Ước mơ làm giàu từ mô hình nuôi thỏ

Thứ hai - 08/12/2014 22:27
Trong khi nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học mới ra trường chọn cách làm giàu bằng việc vào các công ty nước ngoài, doanh nghiệp quy mô lớn hay hùn vốn kinh doanh tại các đô thị lớn, thì Hiếu và Lê - hai cử nhân khối ngành kinh tế lại chọn mô hình chăn nuôi mới- mô hình nuôi thỏ ngay trên mãnh đất khô cằn của vùng quê nghèo Quảng Nam (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình), làm hướng đi làm giàu cho gia đình mình và mong muốn giúp bà con nông dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Anh Vương Đình Hiếu đang giới thiệu về con giống, kỹ thuật nuôi thỏ  và quy mô trại thỏ của mình. (Ảnh: Đông Anh)
Anh Vương Đình Hiếu đang giới thiệu về con giống, kỹ thuật nuôi thỏ và quy mô trại thỏ của mình. (Ảnh: Đông Anh)
Trong chuyến tham quan một số mô hình chăn nuôi tại xã Bình Nam vừa qua, tôi có dịp đến thăm và tìm hiểu mô hình nuôi thỏ tại Trại thỏ Chiến Huy của anh Vương Đình Hiếu và chị Mai Thị Lê. Trao đổi với anh chị mới biết để có được “hoa thơm, quả ngọt” như ngày hôm nay, cả hai đã trải qua vô vàn khó khăn. Vì buổi ban đầu mới ra trường với hai bàn tay trắng không biết phải huy động nguồn vốn ở đâu, từ ai, kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc thỏ cũng chưa có. Mặc khác chi phí xây dựng trang trại lại quá cao vì đường xá lúc này vẫn chưa có, vật liệu ở rất xa, phải thuê người kéo từng xe bò tới khu xây dựng… Nhưng với lòng nhiệt huyết, sự quyết tâm và vốn đam mê nghề chăn nuôi Hiếu và Lê đã quyết định xây dựng một trang trại nuôi thỏ mang tên Chiến Huy từ nguồn vốn 200 triệu đồng vay mượn từ những người thân gia đình. Những ngày đầu bắt tay vào công việc chăm sóc đàn thỏ hết sức khó khăn do chưa có kinh nghiệm kỹ thuật, đàn thỏ đã chết gần hết vì bệnh tiêu chảy. Sau vài lần thất bại tưởng chừng không vượt qua nổi, nhưng rồi cả hai đã tích cực nghiên cứu kỹ thuật, xây dựng chuồng trại, chăm sóc, phòng bệnh và chọn được nhà cung cấp con giống chất lượng, đó là giống thỏ Newzealand thuần chủng từ Viện Nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây thuộc Viện Chăn nuôi. Sau những thất bại, nhờ nghị lực, Hiếu và Lê đã thành công.


Vườn trồng cỏ rộng gần 2000m2 của trang trại cung cấp thức ăn nuôi thỏ.
 (Ảnh: Đông Anh)

Nhìn những chú thỏ con ăn ngon lành, tôi thấy niềm vui rạng ngời, lấp lánh qua ánh mắt của anh Hiếu. Anh say sưa chia sẻ cách chăm sóc thỏ: “Để đảm bảo đàn thỏ sinh trưởng nhanh thì nguồn thức ăn cần đảm bảo vệ sinh, chuồng trại phải thiết kế ấm áp về mùa đông và thoáng mát về mùa hè, đồng thời cần vệ sinh chuồng nuôi và thường xuyên tiêm vắc xin phòng bệnh cho thỏ”. Không dừng lại ở việc phát triển quy mô trang trại, với những lo lắng của người chăn nuôi vì giá cả cứ lên xuống thất thường, thương lái vì lợi nhuận mà nhập thỏ lung tung khiến thị trường bị đảo lộn. Người thiệt nhất ở đây vẫn là người nông dân. Mong muốn tìm đầu ra được đảm bảo ổn định cho người nông dân, Hiếu và Lê đã mở lò giết mổ Chiến Huy cung cấp thịt sạch cho các siêu thị lớn như Metro, BigC, Coopmart,… Hiện nay quy mô trang trại ngày càng được mở rộng, đàn thỏ ngày càng nhiều, với 150 thỏ giống bố mẹ, thỏ mẹ đẻ bình quân 5 - 7 lứa/năm, mỗi lứa đẻ 5 - 8 con/lứa, với giá bán 130.000 đồng/kg. Còn đối với thỏ thương phẩm với giá là 80.000 đồng/kg; số lượng thỏ giống xuất bán mỗi tháng là 300 con, ước tính lợi nhuận mang lại khoảng chừng trên 30 triệu đồng/tháng. Toàn bộ con giống được xuất bán cho bà con nông dân và trang trại nuôi thỏ gia công tại Nam Phước, là nơi nuôi gia công cho Chiến Huy với số lượng thỏ bố mẹ giống hiện nay là 1.000 con và đang tiếp tục tăng thêm. Ngoài thị trường tại các siêu thị Metro, BigC, CoopMart, cơ sở sản xuất thịt thỏ của anh chị còn cung cho các nhà hàng, quán nhậu xuyên suốt từ Bình Định đến Hà Tĩnh…Trong thời gian tới, Trại thỏ Chiến Huy sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, cung cấp nhiều thỏ giống, thỏ thương phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình anh Hiếu còn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật nuôi, nhận cung cấp thỏ giống và bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ chăn nuôi thỏ trong và ngoài tỉnh. Định hướng được những khó khăn của bà con nông dân, Trại thỏ Chiến Huy đã thiết kế một website để bà con tiện trong việc tra cứu thông tin về bệnh tật và cách khắc phục, cung cấp con giống tốt. Đồng thời, hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi, cũng như tiêu thụ sản phẩm. Nói về giống thỏ Newzealand, A Hiếu cho biết thêm: Đây là giống thỏ có thời gian nuôi ngắn, tiêu hao thức ăn ít so với các giống thỏ đang nuôi trong dân. Trừ chi phí mỗi năm một thỏ mẹ có thể mang lại cho bà con lợi nhuận là 1.250.000 - 2.450.000 đồng. Nếu tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như lúa, ngô, khoai, rau lang, rau muống… thì lợi nhuận của nó mang lại là khá cao. Với phân thỏ, người nuôi có thể tận dụng để bón cho các loại cây hoa màu và cây ăn trái, rất tốt đối với cây trồng và một phần nào giúp tránh được chuột, bọ. Nuôi thỏ không khó nếu nắm vững những kỹ thuật trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, chất lượng con giống cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát bệnh đối với thỏ. Anh Hiếu khẳng định với kinh nghiệm nuôi của anh thì thỏ là con vật mang lại lợi nhuận khá cao, có thể làm giàu từ nghề nuôi thỏ.  
Tìm hiểu Trại thỏ Chiến Huy tôi thấy được niềm tin vào kiến thức và kinh nghiệm của anh Hiếu chị Lê, mà trên hết đó là lòng quyết tâm, ý chí vươn lên trong anh. Được biết đây là mô hình nuôi thỏ đầu tiên của xã có quy mô và hiệu quả, hy vọng nó sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân trong xã học tập, nhân rộng, mở ra hướng chăn nuôi mô hình mới cho người nông dân trong và ngoài tỉnh có thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới.

Tác giả: Đông Anh - Huyện ủy Thăng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai