Cũng là một người mồ côi giữa dòng đời này, cụ bà Trần Thị Lỳ, 80 tuổi, xã Bình Quế sống một mình nhiều năm. Già yếu nên quanh năm suốt tháng bà chỉ quẩn quanh ở nhà. Và Lành, bao năm qua vẫn đều đặn vào chăm bà, dẫu không hề máu mũ ruột thịt. Hai phận mồ côi, nương nhau như để tìm chút hơi ấm tình thân. Bà Lỳ chia sẻ: “Bé Lành có chi hắn đem vô cho tôi ăn, hắn chạy ra chạy vô hắn nuôi, tôi nấu không được cơm thì hắn đem vô, không phải cháu mà hắn nuôi tôi.”
Hôm chúng tôi gặp Lành, dẫu trong nhà hết gạo nhưng khi vào thăm bà, em vẫn ghé vào cửa hàng tạp hóa gần đó mua cho bà hộp sữa. Chỉ những ai tận mắt nhìn em tỉ mẫn bấm từng móng tay, móng chân cho bà Lỳ, chăm bà từng hộp sữa mới cảm nhận hết được sợi dây tình cảm thiêng liêng giữa 2 con người cách nhau số tuổi gần bằng cả một đời người này. Lành tâm sự, em thấy bà Lỳ sống một mình nên em muốn chăm bà, giúp được gì thì giúp. Có những hôm em đi học, trưa không vào với bà được, bà lại nhớ, ngóng chừng, và có ai đi ngang qua bà lại nhắn với họ. Vì cảm thương cho hoàn cảnh đơn chiếc của bà Lỳ mà Lành không ngần ngại trao đi những quan tâm, săn sóc và yêu thương. Nhưng, số phận của em cũng thương tâm, không kém gì bà. Ba mất khi em lên 8 và 8 năm sau mẹ em cũng ra đi sau một cơn tai biến. Khoảng thời gian đó là một nỗi kinh hãi rất lớn đối với em. Cảm giác trơ trọi trên cõi đời, cô gái 16 tuổi khi ấy trong căn nhà dột nát giữa mùa mưa chỉ biết bó gối ngồi khóc. Trước kia, dẫu gia đình nghèo khó nhưng em còn có ba, có mẹ để che chở và được yêu thương. Còn bây giờ, thiếu cơm, thiếu áo, thiếu tiền học phí, em phải tự lực cánh sinh.
Với số tiền 700 nghìn trợ cấp hằng tháng, em vẫn cố gắng trang trải để theo học ngành công tác xã hội, khoa ngữ văn- công tác xã hội, trường Đại học Quảng Nam. Không có điều kiện để ở lại, mỗi ngày, trên chiếc xe đạp điện được tặng, em vẫn ngược xuôi cả đi và về gần 30 km để theo đuổi ước mơ. Lành cho biết, số tiền học phí mỗi kỳ có khi lên đến hơn 2 triệu đồng nên em phải vay mượn thêm từ các cô, chú hàng xóm. Và chuỗi ngày sau đó là những ngày em chắt chiu và vất vả. Khoản trợ cấp ít ỏi em không dám chi quá nhiều cho chuyện ăn uống. Bữa cơm cũng chỉ rau luộc qua loa để lấy sức tiếp tục chiến đấu. Cùng với đó là những quần quật với công việc làm thêm. Khi thì phụ quán bán hàng, khi thì nhận gia công giày, miễn là kiếm ra tiền, em đều cố gắng đảm đương. Trong suốt câu chuyện của mình, em luôn miệng nhắc đến những tấm lòng đã luôn dõi theo, đồng hành để em đi đến ngày hôm nay. Cũng không rõ tự lúc nào, em đã hình thành trong mình mong ước được giúp đỡ các mảnh đời cơ cực, yếu thế trong xã hội. Chỉ biết, nhiều năm nay, bà Lỳ, không chỉ là nơi em tìm kiếm chút hơi ấm tình thân mà còn là nơi trao cho em động lực, để em thấy rằng mình đang sống chứ không phải tồn tại. Nhìn cô gái rụt rè, ngại ngùng ấy, khó ai hình dung được nghị lực của em để vượt qua những thiếu thốn về vật chất cũng như những thiếu vắng về tinh thần. “Em trải qua khó khăn miết nên quen rồi, chừ em không thấy chi khó khăn nữa hết.”- Lành chia sẻ.
Sống một mình là điều không hề dễ dàng, với một cô gái 21 tuổi, điều này càng khó khăn hơn gấp bội phần. Nhưng chính từ trong nghịch cảnh ấy càng làm em thêm nghị lực và cháy bỏng ước mơ thiện lành của mình./.