Thứ bảy, 27/04/2024, 20:39|
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) ................................... CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM CUỘC ĐẤU TRANH HÀ LAM - CHỢ ĐƯỢC (04/9/1954 - 04/9/2024)

Quan điểm của Hồ Chí Minh về thái độ đối với khuyết điểm của Đảng và những cán bộ mắc sai lầm

Thứ bảy - 11/11/2023 00:11
Quan điểm của Hồ Chí Minh về thái độ đối với khuyết điểm của Đảng và những cán bộ mắc sai lầm
================
Trước hết, theo Hồ Chí Minh, trong đấu tranh cách mạng, trong công tác hàng ngày, Đảng ta cũng như cán bộ, đảng viên của Đảng không tránh khỏi mắc khuyết điểm, sai lầm; điều quan trọng là thấy rõ khuyết điểm, sai lầm, không giấu giếm và quyết tâm sửa chữa, để Đảng ta, cán bộ ta tiến bộ mãi.
Người chỉ rõ: “Trên con đường phát triển cách mạng của mình, Đảng ta, quân đội ta cũng như mỗi đồng chí chúng ta luôn luôn có ưu điểm và không trách khỏi có khuyết điểm. Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng, sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”. Người còn nói: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”; “có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”3. Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Đảng là người, Đảng là cán bộ, là đảng viên, tất nhiên là có sai lầm”4. Và theo Người, Đảng có khuyết điểm, cán bộ mắc sai lầm thì không nên giấu giếm. Người chỉ rõ: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Quan điểm này của Hồ Chí Minh vừa thể hiện tính khách quan, khoa học, vừa tỏ rõ tính cách mạng của một người chân chính trong cách nhìn nhận khuyết điểm của Đảng, sai lầm của cán bộ, đảng viên của Đảng.
Đối với khuyết điểm của Đảng, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng:
“Vì Đảng rất to, người rất đông; mỗi hạng người lại có thói quen, tính nết, trình độ, tư tưởng, nhận xét khác nhau. Nhất là khi phong trào cách mạng càng sôi nổi, hoàn cảnh càng khó khăn, thì sự khác nhau đó càng rõ rệt, càng trở nên gay go.” Rồi Người nêu câu hỏi: “Nên giải quyết những mối mâu thuẫn đó thế nào?”.
Hồ Chí Minh nhận định: “Có người thì cho rằng: trong Đảng việc gì cũng tốt, không có khuyết điểm gì đáng lo. Có người lại cho rằng: trong Đảng cái gì cũng kém, đầy khuyết điểm, vì vậy mà họ bi quan, thất vọng”. Theo Người: “Hai cách nhận xét đó đều không đúng”.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sự thật là: Đảng ta rất tiên tiến, rất vẻ vang. Nhưng nội bộ vẫn còn những sai lầm và khuyết điểm. Đồng thời, chúng ta thấy cái nguồn gốc của những sai lầm khuyết điểm đó, và chắc tìm được cách sửa chữa…”
Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Thái độ mỗi người đối với những khuyết điểm của Đảng ta cũng khác nhau:
Bọn phản động thì lợi dụng những khuyết điểm đó và tô vẽ thêm để phá hoại Đảng ta.
Lợi dụng những sai lầm và khuyết điểm đó để đạt mục đích tự tư tự lợi của họ. Đó là thái độ của đảng viên và cán bộ đầu cơ.
Bọn thứ ba thì sao cũng mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình. Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt.
Bọn thứ tư thì đối với những người có khuyết điểm và sai lầm đó, như đối với hổ mang, thuồng luồng. Họ đòi phải đuổi bọn kia ra khỏi Đảng ngay. Nếu Đảng không làm như thế thì họ cho rằng: Thôi, hỏng hết rồi! Do đó, họ đâm ra chán nản, thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ bỏ Đảng. Đó là thái độ những người máy móc quá. Đó cũng là bệnh “chủ quan”.
Thái độ thứ năm, là thái độ đúng. Tức là:
a) Phân tích rõ ràng, cái gì đúng, cái gì sai.
b) Không chịu nổi ảnh hưởng của những chủ trương sai lầm, những phần tử không tốt. Ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt.
c) Không để mặc kệ. Mà ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng.
d) Không làm máy móc. Nhưng khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ.
đ) Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng.”
Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng:
“Bọn phản động và bọn đầu cơ là địch nhân lọt vào trong Đảng để phá hoại. Vì vậy chúng ta phải ra sức đề phòng. Mỗi khi trong Đảng có khuyết điểm thì chúng ta phải tìm cách chớ để cho ai lợi dụng. Đó là phận sự của mỗi đảng viên chân chính”.
“Thái độ thứ ba, ai mặc kệ ai, cố nhiên cũng không đúng. Tuy vậy, trong Đảng còn có nhiều người giữ thái độ đó, nhất là khi cấp dưới đối với cấp trên. Thái độ đó thường sinh ra thói “không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”. Nó gây nên sự uất ức và không đoàn kết trong Đảng. Nó để cho bọn vu vơ có thể chui vào hoạt động trong Đảng. Nó để cho khuyết điểm ngày càng chồng chất lại và phát triển ra.”
“Nếu theo thái độ thứ tư thì Đảng chỉ còn một nhóm cỏn con, vì số đông sẽ bị khai trừ hết. Mà chính những người có thái độ đó cũng bị khai trừ, vì họ đã phạm cái khuyết điểm hẹp hòi.”
Hồ Chí Minh kết luận rằng: “Trong công tác, trong đấu tranh, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”.
Đối với những cán bộ mắc sai lầm, theo Hồ Chí Minh cũng phải có thái độ khoa học, cách mạng, rất độ lượng song cũng rất nghiêm khắc.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, khuyết điểm”.
Theo Người: “Trừ những bọn cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Tóm lại, phải phê bình cho đúng.” Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng: “Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”. “Sự sửa đổi khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo”.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng. Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”.
Đối với những cán bộ phạm sai lầm do “hám danh trục lợi”, “cố ý phá hoại”, lại “ngoan cố, không chịu ăn năn”, “phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đối với hạng người này, chúng ta phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, “phải có kỷ luật thích đáng”, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”.
Hồ Chí Minh dạy rằng: “Cách đối với cán bộ là một điều trọng yếu trong sự tổ chức công việc. Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc.” Người còn nhấn mạnh rằng: “Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm”.
Như vậy, quan điểm của Hồ Chí Minh về thái độ đối với khuyết điểm của Đảng và đối với cán bộ mắc sai lầm vừa khoa học vừa cách mạng, rất độ lượng và cũng rất nghiêm khắc. Người cho rằng, Đảng ta, cán bộ, đảng viên của Đảng trong đấu tranh cách mạng, trong công tác hàng ngày không thể tránh khỏi mắc khuyết điểm, bị sai lầm; chúng ta không sợ mắc khuyết điểm, không sợ bị sai lầm; điều quan trọng là không giấu giếm khuyết điểm, sai lầm của mình, tìm ra nguyên nhân dẫn tới khuyết điểm, sai lầm, rồi tìm mọi cách để sửa chữa và quyết tâm sửa chữa; mặt khác, tuỳ theo tội nặng hay tội nhẹ, Đảng phải xử phạt cán bộ bị sai lầm cho đúng. Đối với những cán bộ, đảng viên cố ý sai lầm, cố tình phá hoại mà ngoan cố, không chịu ăn năn, sửa chữa, Đảng phải có kỷ luật thích đáng, không để ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Có vậy, Đảng ta, cán bộ, đảng viên của Đảng mới tiến bộ không ngừng./.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai