho cô chủ Phở 34 Cao Thắng mang về, thế là H'Hen bảo để cô ấy giữ lại nước dùng này, mai mua thêm thịt bò, bánh phở về nấu cho mấy em nhỏ trong buôn ăn sáng.

Miệng nói tay làm, chẳng cần nhờ đến ai, H'Hen tự đi lấy nồi trong nhà ra chiết số nước dùng còn lại vào đấy để cất, rồi tự tay cọ nồi sạch sẽ để trả lại cho Trân Trân - chủ tiệm phở 34 Cao Thắng!

Từ cái chi tiết ấy, tôi bắt đầu theo dõi H'Hen, và thật sự bị thuyết phục bởi những gì mà cô gái Ê Đê ấy đã và đang làm. Ví dụ cô tuyên bố tiền mình kiếm được nhờ quảng cáo trên trang cá nhân sẽ dùng hết vào việc trồng rừng.

Không chỉ có tiền, cô còn xắn tay áo đi trồng cây thật sự chứ không phải diễn. Nhìn cái cảnh cô lội bùn ở Cà Mau để trồng đước, hai tay lấm lem như người nông dân thực thụ và miệng cười tươi như hoa, với tôi, đó là năng lượng tích cực.

Có một nhân vật nữa trong làng showbiz cũng đem lại cảm xúc cho cộng đồng qua dự án "Rừng Việt Nam" là ca sĩ Hà Anh Tuấn.

Tháng 10-2019, trên sân khấu live show "Truyện ngắn" tại Hà Nội, Tuấn công bố dự án cộng đồng Rừng Việt Nam của mình, và hứa một năm sau sẽ bắt tay thực hiện. Chưa tới một năm, chỉ mới 10 tháng, Hà Anh Tuấn trồng cánh rừng thứ nhất tại xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Đoàn của anh trồng 1.500 cây mai anh đào và hỗ trợ chăm sóc toàn bộ cây thông ba lá đang tái sinh tự nhiên trên diện tích 23.000m2. Đến tháng 10-2020, anh tiếp tục trồng 305 cây, bao gồm các loại cây bản địa như sao đen, dầu rái, chò đen trên diện tích 2.500m2 tại Sơn Trà, Đà Nẵng. Đến năm 2022, Hà Anh Tuấn trồng 5.000 cây sao đen tại Tà Cú, Bình Thuận...

Cũng như H'Hen, Tuấn thực hiện dự án Rừng Việt Nam của mình không chỉ bằng tiền, mà cả xắn tay đi trồng cây thực thụ.

Dĩ nhiên, những người nổi tiếng như Hà Anh Tuấn, hoa hậu H'Hen... xắn tay áo trồng cây thì sự lan tỏa cho cộng đồng về tình yêu thiên nhiên, cây cỏ là rất lớn.

Và bên cạnh đó, có vô vàn người trẻ cũng không kém, chỉ khác là họ không phải là người của công chúng. Như năm 2022, tôi tình cờ làm quen được hai bạn trẻ là Đặng Đức Tuấn và Võ Minh Tân cùng 29 tuổi.

Cả hai đã mang xẻng đi du lịch khắp 63 tỉnh thành ở Việt Nam trong 110 ngày, và mỗi địa phương đi qua, họ đều để lại đó một kỷ niệm là những cây trồng do chính tay cả hai đào hố trồng cây ở những nơi được địa phương cho phép. Khi ấy, chúng tôi đã mời họ tham gia giới thiệu câu chuyện của mình tại một cuộc hội thảo về du lịch xanh - bền vững do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM.

năng lượng tích cực

Lương Ngọc Duy trong buổi trao quà cho trẻ ở Mái ấm Thiên Thần, sau khi thực hiện dự án bơi 24 giờ liên tục - Ảnh: T.P.

Thể thao thay đổi cuộc đời

Nói đến năng lượng tích cực được lan tỏa đến cộng đồng, không thể không nói đến thể thao.

Đầu tiên thể thao thay đổi chính cuộc sống của mỗi cá nhân là chuyện không cần phải bàn cãi về tính đúng đắn của nó. Tôi nhớ anh Vi Ngân, một giảng viên Đại học Bách khoa TP.HCM, bị bệnh tim hở van khá nặng. Anh kể: - Các bác sĩ tim mạch hàng đầu của Việt Nam đều đã bảo trường hợp của tôi không còn cách nào khác là phải mổ! Nhưng rồi, nghe có người nhờ chạy bộ mà hết bệnh tim mạch, tôi thử luôn. 

Đầu tiên chỉ túc tắc 1km với tốc độ như đi bộ, vậy mà cũng mệt bở hơi tai. Nhưng cứ kiên trì tập luyện theo cảm nhận của cơ thể, 1km đã quen rồi thì nâng 2km, rồi 3km..., và cứ thế tôi đã chạy được marathon! Và căn bệnh tim hở van của tôi cũng biến mất hồi nào không hay.

Từ sự thành công của bản thân, anh hào hứng thành lập CLB Vui để chạy, thu hút được nhiều người tham gia và trong đó có không ít người từng bị trầm cảm trong cuộc sống, những người mê đắm rượu bia... Và kết quả đã tạo nên được một cộng đồng nho nhỏ vài trăm người yêu chạy bộ, vừa vui vừa khỏe.

Còn với dân thể thao đỉnh cao, tôi ấn tượng với hai nhân vật trong làng bơi là "Nàng tiên cá" Nguyễn Thị Ánh Viên và Lương Ngọc Duy.

Ánh Viên thì nổi tiếng khỏi phải bàn. Tôi không có công cụ để đo đếm được rằng những điều tích cực cô mang lại cho cộng đồng khi còn là ngôi sao đường đua xanh với bây giờ trong vai người dạy bơi cho trẻ em, cái nào lớn hơn?

Vào cái thời mà Ánh Viên nổi đình đám khi gặt hái hàng chục HCV SEA Games, người ta đã ghi nhận được rằng phong trào đi học bơi ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao chưa từng có. Còn bây giờ, sau khi đã giã từ nghiệp thi đấu đỉnh cao, cô về làm HLV dạy bơi cho trẻ con cũng vô cùng hút khách. Không chỉ thế, cô cũng đã sản xuất những clip hướng dẫn kỹ thuật bơi vô cùng duyên dáng, vui nhộn, thu hút rất đông người xem.

Và bây giờ, cô là gương mặt đại sứ của Trung ương Đoàn trong chiến dịch đẩy lùi nạn đuối nước ở trẻ em, mà theo thống kê mới nhất hồi năm 2022 là có hơn 2.000 trẻ tử vong vì đuối nước!

Một nhân vật khác, tuy không nổi tiếng bằng Ánh Viên, đó là Lương Ngọc Duy. Giã từ thi đấu bơi lội đỉnh cao, Duy chuyển sang chơi ba môn bơi - đạp - chạy. Cuối tháng 6-2023, Duy có sáng kiến đặt ra mục tiêu cho bản thân là bơi liên tục trong 24 giờ đồng hồ. Dĩ nhiên, không phải bơi để giải sầu!

Trong thể thao thế giới, người ta vẫn thường có những hoạt động như vậy, là đặt ra những mục tiêu không tưởng để thu hút mọi người, và khi hoàn thành thì những nhà hảo tâm sẽ đóng góp để cho cá nhân người tham gia thử thách một khoản tiền làm việc có ích cho xã hội.

Như hồi dịch bệnh, ở nước ngoài đã có không ít người quyên góp được hàng triệu USD cho những thử thách thú vị như chạy marathon trong phòng ngủ, trên sân thượng... Và tiền thu được sẽ ủng hộ các y bác sĩ.

Với Duy, tiền thu được sau khi thực hiện thành công thử thách bơi liên tục 24 giờ là tặng cho 17 em ở Mái ấm Thiên Thần phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch! Kết quả anh đã thành công, và điều đó đem lại không ít cảm hứng cho cộng đồng.

Một câu chuyện nữa tôi muốn kể cũng là nhân vật nổi tiếng trong làng thể thao khuyết tật - Nguyễn Thị Sa Ri. Cô bị sốt bại liệt từ hồi 3 tuổi. Ba mẹ cô đã khánh kiệt vì bán hết của cải chạy chữa cho con mà bất thành. Lớn lên, cô vừa đi học vừa làm gia công may vá; rồi có lúc đi bán khoai, bắp để kiên trì học hết bậc cử nhân.

Đó thật sự là một cô gái có đôi chân mềm oặt nhưng có thần kinh thép và một trái tim nhân hậu. Cô tự nuôi thân, nuôi con và mở lớp dạy tiếng Anh 0 đồng cho những trẻ em nghèo trong xóm...

Nhìn hình ảnh của H'Hen, Hà Anh Tuấn, hai bạn trẻ Tuấn - Tân, Ánh Viên, Ngọc Duy, Sa Ri... người có bi quan đến mấy cũng thành lạc quan. Và đương nhiên, trong cuộc sống, chắc chắn còn rất rất nhiều những nhân vật như thế mà chúng tôi chưa được biết.

(Nguồn tin: Báo tuổi trẻ online)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai