Tìm hiểu về luật an ninh mạng là nâng cao trách nhiệm công dân khi sử dụng mạng xã hội

Thứ tư - 12/07/2023 06:12

Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 12/6/2018 và đã chính thức có hiệu lực từ 01/01/2019, gồm có 07 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đây là dự án luật rất có ý nghĩa, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng sẽ siết chặt hơn nữa các hoạt động trên môi trường mạng bằng việc nghiêm cấm các hành vi gây mất an ninh mạng. Điều này đòi hỏi mỗi người sử dụng internet, mạng xã hội cần hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia hoạt động trên môi trường không gian mạng.

Theo đó, Luật An ninh mạng quy định 06 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng: (1) Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Các hoạt động chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; Thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; Xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Ngoài ra, Luật An ninh mạng còn nghiêm cấm (2) Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; (3) Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet,…; (4) Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; (5) Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi…

Bên cạnh sự đồng thuận của đông đảo người dân, vẫn còn một số ít lo ngại về tự do internet do chưa hiểu đúng và đầy đủ về Luật mới ban hành này. Họ lo ngại vì hiểu sai rằng Luật An ninh mạng giới hạn quyền tự do cá nhân của họ trên không gian mạng, trong khi thực tế Luật quy định hành vi bị nghiêm cấm mà người sử dụng facebook hay mắc phải như thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; đưa thông tin sai trái, bịa đặt, xúc phạm nhân phẩm… quy chiếu theo 29 điều của Bộ Luật Hình sự thì mới bị xử lý. Khoản 1 – Điều 17 quy định việc người sử dụng mạng xã hội không được làm là: “Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật”. Luật An ninh mạng đề cao việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên thông tin mạng; không có điều khoản nào cản trở tự do ngôn luận.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, một số báo điện tử đưa tin bài về các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh với nội dung phản ánh sai sự thật, thông tin nhạy cảm, chưa được kiểm chứng nhưng đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế – xã hội, gây dư luận xấu trong nhân dân.

Việc sử dụng các trang mạng xã hội cũng xảy ra nhiều sai phạm, điển hình có trường hợp liên quan đến tranh chấp đất đai đã tung clip lên mạng xã hội, youtube với những nội dung phản ánh không đúng sự thật, đồng thời vu cáo, bịa đặt, hô hào, kích động chống đối lực lượng chức năng. Sau khi clip được đăng tải, đã có hàng trăm lượt chia sẻ, like, bình luận với nội dung xấu, bôi nhọ chính quyền, cá biệt trong đó có cả cán bộ công chức các cơ quan trên địa bàn tỉnh.

Nhiều thông tin sai lệch như trên được lan truyền nhanh là do một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ chỉ quan tâm đến việc chia sẻ thông tin đang “nóng”, thông tin “hot” để thu hút sự quan tâm của bạn bè mà ít khi tìm hiểu đúng bản chất của thông tin đó. Ngoài ra, họ chưa hiểu được hậu quả của việc chia sẻ thông tin thất thiệt, thông tin độc hại sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội… của tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ việc nêu trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, xử lý do hệ thống chế tài chưa đủ sức răn đe, mới chỉ xử lý ở góc độ giáo dục, nhắc nhở hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng là cực kỳ cần thiết, đáp ứng đòi hỏi tất yếu của công tác quản lý nhà nước mà vẫn phù hợp với thực tế của đời sống xã hội; là vũ khí pháp lý quan trọng để ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng, xâm hại, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Để ngăn chặn sự xuyên tạc và ngộ nhận, làm méo mó ý nghĩa tích cực của Luật An ninh mạng, để tránh lạm dụng và giúp nhận thức, tuân thủ tốt hơn các quy định trong Luật An ninh mạng, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội, đặc biệt là nhà trường, cơ quan thông tin truyền thông, báo chí, xuất bản cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa, vai trò của Luật An ninh mạng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức sâu rộng nhằm giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và cần thiết của Luật An ninh mạng, góp phần từng bước đưa Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống.

Sự ra đời của internet, mạng xã hội đã đặt ra những thách thức mới, nhân loại phải đối diện với một hệ thống thông tin phức tạp như: Tình trạng thông tin khó kiểm chứng, thông tin sai sự thật, thông tin độc hại về đạo đức, lối sống, xâm hại về tinh thần đối với con người. Đối với cá nhân, internet, mạng xã hội là công cụ mà kẻ xấu có thể sử dụng để tán phát thông tin thất thiệt nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khủng bố tinh thần, đe dọa đưa lên mạng những thông tin đời tư… Đối với nhà nước, internet, mạng xã hội là vũ khí lợi hại mà các thế lực thù địch, bọn phản động trong, ngoài nước đã, đang và sắp tới sẽ càng triệt để lợi dụng để hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá chế độ. Sau khi thực hiện nhiều hoạt động nhằm gây sức ép, nhưng vẫn không ngăn được Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, nhất là khi Chính phủ công bố lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định thi hành Luật An ninh mạng, các thế lực thù địch, phản động càng ráo riết dùng nhiều thủ đoạn hòng tạo ra làn sóng phản đối, cản trở việc thực thi và đòi xóa bỏ Luật này. Chúng tán phát trên mạng xã hội, cho rằng: Luật An ninh mạng “đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư”, “vi phạm tự do ngôn luận, báo chí, internet”, “vi phạm quyền con người”. Nhiều hãng thông tấn, báo chí phương Tây và nhiều trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài cố tình xuyên tạc, cản trở việc thực thi Luật An minh mạng. Hàng loạt các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước lập ra các website, blog, sử dụng nhiều tài khoản facebook để nhào nặn, trộn lẫn thông tin thật – giả, cắt ghép hình ảnh, tán phán, nhằm thu hút sự hiếu kỳ của người đọc. Đặc biệt, trong thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, các phần tử xấu đã thông qua facebook, zalo, youtube… đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin bóp méo để đả kích, châm biếm, xuyên tạc các sự việc diễn ra trong cả nước; bôi lem, bịa đặt, hạ uy tín hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính quyền, gây hoài nghi trong nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Các thế lực thù địch, phản động đã chọn mạng xã hội như một “mặt trận” mới, với đầy đủ các thủ đoạn xảo quyệt, nham hiểm để tăng cường chống phá nhà nước ta. Và thật đáng trách, khi một số người vì thiếu hiểu biết, đã cố ý hay vô tình mà tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động. Có thể nói, chưa bao giờ các thể lực thù địch, phản động lại có kế hoạch bài bản, chi tiết nhằm xuyên tạc, loại bỏ bộ luật nào như đối với Luật An ninh mạng.

Sự phản ứng tiêu cực về Luật An ninh mạng của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, chống phá chế độ, Nhà nước ta cũng là điều dễ hiểu, bởi vì với chúng thì đây là công cụ pháp lý tước đi vũ khí quan trọng mà chúng có thể sử dụng để thực hiện mục tiêu chống phá, lật đổ, chuyển hóa chế độ ta sang con đường “dân chủ”, “nhân quyền” ngoại lai. Với Nhà nước và nhân dân ta, việc ban hành và thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng là một trong những bảo đảm quan trọng và là biện pháp hữu hiệu để bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giúp ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Do đó, mỗi một người dân cần phải tỉnh táo, nhận diện đúng, để loại trừ những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về Luật An ninh mạng, bảo đảm Luật An ninh mạng được thực thi có hiệu quả. Muốn vậy phải tìm hiều về Luật An ninh mạng (có thể trên Google) để bản thân không vi phạm hay bị người khác lợi dụng thực hiện hành vi xấu. Đặc biệt, không nên lạm dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ, like, comment những trang web, bài viết chưa rõ nguồn gốc, thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận, làm phức tạp tình hình. Trong trường hợp phát hiện có người đăng tải những nội dung xuyên tạc, chống phá nhà nước, hoặc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, mọi người cần thông báo ngay với cơ quan, chính quyền địa phương, cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và toàn thể nhân dân cần nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn tán phát thông tin sai trái, phản động của các cá nhân, tổ chức có ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta để không bị chúng móc nối, kích động, lôi kéo tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Mỗi người dùng mạng xã hội phải tự bảo vệ bản thân trước những mặt trái, nhận rõ tính hai mặt của mạng xã hội, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá, các hành vi tiêu cực, phản cảm, hành xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Đặc biệt, mọi người cần hết sức cảnh giác khi tiếp cận những thông tin được đăng tải từ những trang không chính thống, giả mạo, có nguồn gốc từ nước ngoài, hoặc do các cá nhân, phần tử xấu, tổ chức phản động có hoạt động chống phá Việt Nam lập ra (một số trang web, tài khoản facebook của bọn thù địch, phản động điển hình như: RFA – Đài Châu Á Tự D với địa chỉ: www.rfa.org ; BBC News Tiếng Việt – địa chỉ: www.bbc.com, VOA Tiếng Việt – địa chỉ: VOATiengViet.com, facebook.com/VOATiengViet, Youtobe.com/VOATiengVietVideo; Fanpage: Việt Tân, Thanh niên Công giáo, Tin mừng cho người nghèo, Nhật ký yêu nước, Câu lạc bộ Nhà báo tự do, Chân trời mới Media, Hội Anh em dân chủ, Hoàng Sa FC, trang Chân dung quyền lực,  Quan làm báo, facebook Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Mẹ Nấm), Hoàng Ngọc Diêu, Lê Công Định, Nguyễn Huy Vũ,…). Khi tiếp cận những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, hãy chủ động tìm kiếm những trang báo chí, thông tin chính thống để so sánh, đối chiếu. Nếu không xác định được nguồn gốc, động cơ, mục đích của thông tin và người chia sẻ thông tin, cần bình tĩnh, thận trọng không bình luận, tán phát thông tin. Ngoài ra, cần xây dựng cho bản thân thái độ tích cực luôn tìm kiếm, chia sẻ những thông tin hay, bổ ích, hạn chế tìm đọc các thông tin tiêu cực, xấu độc, không rõ nguồn gốc. Mỗi người cần biết cách tận dụng, sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn và hiệu quả, biến mạng xã hội thành một phương tiện, một kênh hữu ích để mở mang kiến thức, cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa mạng xã hội lành mạnh, tránh bị các thông tin ảo chi phối tác động, góp phần phòng chống, ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch một cách có hiệu quả./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai