Chủ nhật, 28/04/2024, 19:08|
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) ................................... CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM CUỘC ĐẤU TRANH HÀ LAM - CHỢ ĐƯỢC (04/9/1954 - 04/9/2024)

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 9/2019

Thứ tư - 14/08/2019 04:03
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/1945-02/9/2019)
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
CHUYÊN ĐỀ
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH 

Phần thứ hai
THANH NIÊN VIỆT NAM THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Từ tháng 02/1955, trong bài viết “Bảo vệ tài sản công”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các ngành giáo dục cần phải bồi dưỡng cho thanh niên thói quen tiết kiệm, bảo vệ của chung; chống lãng phí xa hoa, xem khinh lao động”. Như vậy, vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí đối với thanh niên không chỉ là một yêu cầu cần được giáo dục mà còn phải rèn luyện để tạo thành thói quen trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Trên thực tế, có rất nhiều thanh niên thực hiện tốt lời Bác dạy về tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng vẫn còn những thanh niên thực hiện chưa tốt, đang còn lãng phí thời gian, sức khỏe, tài năng… Gần đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 217/QĐ-TTg, ngày 13/02/2018 về việc ban hành chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, càng cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí.
Thanh niên là một lực lượng năng động, sáng tạo, giàu nghị lực, có lý tưởng cao đẹp, có thể đảm đương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ khó khăn, nặng nề nhất khi cách mạng giao phó. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” và “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Do vậy, thanh niên càng phải là lực lượng đi tiên phong trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tình hình hiện nay, thanh niên cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực sau đây:
Tích cực học tập tư tưởng và tấm gương mẫu mực của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Có thể nói, hiện nay thanh niên là lực lượng có vai trò cực kỳ quan trọng mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bởi vì kết quả học tập và làm theo Bác của thanh niên có tác động to lớn đến tương lai đất nước và ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ tiếp theo. Thanh niên cần được trang bị thế giới quan duy vật, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và phương pháp luận biện chứng, nhận thức đúng về vai trò của mình để có tư tưởng, hành động cách mạng tiến công, từng bước hình thành, hoàn thiện và phát triển toàn diện nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, thanh niên không chỉ tìm hiểu những bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí mà cần sưu tầm, ghi nhớ những câu chuyện cảm động, mẫu mực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác và sinh hoạt đời thường của Người.
Từ những vấn đề lý thuyết và tấm gương thực tế sinh động của Hồ Chí Minh để thanh niên tự soi mình, sửa mình và rèn luyện, tạo được thói quen cho bản thân làm theo lời Bác dạy, phấn đấu trở thành tấm gương sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để cho người khác học theo, làm theo, làm gương sáng dìu dắt thiếu niên nhi đồng, tức là dìu dắt tương lai của dân tộc. Như Người từng viết: “thanh niên nói chung phải gương mẫu trong sản xuất, trong học tập, trong việc giữ vững kỷ luật và cải thiện đời sống của công nhân”. Chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý chí quyết tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thanh thiếu nhi.
Thanh niên không chỉ có nhiệm vụ tích cực học tập và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà cần phải tích cực tuyên truyền nhằm làm cho nhiều người trong xã hội, trước hết là những người xung quanh mình có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích to lớn  của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như tác hại của lãng phí đối với bản thân, gia đình và toàn xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy mọi người tích cực hơn trong học tập và làm theo Bác.
Thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, là lực lượng kế thừa và tiếp bước các thế hệ đi trước để thúc đẩy xã hội phát triển, đồng thời là lực lượng dìu dắt thiếu niên, nhi đồng. Trong mọi công việc, thanh niên luôn thi đua thực hiện khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”. Bởi vậy, mọi việc làm, hành động của thanh niên đều có tác động lớn đến tình hình đất nước, tạo ảnh hưởng rộng trong xã hội. Mỗi khi thanh niên tích cực thực hành tiết kiệm, đồng thời tuyên truyền tinh thần đó cho xã hội, đặc biệt là đối với tầng lớp thiếu nhiên nhi đồng, càng có ý nghĩa lớn lao, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Thanh niên cần tập trung tuyên truyền học tập tấm gương Hồ Chí Minh trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua những mẩu chuyện, những lời dạy của Người.        
Chú ý phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các gương điển hình thanh thiếu nhi hoặc các cơ sở Đoàn, Hội, Đội có những ý tưởng, sáng kiến, cách làm hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Muốn việc làm đó có hiệu quả, thanh niên cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục thông qua nhiều hình thức như: các buổi sinh hoạt chính thức hoặc tổ chức sinh hoạt chuyên đề, các buổi dã ngoại, hoạt động vui chơi giải trí, sử dụng bản tin, sổ tay chi đoàn. Tổ chức giao lưu, giới thiệu, tuyên dương các gương sáng điển hình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các cấp bộ đoàn chủ động xây dựng hệ thống mẫu băng rôn, áp phích, tranh ảnh, đồ họa thông tin, đoạn phim ngắn… và phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, cổ động trực quan cho đoàn viên, thanh thiếu nhi nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Từ đó, tạo sức lan tỏa rộng khắp, tạo nên một hệ thống gồm nhiều tấm gương điển hình thanh thiếu niên về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cống hiến tích cực cho xã hội, đất nước và gia đình. Tích cực rèn luyện các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”, tạo lập các phong trào thi đua sôi nổi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thanh niên.
“Cần, kiệm, liêm, chính”, vốn dĩ là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Người đã dạy: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”. Đối với mỗi cá nhân, kiệm là một trong chuỗi phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”. Có kiệm thì mới có liêm, có liêm thì mới có chính. Kiệm là tiền đề, điều kiện để con người vươn tới liêm và chính. Đối với cả dân tộc, tiết kiệm là sức mạnh mềm – sức mạnh của văn hóa và đạo đức. Do đó, thanh niên muốn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần phải đặt nó trong chuỗi các phẩm chất mới tạo nên tính hiệu quả thiết thực, trọn vẹn.
Thanh niên cần tích cực tham gia các phong trào của Đoàn, Hội, các hoạt động xã hội, xung kích, tình nguyện, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong từng hành động, việc làm cụ thể, “tuy việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn”. Để mỗi thanh niên tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả hoạt động của Đoàn, Hội, Đội cần phát động các phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những chỉ tiêu cụ thể, thiết thực. Coi đây là nội dung quan trọng trong chương trình hành động của thanh niên và lấy kết quả đó làm một tiêu chí đánh giá, xếp loại, khen thưởng đoàn viên hằng năm.
Cá nhân thanh niên cần tích cực tham gia các phong trào thi đua lớn. Vận động các cơ sở đoàn, đoàn viên thanh niên trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp đi đầu thực hành tiết kiệm, làm gương cho đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia. Thực hiện chi tiêu tiết kiệm văn phòng phẩm, vật dụng văn phòng, chi phí điện, nước, đèn, quạt, máy lạnh, điện thoại… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, lưu trữ văn bản, tài liệu, thông tin liên lạc, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước tiết kiệm, chi đúng thực tế. Chủ động tiết kiệm chi phí trong tổ chức hoạt động, thực hiện phương châm tổ chức hoạt động theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực, không xa hoa, lãng phí nhưng vẫn đạt hiệu quả. Tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên hàng đầu sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước, không đua đòi, xa hoa lãng phí. Các cơ sở đoàn mạnh dạn đăng kí thực hiện thí điểm cuộc vận động, thi đua trong đoàn viên, thanh niên ý thức đi làm, đi học, hội họp, sinh hoạt đúng giờ; rèn luyện tác phong công nghiệp, dùng thời gian rỗi vào việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, giảm thời gian “tán gẫu” trên mạng xã hội.
Gắn nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức Đoàn, Hội.
Tùy theo vị trí công việc, sinh hoạt trong tổ chức, cơ quan, đon vị cụ thể mà mỗi thanh niên cần có trách nhiệm, việc làm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho phù hợp. Nhưng nhất thiết phải luôn đề cao ý thức bảo vệ của công, coi trọng lao động, có ý thức công cộng tốt, gương mẫu trong cơ quan, đơn vị, địa phương, chi đoàn, chi hội… Đối với thanh niên là học sinh, sinh viên, học tập kiến thức, tích cực tu dưỡng đạo đức, rèn luyện sức khỏe, có lối sống lành mạnh, không vướng vào tệ nạn xã hội… chính là một cách thực hành thức tiết kiệm, chống lãng phí thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội… Bên cạnh đó, cần có việc làm thiết thực gắn với mỗi ngày đến trường như: tiết kiệm thời gian, tiết kiệm điện, nước cho nhà trường, không viết vẽ bậy trên bàn ghế, trên tường, không xả rác bừa bãi trong lớp học, không bẻ gãy cây xanh, dẫm đạp lên cỏ cây trong khuôn viên của nhà trường…
Đối với thanh niên công chức, viên chức, việc thực hiện tốt chuyên môn theo chức trách là nhiệm vụ chủ yếu, cần phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần đổi mới phương pháp công tác, đổi mới lề lối làm việc, hội họp gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng công việc; dùng thời gian rỗi để tham gia hoạt động có ích, tận dụng tối đa. thời gian vào việc có ích. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cơ quan, đơn vị bằng những việc làm thiết thực như: không đi muộn về sớm; hoàn thành tốt nhiệm vụ theo tiến độ; tiết kiệm giấy mực cho cơ quan; sử dụng điện nước một cách hợp lý… Thực hiện chi tiêu, kiểm tra sổ sách rõ ràng, tránh tổ chức hoạt động lãng phí, không hiệu quả.
Đối với thanh niên lực lượng vũ trang, biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm; tích cực rèn luyện, phấn đấu, quyết tâm bảo vệ biên cương, Tổ quốc, giúp đỡ nhân dân, đồng bào nơi đóng quân…
Đối với thanh niên nông thôn cần chăm chỉ làm việc, không bỏ hoang ruộng đất, hạn chế các hoạt động đàn đúm, rượu chè, đình đám, tích cực thực hiện và vận động người thân thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới, giảm bớt hủ tục ở địa phương; tranh thủ thời gian rãnh rỗi sau thời điểm mùa vụ để tìm kiếm thêm việc làm tăng thu nhập, hoặc học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng lao động sản xuất; tích cực sáng tạo trong lao động, sản xuất để ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động nông nghiệp…
Đối với thanh niên công nhân cần có ý thức tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu cho nhà máy, xí nghiệp nơi mình làm việc, có nhiều việc làm hữu ích cho doanh nghiệp. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho công ty, xí nghiệp bằng những việc làm thiết thực như: thực hiện tốt nội quy, hoàn thành công việc đảm bảo tiến độ, không bỏ việc tùy tiện, bảo vệ tài sản máy móc công xưởng; thường xuyên cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, năng suất lao động…
Đối với doanh nhân trẻ, cùng với việc học tập kiến thức trên lĩnh vực kinh doanh, tài chính, ngân hành, luật kinh tế, kinh tế quốc tế… là những đòi hỏi để khởi nghiệp và xây dựng thành công doanh nghiệp thì cũng cần có kế hoạch giáo dục cho thanh niên trong công ty thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi tiết kiệm cho công ty cũng là tiết kiện của bản thân và xã hội.
Rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch, sử dụng thời gian hợp lý, nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi sinh hoạt cá nhân và ở nơi công cộng. Thanh niên biết cách lập kế hoạch làm việc một cách khoa học, có tính chủ động, sáng tạo cũng là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đó chính là cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học, gắn với yêu cầu của thực tiễn và điều kiện lịch sử. Độc lập thì không lệ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Tự chủ là chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm trước dân, trước nước, biết làm chủ bản thân và công việc, sẵn sang từ bỏ những gì mà thực tiễn kiểm nghiệm là sai hoặc là những cái cũ mà nay không còn phù hợp nữa để tiến tới đề xuất cái mới đáp ứng được thực tiễn cuộc sống đang đặt ra.
Trong công việc và cuộc sống hằng ngày, cần có kế hoạch cụ thể, tránh tùy tiện “đến đâu tính đó”, từ bỏ lối suy nghĩ “được chăng hay chớ”, “đến hẹn lại lên”; biết phân bổ thời gian, công sức, tiền bạc hợp lý cho từng công việc; xác định được nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của mình ở từng giai đoạn, thời điểm, cương vị công tác để đầu tư thời gian, công sức phù hợp, đem lại kết quả tốt. Trong trình bày, diễn đạt cần tiết kiệm lời, nói và viết ngắn gọn nhưng thông tin nhiều, nói đi đôi với làm, tốt nhất là nói ít làm nhiều. Người dạy: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” . “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói”.
Cần tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như quá đà chơi điện tử, nói chuyện phiếm trêm zalo, facebook, mà tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vu, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống… Hiện nay, một bộ phận thanh niên chưa quan tâm đúng mức việc chăm lo bảo vệ sức khỏe, đang lãng phí trí tuệ, chưa cống hiến xứng đáng cho xã hội. Tránh quán sá, rượu bia la đà, thức thâu đêm cho những việc không cần thiết, lười lao động, lười thể dục thể thao. Có nhiều thanh niên mua sắm vật dụng, phương tiện cá nhân đắt tiền quá khả năng tài chính của bản thân. Phung phí, đầu tư tiền bạc, công sức không cần thiết vào một số việc làm vô bổ, thiếu thiết thực, trong khi đang cần đầu tư cho việc học tập, nghiên cứu chuyên môn, lập nghiệp.
Thanh niên nên thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng nhằm góp phần giảm thiểu chi phí; có ý thức tái sử dụng các nguyên vật liệu, hạn chế chất thải ra làm ô nhiễm môi trường. Tích cực xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, có hành động tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng nền tảng để sớm cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó đang triển khai nhiều chương trình, dự án xây dựng và phát triển vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nhằm sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền ngược, đồng bằng và vùng núi… nên đang rất cần huy động sức mạnh xung kích, tình nguyện, sáng tạo, tiết kiệm ở thanh niên. Do vậy, việc thanh niên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí càng có ý nghĩa thiết thực. Đó cũng là một mục tiêu phấn đấu để thanh niên thi đua cống hiến, rèn luyện, thử thách, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân giao phó.
Nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn
 
DI TÍCH LỊCH SỬ TẠI THĂNG BÌNH
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn tháng 9/2019, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn về Làng nghề hương truyền thống
Có một làng nghề ra đời cách đây 250 năm, trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, cư dân nơi đây vẫn duy trì và phát triển làng nghề, bởi nghề này đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân khi mùa vụ nhàn rỗi - Đó là nghề làm hương ở Khu phố 4, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, người dân còn gọi là làng Quán Hương.
Hiện nay, ở làng hương – Quán Hương thị trấn Hà Lam huyện Thăng Bình có hơn 350 hộ đang làm hương, giải quyết việc làm cho 450 lao động nông nghiệp khi mùa vụ nông nhàn. Có 5 cơ sở đóng tại làng nghề vừa xay bột nguyên liệu, vừa kinh doanh các loại bột nguyên liệu khác do chưa sản xuất được để cung cấp cho nhu cầu sản xuất hương của các hộ. Với sản lượng cung cấp hàng tháng là 480 tấn gồm: bột quế, bột keo, bột cưa và các loại bột khác. Ngoài ra, còn cung cấp các nguyên liệu khác như: cây chu và nhãn mác cho các hộ trong làng nghề. Mỗi năm, thị trường tiêu thụ trên 50.000 muôn hương (01 muôn tương đương với 10.000 cây), doanh thu trên 7 tỷ đồng.  Theo anh Lê Văn Anh ở tổ 4 khu phố 4 với 23 năm theo nghề làm hương tâm sự; “Nghề làm hương không vất vả như nghề nông nhưng có thu nhập cao và có điều kiện giải quyết việc làm trong gia đình. Người lớn thì đảm nhận khâu nhồi bột, nhúng hương, trẻ em và người già thì xe hương và gói hương”. Nhiều hộ có thu nhập cao ở làng hương với mức trên 50 triệu đồng/năm nhờ sản xuất các loại hương trầm, hương quế, hương bổi. Một ngày có hộ sản xuất 2 muôn hương, đó là ngày thường, còn dịp tết, ngày rằm hàng tháng thì sản lượng tăng gấp 3 lần. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai, một số xuất khẩu sang Lào và Campuchia.
Với hiệu quả kinh tế từ nghề làm hương mang lại, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án khôi phục  và phát triển làng nghề truyền thống làm hương thị trấn Hà Lam với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng, với quy mô nội dung đầu tư gồm: Khu trưng bày sản phẩm, xây dựng cơ sở sản xuất tập trung, khu nhà xưởng, công trình phục vụ sản xuất, trạm biến áp điện 100KVA, đường dây hạ thế và chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước và hệ thống xử lý môi trường, thiết bị chẻ tre làm chu hương, máy xay bột, bàn xe, giàn phơi, thiết bị sấy, đào tạo chuyển giao công nghệ, mua xe vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm. Trong tổng mức đầu tư do ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ và vay Ngân hàng, nhân dân làng nghề phải đóng góp trên 2,3 tỷ đồng. Huyện Thăng Bình đang xúc tiến triển khai dự án này. Bước đầu đã xây dựng cổng làng, làm đường bê tông dài 1100 mét, trồng cây cau hai bên đường đã tạo ra cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, đã chuyển giao công nghệ sản xuất hương vòng Hà Tây vào làng nghề. Cây hương vòng có nhiều ưu điểm như kích thước gọn, dễ vận chuyển và bảo quản, thời gian cháy lâu, không phụ thuộc vào nguồn chu như sản xuất hương cây, do đó, làng nghề có thể tăng tính chủ động trong sản xuất ngay từ nguyên liệu đầu vào. Qua chuyển giao công nghệ, bà con đã sản xuất hai loại hương vòng 24 giờ và 48 giờ tham gia hội chợ làng nghề Xưa và Nay năm 2006 và hội chợ Xuân Đinh Hợi của tỉnh được đánh giá cao và đã có nhiều hộ trong tỉnh đăng ký bán sản phẩm hương của làng nghề. Thực tế cho thấy, sản xuất hương vòng đã đem lại lợi nhuận cao nhưng phải có sự đầu tư mua sắm trang thiết bị và có chính sách ưu đãi đối với làng nghề.
Làng nghề hương truyền thống Quán Hương được khôi phục và phát triển sẽ tạo ra một diện mạo mới về làng nghề truyền thống nông thôn với phương thức sản xuất mang tính tập trung, đảm bảo môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, góp phần tăng trưởng nền kinh tế địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình đã đề ra. Nghề hương cũng chính là nét văn hóa đặc trưng của quê hương Thăng Bình, trong tương lai không xa sẽ thu hút khách du lịch thập phương đến với làng nghề.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thăng Bình
 
THEO DÒNG LỊCH SỬ
Những ngày đáng nhớ trong tháng 9
- 02/9/1945: Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- 02/9/1969: Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần.
- 12/9/1930: Xô Viết Nghệ Tĩnh.
- 20/9/1977: Việt Nam trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc.
- 23/9/1977: Nam Bộ kháng chiến.
- 27/9/1940: Khởi nghĩa Bắc Sơn.
- 30/9/1988: Kỷ niệm ngày mất của đồng chí Trường Chinh. 

02/9/1945: Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Cách mạng tháng tám thành công, Trung ương Đảng phái đồng chí Lê Đức Thọ lên chiến khu đón chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm. Sau đó Người về ở nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội.  Tại cuộc họp của chính phủ lâm thời, theo đề nghị của Người một chính phủ thống nhất toàn quốc thể hiện ở chính sách đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ được thành lập.
Buổi trưa ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình- Hà Nội, trong cuộc mítting của trên 50 vạn nhân dân Hà Nội và vùng lân cận chào mừng chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời. Bản tuyên ngôn độc lập khẳng định:
“Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!… Nước ViệtNam có quyền đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Tuyên ngôn độc lập do chủ tịch Hồ Chí Minh viết là sự phát triển của bản yêu cầu mà Người gửi cho hội nghị hòa bình ở Vec-xây năm 1919, là sự phát triển của chương trình Việt Minh mà người soạn thảo năm 1941. Nó là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam và nói lên tâm hồn trong sáng, khí phách hào hùng của nhân dân ta.
“Bản tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trên những hải đảo xa xôi, trên những máy chém, trên chiến trường. Bản tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam” (Trần Dân Tiên - những mẩu chuyện về đời hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh).
Ngày độc lập 02/9/1945 là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện độc lập, tự do và hạnh phúc.
Từ đó, ngày 02/9 trở thành ngày quốc khánh của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

23/9/1945: Ngày Nam Bộ Kháng chiến
Chỉ 03 tuần lễ sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam Bộ, âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở thành phố Sài Gòn. Chúng mưu toan chiếm Nam Bộ làm bàn đạp chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.
7h sáng ngày 23/9, Xứ uỷ và Uỷ ban hành chính Nam Bộ (sau đổi tên thành Uỷ ban kháng chiến) họp khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn) có đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng và tổng bộ Việt Minh tham dự. Hội nghị quyết định phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ được thành lập, ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, bất hợp tác với địch, phong toả địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ sục sôi căm thù, nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ Kháng Chiến.
Chiều 23/9, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi. Ngay những ngày đầu, quân Sài Gòn đã tiêu hao sinh lực địch và phá huỷ một phần cơ sở vật chất của chúng. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn chấn động cả nước. Nhiều tỉnh Nam Bộ đưa lực lượng đoàn viên, thanh niên về góp sức với Sài Gòn chống quân xâm lược. 
Ban thường vụ Trung ương Đảng họp chủ trương đánh mạnh quân Pháp ở Nam bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở ngoài Bắc. Ngày 27/9/1945, chủ tich Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào miền Nam khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, chính phủ và nhân dân ta, chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Người nêu cao lẽ sống “thà chết tự do hơn sống nô lệ” của nhân dân ta. Đáp lời kêu gọi của Người, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam Bộ vùng dậy dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc.
Tháng 02/1946, thay mặt chính phủ và đồng bào cả nước, chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.
Nguồn: lichsuvietnam.vn
 
SỔ TAY NGHIỆP VỤ
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn tháng 9/2019, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên, thanh niên, các tổ chức Đoàn hướng dẫn đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú giai đoạn 2018-2022:
I. NƠI CƯ TRÚ VÀ HOẠT ĐỘNG ĐOÀN NƠI CƯ TRÚ
1. Nơi cư trú: được nêu tại Hướng dẫn này là nơi đoàn viên đang thường trú, tạm trú hoặc địa bàn dân cư thuận lợi để đoàn viên chủ động đăng ký tham gia hoạt động.
2. Hoạt động Đoàn nơi cư trú: Là hoạt động của đoàn viên tham gia với cấp bộ Đoàn ở địa bàn dân cư (kể cả hoạt động ở cấp cơ sở và chi đoàn).
II. ĐỐI TƯỢNG THAM GIA HOẠT ĐỘNG ĐOÀN TẠI NƠI CƯ TRÚ
- Đoàn viên là học sinh đang học tập tại các trường phổ thông (gồm Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên).
- Đoàn viên là sinh viên các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học.
- Đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
- Đoàn viên là công nhân, lao động trẻ làm việc trong các doanh nghiệp.
- Đoàn viên trong lực lượng vũ trang nhân dân (trừ đoàn viên trong các đơn vị chiến đấu của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân).
III. QUYỀN CỦA ĐOÀN VIÊN THAM GIA HOẠT ĐỘNG ĐOÀN TẠI NƠI CƯ TRÚ
Việc tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú thể hiện ý thức trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; tăng cường sự gắn bó giữa đoàn viên với nơi cư trú, giúp đoàn viên nắm được tình hình của địa phương cũng như có điều kiện tham gia đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của nơi đoàn viên cư trú. Vì vậy, đoàn viên cần có tính tự giác trong việc thực hiện quyền tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú. Đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú có các quyền cụ thể sau:
- Được quyền đề nghị tổ chức Đoàn nơi cư trú tạo điều kiện tham gia các hoạt động do Đoàn - Hội - Đội tổ chức để rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.
- Được quyền lực chọn địa bàn để tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú.
- Được tham dự và đóng góp ý kiến tại các buổi sinh hoạt định kỳ của Chi đoàn (nếu được Ban Chấp hành Chi đoàn mời dự) nhưng không được tham gia biểu quyết các vấn đề của Chi đoàn.
- Được quyền đề nghị tổ chức Đoàn nơi đăng ký hoạt động nhận xét, đánh giá, xác nhận về quá trình tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú; được khen thưởng, biểu dương khi có thành tích xuất sắc.
IV. ĐỊNH HƯỚNG MỘT SỐ NỘI DUNG THAM GIA HOẠT ĐỘNG  ĐOÀN TẠI NƠI CƯ TRÚ
- Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
- Hoạt động tình nguyện tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
- Hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
- Hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của thanh thiếu nhi; các hoạt động chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
- Hoạt động góp ý các chủ trương, chính sách của địa phương về thanh thiếu nhi; hoạt động xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
- Sinh hoạt Chi đoàn định kỳ.
V. QUY TRÌNH, THỦ TỤC GIỚI THIỆU, TIẾP NHẬN VÀ TỔ CHỨC CHO ĐOÀN VIÊN THAM GIA HOẠT ĐỘNG ĐOÀN TẠI NƠI CƯ TRÚ
1. Đối với đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú:
Bước 1: Đoàn viên chủ động đăng ký địa bàn, thời điểm tham gia sinh hoạt Đoàn nơi cư trú với chi đoàn, Đoàn cơ sở nơi trực tiếp quản lý.
Bước 2: Nhận giấy giới thiệu từ Đoàn cơ sở trực tiếp quản lý và nộp giấy giới thiệu cho Đoàn xã, phường, thị trấn nơi đăng ký tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú (Mẫu 1).
Bước 3: Thực hiện các nội dung đã đăng ký.
2. Đối với Chi đoàn, Đoàn cơ sở nơi trực tiếp quản lý đoàn viên (thực hiện việc giới thiệu):
Bước 1: Chi đoàn tổng hợp thông tin đoàn viên đăng ký địa bàn, thời điểm tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú và báo cáo với Đoàn cơ sở để cấp giấy giới thiệu cho đoàn viên.
Bước 2: Đoàn cơ sở cấp giấy giới thiệu cho đoàn viên. Nếu là Chi đoàn cơ sở thì trực tiếp thực hiện việc cấp giấy giới thiệu.
Bước 3: Đoàn cơ sở, Chi đoàn lập danh sách đoàn viên hoạt động nơi cư trú để theo dõi, quản lý (Mẫu 3).
3. Đối với Đoàn xã, phường, thị trấn và chi đoàn nơi tiếp nhận đoàn viên tham gia hoạt động nơi cư trú:
Bước 1: Đoàn xã, phường, thị trấn tiếp nhận giấy giới thiệu về tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú do đoàn viên chuyển trực tiếp (hoặc danh sách được chuyển giao từ cấp bộ Đoàn trực tiếp quản lý đoàn viên Mẫu 2).
Bước 2: Bàn giao danh sách đoàn viên cho các Chi đoàn trực thuộc và hướng dẫn cho đoàn viên tham gia các hoạt động tại Chi đoàn.
Bước 3: Chi đoàn tiếp nhận đoàn viên, tổ chức các hoạt động để đoàn viên tham gia; lập danh sách quản lý và theo dõi kết quả hoạt động của đoàn viên hoạt động nơi cư trú (Mẫu 4).
VI. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ ĐOÀN VIÊN THAM GIA HOẠT ĐỘNG ĐOÀN TẠI NƠI CƯ TRÚ
Chi đoàn và Đoàn cơ sở nơi cư trú nhận xét, đánh giá kết quả tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú khi có yêu cầu của đoàn viên (Mẫu 5).
- Tiêu chí nhận xét, đánh giá:
+ Ý thức tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú.
+ Mức độ tham gia hoạt động của Đoàn tại nơi cư trú.
+ Kết quả tham gia hoạt động của Đoàn tại nơi cư trú.
- Căn cứ vào các tiêu chí trên khi được yêu cầu, Chi đoàn và Đoàn cơ sở đánh gía đoàn viên sinh hoạt nơi cư trú theo 03 mức: tham gia hoạt động tốt, có tham gia hoạt động, có đăng ký nhưng không tham gia hoạt động. Kêt quả tham gia hoat động Đoàn nơi cư trú được bổ sung, ghi nhận vào kết quả đánh giá xếp loại đoàn viên hàng năm nơi đoàn viên đang sinh hoạt.
- Kết quả, thành tích của đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú, đóng góp cho tổ chức Đoàn tại nơi cư trú sẽ là cơ sở để ưu tiên trong xét các danh hiệu, các hình thức khen thưởng.
- Bản nhận xét, đánh giá trước khi chuyển cho đoàn viên phải có xác nhận của Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn nơi đoàn viên đăng ký hoạt động nơi cư trú.

GƯƠNG THANH NIÊN LÀM KINH TẾ GIỎI
Từ bỏ học bổng du học để phát triển du lịch homestay
Nguyễn Lê Khang Cường từng có học bổng du học tới Đài Loan, song nặng lòng với dự án phát triển du lịch quê mình, anh đã từ bỏ để đi theo đam mê.
Giọng nói chân chất, nụ cười đôn hậu, lối sống đơn giản nhưng tử tế là những gì mọi người có thể thấy được ở Nguyễn Lê Khang Cường, 22 tuổi.
Bắt đầu khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên năm 3, sau hai năm cùng với bao nhiêu thử thách, Khang Cường đã bước đầu thành công với mô hình homestay tại quê hương anh - Phú Yên cùng với mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm các danh lam thắng cảnh và làng nghề nơi đây.
Năm 2015, khi chỉ là một sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở tại TP.HCM), Khang Cường đã rất nhiều lần ấp ủ ước mơ làm được điều gì đó cho vùng đất mình sinh ra. Niềm yêu thương mảnh đất Phú Yên da diết cộng với lòng say mê du lịch trải nghiệm đã cho cường ý tưởng đem du lịch quê nhà đến cho nhiều người biết đến hơn. Sau này, nhận được một học bổng tới Đài Loan học, Khang Cường cũng từ chối, dù đó là ước mơ của nhiều người.
Thời điểm Khang Cường bắt đầu phát triển du lịch ở Phú Yên, mảnh đất này chỉ là một vùng đất hoang sơ. Bắt tay vào thiết kế và tìm kiếm các danh lam thắng cảnh chất lượng nhưng tiết kiệm chi phí cho khách hàng, Khang Cường liên tục phải di chuyển từ hai địa điểm TP.HCM - Phú Yên vào các cuối tuần để vừa thu xếp việc học, vừa có thể về quê nhà để ghé thăm các làng chài, các quán ăn chất lượng để nói chuyện, làm việc.
Một năm sau khi ấp ủ ý tưởng, Khang Cường cùng với sự ủng hộ của nhiều bạn bè đã lập nên hệ thống homestay tại Phú Yên. Khang Cường bảo mình sống tử tế nên luôn giao thoa với những người cùng tần số, trên con đường lập nghiệp của mình, Khang Cường nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ về tinh thần cùng rất nhiều bạn bè đồng hành cùng anh, cùng với nhà đầu tư thiên thần.
Tiền không phải là tất cả
“Nói thì dễ, làm mới khó, bởi lẽ sự chỉn chu đến từng chi tiết đôi khi là thứ thử thách lòng kiên nhẫn của tôi. Nếu không tìm được địa điểm ăn uống chất lượng, đúng cách nấu của người bản địa hay không tìm được danh thắng mới mẻ, thể hiện đúng mảnh đất Phú Yên thì tôi nhất định không nhận khách đi. Phải đến khi nào tôi cảm thấy hài lòng với những gì mình làm ra, tôi mới dám truyền tải nó cho mọi người”, chàng trai sinh ra và lớn lên ở Phú Yên bày tỏ.
Nguồn: thanhgiong.vn
 
BÀI HÁT THANH NIÊN

Người Việt Nam
Sáng tác: Trần Vũ Anh Bình

Yêu sao người Việt Nam, đẹp màu da pha mưa nắng 
Lấp lánh trong màu mắt cháu con nòi giống máu tiên rồng 
Thời cha ông sức gai chông, ngàn năm lưu dấu non sông 

Đẹp mãi nhé những tâm hồn Việt Nam dấu yêu 
Qua bao cuộc đời đổ thay, người Việt Nam luôn kiên dũng. 
Tiến bước lên cùng với trái tim nồng ấm giữa bao đời. 
Cùng cha ông sức phi thường, 
nhịp chân ta bước lên đường cùng đất nước tiến nơi xa trường 
Cha ông tự bao đời, vang trong hồn con cháu. 
Nghe bao lời thiết tha, 
như giọng hát ru dìu đưa con đi ngàn hướng 
Người Việt Nam dòng máu rồng tiên 
Người Việt Nam nung nấu tim mình, 
ngọn lửa thiêng đốt cháy tâm hồn tình yêu thương đất nước. 
Người Việt Nam rợp bước trời đông 
Người Việt Nam chung chí một lòng cùng đứng lên tiếp bước oai hùng, 
người Việt Nam tiến lên. 
Việt Nam tiến lên, Việt Nam tiến lên cho quê hương ngời sáng, 
trời đông thêm rạng ngời.
 

Tác giả: Huyện đoàn Thăng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai