Thứ sáu, 26/04/2024, 05:59|
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) ................................... CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM CUỘC ĐẤU TRANH HÀ LAM - CHỢ ĐƯỢC (04/9/1954 - 04/9/2024)

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 01, 02 NĂM 2018

Thứ năm - 04/01/2018 03:40
TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN Tháng 01,02/2018
 
MỪNG ĐẢNG – MỪNG XUÂN
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Bác Hồ với mùa Xuân thành lập Đảng
 
Biết bao mùa xuân đã trôi qua, nhưng một mùa xuân thực sự, một mùa xuân khởi đầu, đặt nền móng cho hạnh phúc của chúng ta hôm nay lại chính là mùa xuân thành lập Đảng năm 1930, có thể nói đó là mùa Xuân lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là mùa Xuân lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Mùa Xuân Canh Ngọ 1930, nhận được liên lạc của Quốc tế cộng sản, trước tình hình những người cộng sản ở Việt Nam đang chia rẽ nội bộ sau khi thành lập ba tổ chức cộng sản đầu tiên, Bác Hồ của chúng ta từ một vùng quê ở Thái Lan, đáp xe lửa đi Băng Cốc, rồi đi tàu thuỷ đến Sing-ga-po. Tại đây, Người chuyển sang một con tàu khác đi Hồng Kông. Ngồi trên tàu, qua cánh cửa, Bác được nhìn thấy bờ biển Tổ quốc thấp thoáng nơi chân trời. Nỗi nhớ nước, thương nhà làm tim Người thắt lại! Nỗi đau riêng của gia đình (cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Người đã qua đời) hoà trong nỗi đau chung của cả một dân tộc. Bác nghĩ đến những đêm dài nô lệ, biết bao sĩ phu yêu nước đã tập hợp Nhân dân, giương cao ngọn cờ chống giặc ngoại xâm. Nhưng những cuộc nổi dậy ấy đều bị dìm trong biển máu. Và trách nhiệm lịch sử nặng nề ấy đã đặt lên vai những người cộng sản. Ba tổ chức cộng sản ở Bắc, Trung, Nam được thành lập. Song yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải có một Đảng thống nhất trong nước. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn đã bí mật ra tận cảng biển để đón Bác.
Sau khi bàn bạc với các đồng chí của mình, liên lạc với các đồng chí quen biết cũ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bác quyết định tổ chức Hội nghị hợp nhất các Đảng Cộng sản ở Việt Nam vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Ở Việt Nam và Trung Quốc, Tết Nguyên đán là ngày hội cổ truyền, thường kéo dài hàng tuần, người đi lại rất đông. Chính trong dịp này, những đại biểu tham dự Hội nghị có thể đi khỏi đất nước mà không ai để ý. Hội nghị họp từ ngày 6/01 đến ngày 07/02/1930 tại Cửu Long (Trung Quốc) thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế là kể từ ngày rời bến Nhà Rồng năm 1911, ước mơ thiêng liêng của Người nay đã thành sự thật. Ngày cuối cùng của Hội nghị, Bác tổ chức một bữa cơm nhỏ ngay tại phòng ở của mình. Khi các đại biểu đã ngồi xung quanh bàn. Người xúc động nói: “Các đồng chí! Hôm nay là ngày lịch sử của chúng ta. Lênin vĩ đại đã nói: Chỉ Đảng nào có được một lý luận tiên phong, mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ chúng ta đã có một Đảng như thế rồi - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhân dân ta từ xưa đã có truyền thống đấu tranh anh dũng, nhưng suốt những năm ấy Nhân dân ta lại thiếu người cầm lái sáng suốt. Giờ đây, Đảng của chúng ta phải gánh lấy vai trò này và tôi tin rằng Đảng ta sẽ dẫn dắt Nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành Độc lập, Tự do cho Tổ quốc thân yêu”. Thế là mơ ước thiêng liêng và mục tiêu cao cả, mà gần hai mươi năm qua, kể từ khi Người ra đi từ bến Nhà Rồng để tìm đường cứu nước, nay đã trở thành sự thật. Cách mạng Việt Nam từ nay đã có một đội quân tiên phong đoàn kết chiến đấu.
Trong suốt những năm tháng lãnh đạo Nhân dân ta làm cách mạng, Đảng ta luôn luôn làm theo lời Bác, luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân, đoàn kết Nhân dân thành một khối vững chắc để đánh giặc giữ nước và xây dựng nước nhà. Đảng ta luôn coi ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng.
Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam
 
DI TÍCH LỊCH SỬ TẠI THĂNG BÌNH
Chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn ĐVTN, các tổ chức Đoàn về Di tích lịch sử: Địa điểm Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình.
Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình
Là một huyện nằm giữa tỉnh Quảng Nam, thị trấn Hà Lam là trung tâm huyện lỵ, Thăng Bình ở tọa độ 15độ 30 phút đến 15 độ 59 phút vĩ độ Bắc và từ 108 độ 7 phút đến 108 độ 30phút kinh độ Đông. Phía Bắc giáp huyện Quế Sơn và Duy Xuyên, phía Nam giáp thành phố Tam kỳ và huyện Phú Ninh, phía đông giáp biển Thái Bình Dương, phía Tây giáp huyện Tiên Phước và huyện Hiệp Đức. Huyện Thăng Bình có 22 xã, thị trấn; có tổng diện tích đất đai là 384,75km2, xã có diện tích lớn nhất là Bình Định, xã có diện tích nhỏ nhất là Bình Nguyên:7,72km2. Đất đai ở Thăng Bình chia làm nhiều vùng khác nhau: vùng ven biển chủ yếu là đất cát trắng; vùng đồng bằng trung du bán sơn địa và miền núi rừng rậm rạp,đất đai khô cằn ,bạc màu hoặc bị đá ong hóa. Hiện nay diện tích gò đồ, núi trọc chiếm 2/5 diện tích đất đai của huyện.
Về thời tiết khí hậu, Thăng Bình có 2 mùa rõ rệt trong năm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau, mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 nên nắng nóng và mưa lớn kéo dài thường xuyên gây nên hạn hán, bão lụt làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Thăng Bình có hơn 25 km bờ biển chạy dọc qua các xã phía Đông của huyện với một dãy đất cát trắng mênh mông, sau lưng có núi Cao Ngạn và một số núi kéo dài cả huyện ở vùng cao, bao lấy bên trong là vùng đồng bằng trung du bán sơn địa và diện tích rừng, gò đồi.
Trước kia, Thăng Bình có nhiều sông suối, có nước chảy quanh năm từ các triền núi đổ về như sông Ly Ly, sông Trườn Giang...nhưng theo năm tháng, dòng sông đổi dòng ở một số đoạn nên về mùa nắng, nước ở các suối và sông Ly Ly trở thành nguồn nước lợ. Về giao thông, ngoài đường biển, đường sông khá thuận lợi cho việc giao thông vận tải, Thăng Bình còn nhiều đường trên bộ. Đường Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy xuyên địa phận huyện; đường Quốc lộ 14E bắt đầu từ Cây Cốc (Hà Lam) lên Việt An, Tân An đến Làng Hồi (Phước Sơn) giáp đường Hồ Chí Minh nối liền với các tỉnh Tây Nguyên; đường Thanh Niên chạy dọc ven biển. Nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn chạy dọc khắp huyện là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tổ tiên của người Thăng Bình, người Quảng Nam nguyên quán từ miền Bắc vào miền Nam mở mang bờ cõi đất nước nên truyền thống đấu tranh của người dân Thăng Bình cũng là truyền thống yêu nước của người Việt Nam. Trải qua các thời kỳ chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc, người dân Thăng Bình đã tham gia chiến đấu kiên cường. Trên mảnh đất thân yêu này để lại những dấu ấn rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược.
Từ khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta vào cảng Đà Nẵng, biết bao thanh niên Thăng Bình đã dũng cảm chiến đấu dưới sự chỉ huy của tổng soái Nguyễn Tri Phương và nhiều tướng lĩnh khác. Khi Pháp đánh chiếm Kinh thành Huế, nhân dân Thăng Bình đã hưởng ứng phong trào Nghĩa hội- Cần vương, phong trào Duy Tân, các phong trào chống Pháp tích cực...gắn liền với các tên tuổi như: Tiểu La- Nguyễn Thành, Nguyễn Uýnh, Lê Cơ...
Sự ra đời của Đảng bộ huyện Thăng Bình:
Sau khi Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập (28-3-1930) phong trào đấu tranh của nhân dân Thăng Bình bắt đầu có bước chuyển biến tích cực hướng theo sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Phạm Thân, Phó bí thư Tỉnh ủy được phân công phụ trách Thăng Bình đã tổ chức kết nạp đảng viên cho đồng chí Võ Duy Bình và đồng chí Võ Xưng; hai đồng chí được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và phát triển đảng, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của phong trào cách mạng trong huyện Thăng Bình dưới ngọn cờ Lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam mà trực tiếp là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng nam.
Cuối năm 1929 đầu năm 1930 phong trào công nhân trong nước phát triển mạnh, các cuộc bãi công nổ ra khắp nơi ở các đồn điền, xí nghiệp của thực dân Pháp. Ở Thăng Bình, đêm 01-5-1930 lần đầu tiên, lá cờ đỏ búa liềm được treo trên nóc nhà Lục Giác trước cổng Phủ đường, nhiều truyền đơn cách mạng xuất hiện ở ngã tư Hà Lam, Ngọc Phô...Sau sự kiện này địch tăng cường đàn áp,khủng bố. Phong trào cách mạng ở Quảng Nam chịu nhiều tổn thất, các cơ sở Đảng ở Thăng Bình bị vỡ, các đồng chí Võ Duy Bình, Võ Xưng...bị bắt.cơ quan Tỉnh ủy bị khám xét, phá hoại. Tuy nhiên với tinh thần, ý chí kiên cường bất khuất quyết vùng lên phá bỏ gông xiềng nô lệ, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nhân dân Thăng Bình đã cùng cả nước đứng lên đấu tranh giành chính quyền; đến đầu năm 1945 dấy lên cao trào tiền khởi nghĩa rộng khắp cả huyện và khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân (18-8-1945) thắng lợi. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng và do đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng phải mở rộng toàn diện, đầu tháng 11-1945 huyện ủy lâm thời Thăng Bình được thành lập.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ huyện Thăng Bình tập trung lãnh đạo nhân dân xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định tình hình chính trị, xã hội và tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp. Vai trò lãnh đạo của Đảng được phát huy mạnh mẽ, Đảng bộ và quân dân Thăng Bình tuyệt đối tin tưởng vào Mặt trận Việt Minh, vào Đảng và Chính phủ, quyết tâm bảo vệ chính quyền vừa giành được.
Từ năm 1954 đến năm 1959 là thời kỳ đen tối nhất của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Thăng Bình nói riêng. Bằng chính sách “tố cộng ”,”diệt cộng”, tàn bạo, bọn tay sai Ngô Đình Diệm đã tiến hành chém giết và khủng bố đẫm máu ở Hà Lam- chợ Được ( từ ngày 04-9-1945 đến 07-9-1954) với 43 người chết và nhiều người bị thương.
Bất chấp sự hà khắc tàn bạo của bọn Mỹ - Ngụy và tay sai, nhân dân Thăng Bình đã anh dũng chiến đấu, đập tan các cuộc càn quét, tiến công tiêu diệt địch giải phóng quê hương(26-3-1975) góp phần cùng cả nước đánh tan các cuộc hành quân của mỹ giành thắng lợi vào mùa xuân 1975 bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình tại thôn Linh Cang, xã Bình Phú:
Vị trí chiến lược của Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình tại Linh Cang:

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời(02-9-1945) là một thắng lợi hết sức to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Năm 1947, khi thực dân Pháp đánh chiếm Hòa Vang, Điện bàn, Hội An, Duy Xuyên thì chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng lúc này hình thành hai vùng: vùng tự do và vùng tam chiếm. Thăng Bình được xem là địa bàn giáp ranh (phía Bắc giáp vùng tạm chiếm, phía Nam, phía Tây giáp vùng tự do). Với vị trí đặc thù đó, công tác thực hiện đường lối kháng chiến”Toàn dân, toàn diện, lâu dài” trên địa bàn Thăng Bình hết sức được chú trọng , Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình đóng trên địa bàn thôn Linh Cang, xã Bình Phú được coi là Căn cứ an toàn của cả vùng Tây Thăng Bình- một hậu phương đối với chiến trường rộng lớn của tỉnh. Khắp nơi trên địa bàn xã Bình Phú, từ An Lý, Thăng Trường, Gia Hội đến vùng Đồng Linh, Phước Cang...xa xôi đều có đồng bào tản cư đến sinh sống.    
Thời gian này, thôn Linh Cang xã Bình Phú trở thành địa bàn quan trọng nối liền giữa chiến trường phía Đông Bắc và tây Nam của tỉnh và con đường xuyên qua vùng Đồng Linh- Phước Cang đến Tiên Phước trở thành huyết mạch quan trọng nối liền phía Bắc Thăng Bình với phía Nam Tiên Phước góp phần rất lớn trong việc chuyển quân, liên lạc, tiếp tế cho chiến trường. Năm 1952, Mặt trận tỉnh chủ trương xây dựng nhà thương của tỉnh tại thôn Đức An để tiếp nhận thương binh, bệnh binh của chiến trường cả tỉnh về an dưỡng và điều trị.
Những sự kiện lịch sử liên quan tới di tích:
Cuối năm 1963, Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ VII họp tại nhà ông Thoại xã Bình Phú( có hình ảnh). Đây là đại hội đầu tiên của Đảng bộ từ khi có hiệp định Giơ-ne-vơ. Đại hội quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát động quần chúng nổi dậy, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, củng cố, mở rộng vùng giải phóng.
Tháng 02-1964, cơ quan Huyện ủy và cán bộ Tỉnh ủy về đóng chân ở Linh Cang để hoạt động . Đây là điều kiện thuận lợi cơ bản của phong trào cách mạng Bình Phú trong việc tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Đảng trong việc xây dựng phong trào và phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh. Nơi đây được coi là Căn cứ an toàn của Huyện ủy Thăng Bình, các cơ quan đóng tại đây gồm: Văn phòng Huyện ủy, Hội trường, bếp ăn, Huyện đội, Cơ quan Cơ yếu, Công Binh, Thông tin, Bệnh viện huyện và Bệnh viện Quân khu 40(năm 1965)...
Thời gian đầu, các cơ quan thuộc Huyện ủy đóng tại các gia đình cơ sở cách mạng như: Nhà các ông Ba Lũy và ông Hoan, sau đó đóng tại nhà bà Giày sát chân đồi Đá mọc; thôn Đức An đóng tại nhà bà Mai, ông cả Khuê,ông Đông...); thôn Phước Hà...nhất là khi ác liệt, nơi làm việc của cơ quan huyện có lúc dời lên thôn Cao Ngạn. Cơ quan cơ yếu của Quân khu 5 đóng tại khu căn cứ (nhà ông Võ Hỷ còn gọi là ông Hiệu), Công binh, Thông tin...sau đó chuyển đến Hố Dâu; cơ quan Huyện đội đóng tại nhà các ông Trương Tự, bà Ban, ông Hiền; tỉnh đội đóng tại đồng Bàn Cờ.
Mặc dù cơ quan Huyện ủy có sự di chuyển nơi làm việc tại nhiều nơi, nhưng tại địa điểm thôn Đồng Linh là nơi đóng lâu nhất của cơ quan Huyện ủy Thăng Bình và cũng tại đây Huyện ủy Thăng Bình đưa ra nhiều quyết định, chỉ thị quan trọng để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân và dân toàn huyện Thăng Bình đi đến ngày toàn thắng 30/4/1975
Tháng 12/1964, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ VI họp tại thôn Đồng Linh(Linh Cang), xã Bình Phú, huyện Thăng Bình. Đại hội bầu Ban Chấp Hành Đảng bộ Quảng Nam gồm 15 ủy viên, Ban Thường vụ gồm 5 ủy viên, do đồng chí Vũ Trọng Hoàng làm Bí thư, đồng chí Đào Đắc Trinh làm Phó bí thư. Ban thường vụ gồm các đồng chí : Vũ Ngọc Hoàng, Đào Đắc Trinh, Hoàng Minh Thăng, Hoàng Tuấn Nhã và Hoàng Nguyên Trường. Tỉnh ủy viên gồm các đồng chí: Lê Hà, Trần Kim Anh, Hồ Truyền, Trương Trịnh, Nguyễn Cúc, Phạm Xân Thâm, Hà Sang, Nguyễn Thành, Võ Quỳnh và Ngô Hiên.(Sdd lịch sử Đảng bộ Quảng Nam- Đà Nẵng  1930-1975, NXB CTQG, HN 2006, trang 458).
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ hai tỉnh triển khai thực hiện đồng thời với chủ trương của Khu ủy mở chiến dịch Xuân 1965 lấy tên “chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi” trên chiến trường toàn Khu. Quảng Nam là trọng điểm của chiến dịch này, do đó, Khu tăng cường cho Quảng nam một trung đoàn chủ lực. Theo kế hoạch, chiến dịch tiến công địch bằng sức mạnh tổng hợp vũ trang, chính trị và binh vận; được phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và quân dân du kích; giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng tại chỗ; phối hợp giữa hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà.
Tháng 9-1967, địch tổ chức cuộc hành quân liên kết 112, huy động nhiều bộ binh, pháo binh, máy bay chiến đấu tham gia. Ở Bình Phú, địch dùng trực thăng HU1A và HU1B đổ quân xuống các cao điểm: đồi Đá Mọc, đồi Đá Núi, đồi 62... Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, phối hợp với bộ đội chủ lực đóng chân trên địa bàn, lực lượng du kích xã Bình Phú đã liên tục phản kích, đánh bại các cuộc hành quân, tiêu hao một số lượng lớn sinh lực địch thu nhiều vũ khí...
Lệnh tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, từ Căn cứ Linh Cang, Huyện ủy Thăng bình chỉ đạo lực lượng vũ trang các xã Bình Sa, Bình Hải, Bình Triều, Bình Tung, Bình Tú, bình Quế gồm 3.873 người tiến về phá công sở, diệt ác ôn.
Với tinh thần anh dũng, mưu trí trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Đảng bộ và nhân dân Bình Phú đã được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba (có hình kèm). Đó là tiền đề quan trọng để nhân dân Bình Phú cùng với nhân dân toàn miền Nam tiếp tục đứng dậy đấu tranh giành thắng lợi toàn diện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đầu năm 1969, Nich Xơn chủ trương chuyển hướng chiến lược “Phi Mỹ hóa” của Giôn Xơn thành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Phi Mỹ hóa chiến tranh”, Căn cứ Huyện ủy Thăng bình tại thôn Linh Cang, xã Bình Phú được xác định là địa bàn chiến lược của huyện Thăng Bình nói riêng và chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng nói chung. Trong giai đoạn này, cũng là chiếc nôi cách mạng của chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, che giấu các cơ quan lãnh đạo của Đảng, nơi tập kết của các lực lượng vũ trang. Vì vây, địch đã tăng cường về mọi mặt để nhằm bình định tình hình.
Đầu năm 1969, Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ VIII tổ chức tại Hố Lửa, Bình Phú. Cuối năm 1969, địch cắm 17 chốt, dồn dân vào 13 khu ấp. Vùng giải phóng phía Tây chỉ còn một ít dân, chủ yếu là nhân dân ở các thôn Đồng Linh, thôn Phước Cang, Phước Hà, Cao ngạn,  Nam Vinh Huy.
Tối ngày 13-3-1975, tại Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình, mặt trận giải phóng Quảng nam đã tổ chức lễ xuất quân tiến về vùng Đông. Đồng chí Hoàng Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy Mặt trận đã trao cờ quyết thắng cho đồng chí Hoàng Minh Năm( Năm Lựu) và cán bộ chiến sĩ vũ trang của huyện, của tỉnh tham gia cánh giải phóng vùng Đông Thăng Bình, Quảng Nam. Ngay trong đêm 13-3-1975 đến sáng ngày 14-3-1975, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với tiểu đoàn 72 và tiểu đoàn 11 bộ đội địa phương tỉnh tấn công tiêu diệt các chốt điểm: Đồi 59, Gia Hội, Gò Dài...ở Bình Phú, địch đã bị lực lượng du kích địa phương và lực lượng tiểu đoàn 72 kiên quyết chặn đánh, tiêu diệt một bộ phận, buộc địch co cụm lại và tìm đường rút chạy. Sau khi giải phóng hoàn toàn huyện lỵ và các xã vùng trung Thăng Bình. Sáng ngày 26-3-1975, trước khí thế tấn công dồn dập của ta, lực lượng ngụy quân, ngụy quyền ở Hà Lam bỏ chạy. Chiều ngày 26-3-1975 quân ta tiến vào tiếp quản quận lỵ, giải phóng hoàn toàn huyện Thăng Bình.

THEO DÒNG LỊCH SỬ
- 06/01/1946: Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
- 09/01/1950: Ngày truyền thống học sinh, sinh viên.
- 27/01/1973: Ngày Ký hiệp định Paris.
- 29/01/1258: Ngày chiến thắng Nguyên-Mông lần thứ nhất.
- 03/02/1930: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
- 07/02/1418: Ngày Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn.
- 15/02/1943: Ngày mất anh Kim Đồng- Người đội viên đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh).
- 27/02/1955: Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
09/01/1950: NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN
 
Hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay. 
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng Tám 1945: “… Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…” và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo đã cổ vũ học sinh, sinh viên nước ta thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt và tình nguyện chung sức cùng cộng đồng.
Trong giai đoạn 1925-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như: Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng… 
Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.
Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra. 
Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Với khẩu hiệu: “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” đã tiếp thêm sinh lực mới cho phong trào học sinh, sinh viên. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương. 
Ngày 09/11/1949, học sinh Huế bãi khoá. Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung bộ đã thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khoá để phản đối.
Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục.
Các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.
Giữa lúc ở Huế, Sài Gòn không khí tranh đấu đang sôi nổi, tại Hà Nội, học sinh cũng đang căm tức vì Pháp và bù nhìn bắt bớ một số anh chị em sau kỳ nghỉ học kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Học sinh Chu Văn An quyết định bãi khoá ngày 25/11/1949, trong các lớp trên tường la liệt khẩu hiệu. Toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá”, “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn”.
Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 09/01/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9 tháng 1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Nguồn: Kim Yến (Trang điện tử BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)
03/02/1930: NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
(Đề cương tuyên truyền đăng trên Trang thông tin điện tử Huyện đoàn: http://www.tuoitrethangbinh.com)
 
27/2/1955: NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM
 
Ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn ba điều:
“Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
Thương yêu người bệnh- Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.“ Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
Xây dựng một nền y học của ta- Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp vơí nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng.
Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cưú và phối hợp thuốc “ Đông” và thuốc “ Tây”.
Vì ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, từ năm 1985, ngày 27 tháng 2 được chọn là Ngày thầy thuốc Việt Nam.
Theo Báo Nhân Dân, số 362, ngày 27/2/1955
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn thông tin Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động với các nội dung sau:
Ngày 07/12/2017, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, từ ngày 01/01/2018, chính thức áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định sau đây:
- Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng (tăng 230.000 đồng so với quy định hiện hành tại Nghị định 153/2016/NĐ-CP)
- Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng)
- Vùng III: 3.090.000 đồng/ tháng (tăng 190.000 đồng)
- Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng).
Ngoài ra, Nghị định 141 cũng điều chỉnh phân vùng đối với một số huyện, thị xã như sau:
- Đưa thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai từ vùng II lên vùng I;
- Đưa các huyện Thống nhất thuộc tỉnh Đồng Nai, Huyện Thủ Thừa tỉnh Long An, Thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam từ vùng III lên vùng II.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/01/2018.
Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo  tại đây  https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/18526/da-co-nghi-dinh-141-2017-nd-cp-tang-luong-toi-thieu-vung-2018
Nguồn: thuvienphapluat.vn
MÔ HÌNH- KINH NGHIỆM
Thầy giáo trẻ Quảng Ngọc Nhiên làm du lịch sinh thái
 
Những năm gần đây, xuất hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái (DLST), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan và góp phần phục hồi môi trường sinh thái tại địa phương. Khu Du lịch Văn hóa và Sinh thái Sen C-haraih Ninh Thuận (KDL) của thầy giáo trẻ Quảng Ngọc Nhiên (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) là một ví dụ điển hình. Sau 3 tháng “chạy thử”, mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo làn gió mới trong cộng đồng du lịch địa phương.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm, Khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, năm 2011, anh Quảng Ngọc Nhiên về công tác tại Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Thuận Nam), sau đó là Trường THPT Nguyễn Huệ (Ninh Phước). Hơn 6 năm miệt mài đứng trên bục giảng không làm cho chàng trai trẻ làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp bằng lòng, an phận. Ngược lại, với vốn liếng tích lũy, anh đã ấp ủ và lên kế hoạch cho một dự án táo bạo, đó là đầu tư vào DLST ngay trên cánh đồng sen của gia đình. Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh du lịch của mình, anh Quảng Ngọc Nhiên cho biết: Từ nhiều năm qua, nhu cầu DLST, homestay của du khách trong và ngoài nước đến Ninh Thuận rất lớn, thế nhưng hầu như người dân ở các khu, điểm du lịch tỉnh ta chưa biết tận dụng lợi thế trên để nâng cao thu nhập, quảng bá hình ảnh, văn hóa địa phương. Là người con dân tộc Chăm, sinh ra và lớn lên tại vùng đất có tới 3 làng nghề truyền thống nên anh Quảng Ngọc Nhiên đã nhìn thấy được tiềm năng về phát triển DLST tại đây. “Nếu đến Ninh Phước du lịch mà chỉ dạo chơi trong làng dệt thổ cẩm Chăm thì chẳng có gì thú vị; còn tới Bàu Trúc mà chỉ có xem gốm rồi về thì quá đơn điệu. Đó là lý do để mình quyết định đầu tư Khu Du lịch Văn hóa và Sinh thái Sen C-haraih Ninh Thuận nhằm níu chân du khách khi về đây” - anh Quảng Ngọc Nhiên giải thích.
Nằm lọt thỏm giữa cánh đồng sen mênh mông, Khu Du lịch Văn hóa và Sinh thái Sen C-haraih Ninh Thuận hấp dẫn du khách từ cái nhìn đầu tiên. Với diện tích quy hoạch gần 1 ha, KDL được thiết kế như một làng du lịch thu nhỏ với nhiều loại hình vui chơi, sinh hoạt, ăn uống hết sức phong phú. Chỉ cần trả phí từ 20.000 -30.000 đồng/người, du khách tha hồ tham quan, chụp ảnh, quay phim… Thậm chí, có thể thuê áo dài, áo bà ba, nón lá, trang phục dân tộc… ngay tại chỗ để thỏa sức sáng tạo và lưu giữ những kỷ niệm bên đầm sen hồng cùng bạn bè, người thân. Sau khi tham quan, chụp ảnh, chèo xuồng hái sen… du khách sẽ được thưởng thức các loại trà sen, sữa hạt sen, hạt sen luộc… hay mua những sản phẩm từ sen làm quà cho người thân và bạn bè. Những ngày cuối tuần, KDL liên tục đón khách vào vui chơi, dã ngoại với nhiều tour khác nhau. Nhiều đoàn khách lên đến hàng chục người đã lựa chọn KDL để tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, vui chơi, giải trí, nhất là tổ chức Team building (xây dựng đội nhóm). Anh Văn Ngọc, du khách đi tour đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi tham quan và mua sắm tại các làng nghề gốm và dệt thổ cẩm, cả đoàn được đưa đến đây để vui chơi và nghỉ ngơi, các thành viên đều hài lòng, nhất là khi được chứng kiến và thưởng thức các món ăn ngon của quê hương Ninh Thuận, đặc biệt là những món ăn truyền thống của người Chăm ngay tại làng Chăm như cá lòng tong kho tộ, cá lóc đồng nấu mẻ, gà nướng bùn, cừu trộn rau má… Ngoài ra, không gian ở đây vô cùng mát mẻ, yên tĩnh.
Chia sẻ về hướng đi tiếp theo của KDL, anh Quảng Ngọc Nhiên cho biết: Mới đây, mô hình DLST của mình đã đoạt giải Ba tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên năm 2017” do Tỉnh đoàn tổ chức. Phát huy những kết quả đạt được, KDL tiếp tục chuyên nghiệp hóa trong việc tổ chức các hoạt động và tour du lịch để tạo ấn tượng đẹp với du khách, xây dựng khu lưu trú, làm cơ sở thu hút du khách quay lại với KDL. Đồng thời, nghiên cứu, phát triển thêm các dịch vụ phụ trợ, tạo cảnh quan, bố trí các tiểu cảnh… để tăng thêm tính hấp dẫn, không làm cho du khách nhàm chán. Với mục đích hướng đến không gian đặc trưng đậm nét văn hóa Chăm, hiện tại anh Quảng Ngọc Nhiên đang lên kế hoạch hợp tác với một số hộ dân tại địa phương, xây dựng dịch vụ homestay ngay tại làng Chăm để du khách dễ dàng tìm hiểu văn hóa Chăm, thưởng thức ẩm thực cũng như xem múa nhạc truyền thống Chăm…
Dám nghĩ, dám làm, biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của quê hương, anh Quảng Ngọc Nhiên không chỉ mang lại lợi nhuận cho bản thân, mà còn hướng đến lợi ích đáng kể cho cộng đồng địa phương cũng như góp phần giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Để đa dạng các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra lợi thế cạnh tranh lành mạnh về du lịch trong vùng liên kết, thiết nghĩ thời gian tới, tỉnh nhà cần quan tâm đầu tư có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm để đánh thức tiềm năng, khai thác một cách có hiệu quả các thế mạnh của DLST vùng nông thôn như trên.
Nguồn: http: baoninhthuan.com.vn
THANH NIÊN VÀ NGHỀ NGHIỆP
Mẹo tiết kiệm 30% thu nhập cho năm mới:
Hãy gạch bỏ khoản chi không nhiều ích lợi: sandal đi đau chân, món hàng đặt mua vì hứng thú nhất thời, những chai nước ngọt bạn ít khi uống.
Phần lớn chúng ta thuộc lòng nguyên tắc hoạch định tài chính cá nhân, chẳng hạn chi tiêu phù hợp với thu nhập, và đầu tư cho tương lai, nhưng rất khó ép bản thân nghiêm chỉnh tuân thủ kế hoạch.
Làm thế nào để tiêu ít và tiết kiệm được nhiều, đồng thời không biến mình thành “lão hà tiện”? Dưới đây là năm lời khuyên có thể hữu ích, giúp bạn tiết kiệm được chí ít là 30% thu nhập trong năm 2018:
1. Mạnh tay cắt hết những khoản chi tiêu dễ dãi
Đây là sai lầm đa số người trẻ mắc phải, đặc biệt trong giai đoạn tuổi 20. Bạn có thể dễ dàng rút ví trong nhiều trường hợp, như đi du lịch, dùng bữa ở nhà hàng, những cơn mua sắm giảm giá bất tận, đi rất nhiều nơi và gặp rất nhiều người.
Khi túi tiền gần cạn, bạn bắt đầu cố gắng thắt lưng buộc bụng, nhưng cũng chẳng trụ được lâu.
Manisha Thakor, chuyên gia về chiến lược làm giàu dành cho phụ nữ ở công ty BAM Alliance, có một gợi ý thú vị: hãy soát lại tất cả các khoản chi phí, bao gồm những mục nhỏ nhất, và đánh dấu những khoản "đem lại niềm vui".
Với cách làm này, danh sách "niềm vui" có thể có rất ít những khoản xa xỉ. Nó có thể đơn giản chỉ là một chiếc váy mới, chút đồ ăn vặt cho bữa tụ tập cuối tuần cùng nhóm bạn thân, lớp học yoga, vé xe cho chuyến đi chơi, quyên góp cho một số tổ chức từ thiện.
Hãy gạch bỏ những khoản chi không nhiều ích lợi: đôi sandal đi đau chân, vài món hàng đặt mua vì hứng thú nhất thời, những chai nước ngọt bạn ít khi uống.
Bạn nên tiến hành quy trình rà soát hàng tháng. Hãy ghi chú bên cạnh những gì thực sự giúp mỗi ngày của bạn trở nên phong phú và đầy ý nghĩa. Mỗi khi chuẩn bị rút ví, bạn nên cân nhắc có cần thiết hay không.
2. Sử dụng dịch vụ tin nhắn số dư tài khoản để nhắc nhở
Bạn thoải mái quẹt thẻ cả tháng, và có thể sững sờ khi kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng. Hãy đảm bảo rằng mình luôn luôn nắm rõ tài khoản còn bao nhiêu tiền.
Phương pháp này giống như lời nhắc nhở thường trực đối với bạn. Bạn sẽ kiểm soát các kế hoạch chi tiêu hàng ngày tốt hơn, giúp bạn tránh được cảm giác hốt hoảng mỗi lần kiểm tra tài khoản nếu trót tiêu quá nhiều.
3. Tự động ép mình tiết kiệm
Một cách tiết kiệm phổ biến là trích một khoản thu nhập để "bỏ ống". Hạn chế là bạn khó tránh khỏi cám dỗ lấy tiền từ đó ra để tiêu bù trong cơn túng thiếu.
Bạn có thể tìm hiểu và sử dụng những dịch vụ ngân hàng sao cho hàng tháng, một phần thu nhập của bạn sẽ tự động chuyển vào tài khoản tiết kiệm. Bạn sẽ giảm được nguy cơ tiêu lạm vào phần tiết kiệm do loại tài khoản đó sẽ có những quy định ràng buộc, hạn chế riêng.
4. Coi trọng vấn đề lương hưu từ thời trẻ
Dù bạn đang ở lứa tuổi 20 hay 30, bạn nên cân nhắc kế hoạch lúc về hưu càng sớm càng tốt. Hãy nghiêm túc tìm cách dành riêng một khoản tiền mỗi tháng, để bạn có thể an ổn hưởng tuổi già sau này.
5. Đặt ra mục tiêu để phấn đấu
Theo nhiều chuyên gia tâm lý học hành vi, tiết kiệm tiền cho một mục tiêu cụ thể mà bạn thực lòng mong ngóng là một cách tuyệt vời để bạn không ngẫu hứng mua sắm trong quá trình đó.
Giả dụ, đầu năm, bạn và người yêu đã lên kế hoạch và cùng bỏ ống nhằm dành tiền cho một chuyến du lịch dài ngày trong nửa cuối năm.
Bạn sẽ thường xuyên tự đặt lên bàn cân mỗi lần chuẩn bị tiêu tiền. Một bữa ăn tối ở nhà hàng gần nhà, hay một bữa tối ở khu trung tâm du lịch? Một lần cắt nhuộm tóc sành điệu, hay một căn phòng khách sạn có tầm nhìn tuyệt đẹp?
Với cách này, bạn sẽ cảm thấy chuyện nhịn chi tiêu, mua sắm trở nên dễ chịu hơn. Khoản tiết kiệm hôm nay chính là để dành cho chính bạn ở một thời điểm trong tương lai.
Nguồn: http: thanhgiong.vn
BÀI HÁT THANH NIÊN
Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên lời bài hát: Đảng Là Cuộc Sống Của Tôi, sáng tác nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn.
Đảng Là Cuộc Sống Của Tôi
Đảng là cuộc sống của tôi, mãi mãi đi theo Người
Từ thuở còn thơ đời tôi chưa quen sóng gió
Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin
Giữa biển khơi biết đâu là bờ
Bầu trời xanh chưa thấy bao giờ
Đảng là một ngôi sao sáng
Sáng nhất trong muôn vì sao 
Giữa trời tối đêm mịt mùng
Vẫn một màu sáng trong
Đảng làm nên bài ca chiến thắng cho đất nước và tình yêu
Cho mỗi ước mơ trên đời
Ôi Đảng của tôi ơi mãi mãi ơn Người.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai