Thứ ba, 25/06/2024, 21:46|
KỶ NIỆM 70 NĂM CUỘC ĐẤU TRANH HÀ LAM - CHỢ ĐƯỢC (04/9/1954 - 04/9/2024) ................................................ CHIẾN THẮNG THƯỢNG ĐỨC - BƯỚC NGOẶT KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC

Di tích lịch sử: Căn cứ Lõm Bàu Bính

Chủ nhật - 02/06/2024 10:41
Tự động phát:
      Vào đầu năm 1971, trên mảnh đất Bình Dương anh hùng đã hình thành một căn cứ cách mạng nổi tiếng, đã đi vào lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Bình Dương và các xã vùng Đông Thăng Bình nói chung như một vết son chói lọi, một biểu tượng của chủ nghĩ anh hùng cách mạng - Căn cứ lõm Bàu Bính.
 
download (5)

      Bước sang năm 1971, trước tình hình đánh phá ác liệt của địch, Huyện ủy Thăng Bình xác định chủ trương lãnh đạo đối với vùng Đông: Dựa thế trụ bám đánh địch, không cho địch nới rộng địa bàn, chú ý che dấu bớt lực lượng, thành lập các đội công tác thuộc vùng địch tạm chiếm, lực chọn cách thức hoạt động phù hợp. Tăng cường hoạt động để kiềm chân địch, khẩn trương tổ chức lực lượng hợp pháp khi dân chưa bị dồn vào khu dồn. Tổ chức đường dây liên lạc ở tại các hành lang và khu dồn ra.

      Đánh giá âm mưu của địch, nhất là đánh giá vị trí chiến lược của xã Bình Dương, Huyện ủy Thăng Bình quyết định xây dựng khu vực Bàu Bính, thuộc thôn 4 xã Bình Dương thành căn cứ lõm, làm nơi đứng chân của các cơ quan, đội công tác các xã vùng Đông, lực lượng vũ trang huyện, tỉnh để chỉ đạo phong trào chống bình định ở vùng Đông và cử đồng chí Nguyễn Đức Tân, phó Bí thư Huyện ủy, Trịnh Minh Đức, Thường vụ Huyện ủy trụ lại căn cứ lõm, chịu trách nhiệm chỉ đạo vùng Đông. Để tiếp tục chỉ đạo, Huyện ủy quyết định thành lập Đảng ủy cánh Đông do đồng chí Nguyễn Đức Bốn (Bốn Tuấn), Bí thư Huyện ủy kiêm Bí thư Đảng ủy cánh Đông, các đồng chí Ngô Thanh Dũng, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, đồng chí Phan Thanh Toán, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm ủy viên. Cơ quan Đảng ủy đặt tại khu vực Bàu Bính.
 
download (2)
 

      Để đảm bảo việc liên lạc cho căn cứ lõm Bàu Bính, Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng trục hành lang, điểm dừng chân ở Xuyên Tân, giáp với Bình Hòa (Bình Giang chia đôi). Đây là một trục hành lang rất quan trọng, từ căn cứ phía Tây xuống căn cứ lõm Bàu Bính, từ các xã cánh đông đến các vùng như Đà Nẵng, Hà Lam, Tam Kỳ, Hương An… Khu vực căn cứ lõm Bàu Bính nằm trong trọng điểm đánh phá của địch, nằm giữa bốn bề đồn bốt, khu dồn, địch liên tục đánh phá ác liệt, kiềm kẹp gắt gao. Vào ban đêm, cán bộ, du kích phân công vào khu dồn liên lạc với nhân dân, củng cố và phát triển lực lượng; ta bám sát khu dồn qua chi bộ hợp pháp và cơ sở trung kiên lãnh đạo nhân dân trong khu dồn. Tại căn cứ, ta kết hợp thực hiện phương châm “ba bám” (Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám đánh địch) và phát huy tác dụng của phương châm “hai chân ba mũi giáp công” để trụ bám và đánh thắng các cuộc càn quét, đánh phá của địch, bảo vệ căn cứ.

      Tại căn cứ lõm Bàu Bính, ta xây dựng được lực lượng cách mạng gồm đội công tác của các xã vùng Đông; cán bộ du kích xã Bình Dương; đại đội V15, bộ phận quân giới của lực lượng vũ trang huyện; một bộ phận của Ban Chỉ huy Quân sự huyện; cán bộ các ban, ngành của huyện gồm có: An ninh, đấu tranh chính trị, binh vận. Lực lượng của tỉnh có: cán bộ tỉnh đội, chính trị, binh vận, dân vận và nhân dân các xã Bình Dương, Bình Giang, Bình Đào, Bình Triều. Với phương châm “mỗi người dân là một chiến sỹ”, tất cả nhân dân trong căn cứ luôn khắc phục khó khăn, gian khổ, chấp hành kỷ luật ăn ở đi lại, xây dựng công sự, thực hiện nhiệm vụ của một chiến sĩ, luôn nắm vững sự lãnh đạo của chi bộ đảng, tự giác, tích cực xây dựng căn cứ, kiên trì trụ bám, phối hợp với lực lượng vũ trang đánh địch.
 
download (4)
 
      Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy mà trực tiếp là Đảng ủy cánh Đông, nhân dân Bình Dương nói chung, dân trụ bám tại căn cứ nói riêng đều là chiến sĩ, sẵn sàng chiến đấu, tham gia vận chuyển, tiếp tế lương thực, đạn dược, tải thương, cất giấu thương binh, địa bàn cho các đội công tác và du kích các xã vùng Đông bám trụ. Cán bộ, du kích và nhân dân dựa vào nhau lo ăn ở, xây dựng củng cố công sự, cảnh giới sẵn sàng chiến đấu.

      Tháng 2 năm 1971, du kích xã Bình Dương tấn công chốt điểm thôn 3, diệt một số tên địch, bắt sống tên Dương Ngọc Vân, là trung đội trưởng nghĩa quân khét tiếng và tổ chức xét xử tại căn cứ. Để nhằm uy hiếp tinh thần và giành quyền làm chủ khu vực này, vào tháng 6 năm 1971, một tiểu đoàn địa phương quân càn vào Bình Dương. Chúng dùng đại đội cảm tử mật tập vào khu trung tâm căn cứ của ta, nhưng chúng vướng phải mìn, 2 tên bị thương, đội hình hoảng loạn; chớp lấy thời cơ, du kích Bình Dương tổ chức đánh giáp lá cà, diệt gọn trung đội 30 tên, bị thương 6 tên, bắt sống 6 tên trong đó có 1 tên trung úy, thu 15 súng AR15. Tiếp đó, vào tháng 4 năm 1971, du kích xã tổ chức chặn đánh tiểu đoàn địa phương quân lùa dân đi phát hoang thôn 4 và thôn 5 (Bàu Bính), ta tiêu diệt một số tên trong đó có tên Nguyễn Thiều, ác ôn, xã phó an ninh, thu 1 súng ngắn, 1 súng AR15.
 
download (1)
 
      Từ đây lực lượng du kích, đội công tác các xã đã phối hợp với lực lượng vũ trang huyện, các Tiểu đoàn 70, 72 của tỉnh tiến hành chống địch bao vây, càn quét nhiều lần vào căn cứ, bắn rơi máy bay trực thăng, đánh cháy xe tăng, phục kích diệt nhiều tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, từng bước đánh bại kế hoạch bình định nông thôn của chúng. Qua từng trận đánh, căn cứ không ngừng được củng cố, niềm tin của cơ sở trong các khu dồn ngày càng tăng lên, cơ sở tiếp tục liên lạc với lực lượng cách mạng ở căn cứ, hàng trăm thanh niên ở vùng địch tìm cách thoát ly lên căn cứ tham gia lực lượng cách mạng. Căn cứ lõm Bàu Bính trở thành một trạm liên lạc cơ sở, bàn đạp quan trọng để tấn công vào vùng địch.
download (3)

      Có thể nói, căn cứ lõm Bàu Bính tồn tại giống như một cây gai đâm vào mắt địch, chúng huy động mọi lực lượng, sử dụng mọi thủ đoạn để đánh phá, xóa sổ căn cứ này. Tháng 12/1972, địch huy động một lực lượng lớn bộ binh với sự chi viên tối đa của phi pháo để tấn công nhằn triệt hạ căn cứ. Trước sự đánh phá quyết liệt, liên tục kéo dài nhiều ngày của địch, Ban Thường vụ Đảng ủy cánh Đông đóng tại căn cứ lõm Bàu Bính đề nghị cấp trên chi viện. Vào ngày 15/12/1972, ta nhận được lệnh rút lực lượng ra khỏi căn cứ đồng thời tổ chức sơ tán nhân dân các xã vùng Đông trụ bám tại căn cứ lên vùng giải phóng an toàn.
Như vậy, căn cứ lõm Bàu Bính dù chỉ tồn tại trong 2 năm 1971 - 1972 nhưng đó là chặng đường lịch sử đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của nhân dân Bình Dương, trở thành một điểm sáng của nghệ thuật chiến tranh nhân dân của thế trận lòng dân vững chắc, thể hiện ý chí quyết tâm cũng như sự sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của các cấp chỉ huy, tinh thần chiến đấu anh dũng của mỗi cán bộ, chiến sĩ.

          Thời gian đã trôi qua, nhưng trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, mỗi khi nhắc lại một thời oanh liệt ở căn cứ lõm, ai ai cũng cảm thấy xúc động, tự hào. Trung thành và phát huy truyền thống là phải luôn luôn tiến lên phía trước, như dòng sông luôn luôn chảy về biển cả, người dân Bình Dương đang rất kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng trên quê hương mình./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai