Đọc lại Di chúc của Bác, nghĩ về trách nhiệm nêu gương

Thứ ba - 09/04/2019 03:45
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bản Di chúc lịch sử, căn dặn những công việc lớn lao và cũng là những ước nguyện của Người. Phải hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.
Đọc lại Di chúc của Bác, nghĩ về trách nhiệm nêu gương

 

Xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Phát triển kinh tế - xã hội chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau và những công việc quan trọng khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương cao đẹp nhất, “đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” (Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước anh linh của Người, thay mặt Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đọc năm lời thề nguyện đưa ngọn cờ cách mạng Hồ Chí Minh đến thắng lợi hoàn toàn.

Suốt 50 năm qua, thực hiện Di chúc thiêng liêng và lời thề tâm huyết, Đảng ta đã nỗ lực, kiên định lãnh đạo toàn dân tộc viết tiếp những trang sử hào hùng và vẻ vang, để đến hôm nay có thể tự hào báo công với Bác Hồ kính yêu. Với chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ Việt Nam, đã giành toàn thắng trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc ngày 30-4-1975; lãnh đạo nhân dân cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả với các nước bạn. Từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, kể cả những hạn chế, khuyết điểm, đổi mới tư duy lý luận để đi đến hoạch định đường lối đổi mới tại Đại hội VI của Đảng (12-1986). Lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới từ năm 1986 đến nay với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn gấp nhiều lần. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao và có uy tín lớn trên thế giới.

Với những thắng lợi và thành tựu lớn lao đó của cách mạng Việt Nam, “Đảng ta xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng” (Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII).

Làm theo Di chúc của Bác Hồ trở thành hành động tự giác, là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam, ở mọi thời kỳ cách mạng, ở mọi công việc, mọi suy nghĩ và hành động. Các thế hệ con cháu vẫn luôn thấy Bác đồng hành cùng đất nước, dân tộc, trên mọi chặng đường, động viên, cổ vũ những thành công, chia sẻ nhưng cũng nghiêm khắc chỉ rõ những sai lầm, vấp váp. Bác vẫn luôn là tấm gương soi trong từng gia đình, mỗi con người, mỗi số phận. Di chúc của Bác mãi mãi dẫn dắt cả dân tộc đi tới những gì tốt đẹp, hạnh phúc. Nhiều năm qua, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động của sự kính yêu Bác, niềm tin vào con đường và sự nghiệp cách mạng của Người, để mỗi người sống và làm việc tốt hơn. Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đặt ra những yêu cầu mới và tính thiết thực trong hành động của mỗi người. Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương của Bác luôn luôn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Càng yêu kính Bác, mỗi người càng phải ra sức tu dưỡng, để góp thêm nét đẹp cho đời. “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn” (Tố Hữu).

Trong Di chúc, Bác Hồ căn dặn, sau ngày thắng lợi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng. Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Theo chỉ dẫn của Bác, Đảng đã chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao. Phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới. Niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng được củng cố. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bước trưởng thành và tiến bộ về mọi mặt. Tuy vậy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cần phải nghiêm khắc nhận lỗi trước anh linh Bác Hồ và quyết tâm sửa chữa. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (10-2016) đã đề ra những giải pháp toàn diện, đồng bộ để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm.

Cùng với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, pháp luật, Đảng đã ban hành nhiều văn bản về trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là quy định của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII. Nêu gương của cán bộ, đảng viên là tỏ rõ sự biết ơn Bác, tự hào và nguyện làm theo Bác. Nêu gương về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Nêu gương về đạo đức, lối sống trong sáng; về bản lĩnh, trách nhiệm, niềm tin. Nêu gương phải thực chất, tránh hình thức, cố tạo ra hình ảnh, phải thật sự chân thực trong công việc, cuộc sống của mỗi người lãnh đạo, bình dị, giản dị như cuộc đời của Bác.

Từ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao, là bước phát triển rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trách nhiệm nêu gương được đề cao, từ quy định của Đảng đến tự giác thực hiện của mỗi người, là bồi đắp tính tiền phong của Đảng và phẩm chất cao quý của cán bộ, đảng viên, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Mỗi người, từ chính công việc, cuộc sống nêu được gương tốt cũng là niềm tự hào của bản thân, để không ngừng tự hoàn thiện mình. Nêu gương thật sự là tự tu dưỡng hướng tới những gì tốt đẹp, cao cả, cũng là sự phòng ngừa những sai phạm, để có thể tự tin báo công với Bác. Bạn bè quốc tế vẫn nói: người Việt Nam thật hạnh phúc vì có Bác Hồ. Dân mình, Đảng mình, nước mình tự hào về Bác, có Bác. Bác là chỗ dựa tinh thần, tình cảm, tâm linh và niềm tin tất thắng. Các thế hệ nguyện xứng đáng là con cháu, đồng chí và học trò tin cậy của Người. Sinh thời, Bác Hồ vẫn nhắc câu: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, coi đó là lời khen chân thành của nhân dân và cũng là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai