Hơn 1 tháng nay, dù nắng hay mưa, chị Lê Thị Ánh Tuyết vẫn có mặt đều đặn tại nhà để giúp em Nguyễn Kỳ Duyên (SN 2011, thôn Quý Thạnh 2, xã Bình Quý) phát triển kỹ năng nói. Nguyễn Kỳ Duyên sinh ra trong gia đình 2 chị em, không may mắn như đứa em trai, Duyên bị bại não từ lúc mới sinh ra. Hiện đến tuổi đi học, nhưng Duyên vẫn chưa đi lại và nói được. Nhìn thấy sự thiệt thòi ở Duyên, chị Tuyết đã tình nguyện vượt qua quãng đường hơn 7km để đến dạy cho em. Từ ngày có cô Lê Thị Ánh Tuyết theo dạy, Nguyễn Kỳ Duyên đã có thể phát âm, dạn dĩ hơn trước. Chị Lê Thị Kim Quyên (mẹ của Nguyễn Kỳ Duyên) cho biết con mình thiệt thòi hơn so với bạn. Ngay cả giao tiếp, con cũng rất khó khăn. Mình chỉ nuôi dưỡng và chăm sóc nhưng kỹ năng dạy dỗ con thì không có. Do đó, từ ngày có cô Tuyết theo dạy đến nay đã được gần 10 buổi học (2 buổi/tuần), con tôi đã thay đổi rất nhiều, lễ phép hơn và phát âm cũng rõ hơn.
Tham gia vào Ban Đại diện cha mẹ trẻ khuyết tật xã Bình Nguyên vào năm 2016, chị Lê Thị Ánh Tuyết luôn quan tâm, chăm lo tận tình đến những em khuyết tật ở địa phương. Trong dịp Trung thu năm nay, Ban đại diện cha mẹ trẻ khuyết tật xã Bình Nguyên đã tổ chức vui chơi và trao 40 suất quà cho trẻ em bị khuyết tật, mỗi suất 100.000 đồng.
Không chỉ làm tốt vai trò của Ban đại diện, chị Tuyết còn tham gia cùng với Ban Đại diện cha mẹ trẻ khuyết tật huyện dạy 8 lớp học cộng đồng dành cho trẻ khuyết tật ở các xã Bình Chánh, Bình Sa, Bình Đào, Bình Nguyên… Hiện nay, bản thân chị cũng tham gia dạy tại nhà cho 2 trẻ ở Bình Quý và Bình Phục. Theo chị Lê Thị Ánh Tuyết, cả hai đứa con của chị đều bị có bệnh. Cô gái đầu tên Lê Thị Bình Phương (SN 1996) bị bệnh tim bẩm sinh. Hiện đang học năm thứ 4 ngành ngôn ngữ Anh tại trường Đại học Đà Nẵng. Còn cậu út Lê Đức Vỹ năm năm liền là học sinh giỏi, giờ đây đang học lớp 6 Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, nhưng bản thân cháu lại bị bệnh viêm não. Chính vì mình cũng có con bị bệnh tật nên chị hiểu và thông cảm với nỗi đau của những ai cùng cảnh ngộ. Do đó, bản thân chị quyết định đem hết những kiến thức kỹ năng từ thực tế cũng như học được để giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống. Chị Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ: “Hầu hết những gia đình có trẻ khuyết tật đều rất khó khăn. Do đó, nếu chỉ đơn phương độc mã đi trên hành trình giúp con hòa nhập vào cuộc sống này thì không phải ai cũng có thể đi đến đích và đồng hành cùng con đến phút cuối. Do vậy, cho đi những kiến thức mình có sẽ giúp cho những đứa trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng”.
Dù không qua nghiệp vụ sư phạm, nhất là dạy chuyên biệt cho trẻ khuyết tật. Kiến thức mà chị Tuyết mang đến cho các em cũng chỉ học được từ những lớp kỹ năng do Ban đại diện cha mẹ trẻ khuyến tật huyện đưa đi tập huấn. Nhưng bằng tình yêu đối với những đưa trẻ khuyết tật, chị Tuyết luôn động viên bản thân phải vượt qua khó khăn, thử thách để đem đến niềm tin, sự yêu thương cho các em. Bởi theo chị Tuyết, một đứa trẻ bình thường dạy dỗ đã khó, trong khi đó trẻ khuyết tật thì khó bội phần. Do vậy với chị Tuyết, mỗi học trò là một trang giáo án khác nhau, mà ở đó chị vừa dạy học, vừa đóng vai trò như người mẹ, người chị. Hạnh phúc nhất của chị Tuyết là thấy các em khuyết tật mình dạy đánh vần tròn chữ, làm phép toán đơn giản, thể hiện được cảm xúc. Anh Xa Văn Mỹ- Trưởng Ban Đại diện cha mẹ trẻ khuyết tật huyện cho biết, hiện nay toàn huyện có 18 Ban đại diện che mẹ trẻ khuyết tật ở các xã, thị trấn. Trong đó, có 12 người có thể tham gia dạy trẻ khuyết tật cộng đồng và tại nhà. Riêng đối với chị Lê Thị Ánh Tuyết thì rất nhiệt tình. Bản thân chị được tham gia các lớp kỹ năng can thiệp trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng. Do đó, chị Tuyết có thể can thiệp ở 6 dạng tật với các phương pháp giảng dạy khác nhau. Đặc biệt đối với những đứa trẻ bị câm điếc thì chị Tuyết đã giúp các em tập phát âm, phục hồi chức năng miệng và lưỡi. Mặc dù việc hỗ trợ cho các giáo viên dạy trẻ khuyết tật rất thấp nhưng bản thân chị cũng đã cố gắng theo dạy các em. Nhiều em sau khi học chị Tuyết đã có sự thay đổi tích cực. Từ cách đánh vần tròn chữ cho đến tính những phép toán thông thường.
Hiện chị Lê Thị Ánh Tuyết không chỉ tham gia dạy trẻ khuyết tật, bản thân chị còn nhiệt tình tham gia các công tác xã hội trong vai trò hội viên chi hội phụ nữ, chi hội khuyến học thôn, và là Tổ trưởng Tổ thu gom rác thải thôn Liễu Trì. Ở vai trò nào chị Lê Thị Ánh Tuyết cũng nhiệt tình và trách nhiệm. Riêng đối với việc dạy trẻ khuyết tật, lý do để đến với công việc này chính là niềm say mê, tính kiên trì và tình yêu bao la đối với các em bởi trẻ khuyết tật chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Nguồn tin: Huyện ủy Thăng Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn