Trong hành trình về nguồn, đoàn viên, đội viên các Liên đội trên địa bàn thị trấn Hà Lam đã đến thăm, viếng hương tại Đài tưởng niệm Cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được, tọa lạc tại thôn 3, xã Bình Triều
Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được là cuộc đấu tranh trực diện đầu tiên của nhân dân Quảng Nam với địch sau Hiệp định Giơnevơ 1954, đây là lần đọ sức đầu tiên của nhân dân ta chống lại chế độ độc tài Mỹ Diệm, diễn ra từ ngày 4/9 - 6/9/1954.
Trong cuộc đấu tranh này, 43 người dân vô tội đã bị địch giết hại, 23 người khác bị thương. Sau vụ thảm sát Hà Lam - Chợ Được, địch tổ chức đàn áp bắt cán bộ và quần chúng cách mạng, thực hiện tố cộng hết sức dã man. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân vẫn đấu tranh quyết liệt, lên án hành động khủng bố của chúng, giữ vững cơ sở cách mạng, tiếp tục đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh này đã tạo tiền đề cho cao trào đấu tranh chống ách thống trị của Mỹ Diệm trên toàn miền Nam, buộc chúng phải chấp hành Hiệp định Giơnevơ. Đặc biệt, Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được đánh dấu một bước ngoặt của phong trào cách mạng Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và phong trào cách mạng miền Nam nói chung, chuyển từ đấu tranh chính trị bất bạo động lên đấu tranh bạo động trong tình hình mới.
Để ghi lại tội ác của Mỹ -Diệm và tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống cho cuộc đấu tranh vì quê hương, vì lý tưởng cách mạng, Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được đã được xây dựng tại thôn 3, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, trên một khuôn viên khá rộng gần 9.000m2. Phần tượng đài được xây dựng khá quy mô với một hình khối cao khoảng 5m, thể hiện 3 người đứng tựa lưng vào nhau, bao gồm: một cụ già cầm chắc cây gậy trên tay, một cô gái đang cầm nón lá và một thanh niên đang bồng một em bé bất động trên tay. Phía sau tượng đài là hai bức phù điêu bằng xi măng đắp nổi, mô tả quá trình đấu tranh của nhân dân Hà Lam - Chợ Được trong cuộc đấu tranh ngày 04/9/1954. Giữa hai bức phù điêu là một bệ thờ, phía trong bệ thờ có dòng chữ “Tổ quốc ghi công”, phía trước bệ thờ là một lư hương to được đúc bằng xi măng. Phía trước tượng đài là một tấm bia bằng đá hoa cương màu trắng, viền xanh ngọc khắc chìm chữ màu đỏ ghi dấu sự kiện. Ngoài ra, trong khuôn viên đài tưởng niệm được trồng nhiều loại cây để tạo cảnh quan như hoa sứ, vạn tuế, các cây dương liễu được cắt tỉa rất gọn gàng.
Qua đợt này, đã tuyên truyền, giáo dục trong đoàn viên, đội viên về ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc; quán triệt sâu sắc ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ của quê hương, đất nước; đa dạng hóa các hình thức tổ chức các hoạt động về nguồn, các hoạt động văn hoá văn nghệ nhằm quảng bá giá trị di tích văn hóa, lịch sử cách mạng trong cán bộ đoàn viên, đội viên.
Trong hành trình về nguồn, cán bộ đoàn viên, đội viên cũng đã có dịp đến thăm Đồn biên phòng Bình Minh, được tìm hiểu về đời sống, tinh thần của cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng. Qua đó kính chúc cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Đồn nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam nhiều niềm vui, hạnh phúc, sức khỏe, giữ vững bình yên cho nhân dân, xứng danh “bộ đội cụ Hồ”.