Di tích lịch sử: Chiến thắng Đồng Dương
2024-10-07T05:48:18-04:00
2024-10-07T05:48:18-04:00
https://www.tuoitrethangbinh.vn/dia-chi-do-thang-binh/di-tich-lich-su-chien-thang-dong-duong-4961.html
https://www.tuoitrethangbinh.vn/uploads/news/2024_10/24.3.18.4.jpg
Tuổi trẻ huyện Thăng Bình - tỉnh Quảng Nam
https://www.tuoitrethangbinh.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 07/10/2024 05:45
I. Tên gọi di tích: Chiến thắng Đồng Dương.
II. Địa điểm và đường đi đến:
Trận đánh Đồng Dương xẩy ra tại tổ 7, thôn Đồng Dương, xã Bình Định (hiện nay là xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Từ ngã tư Hà Lam đi theo đường ĐT 613 về hướng Tây khoảng 7km là đến UBND xã Bình Định Bắc, đi một đoạn khoảng 500m về phía tay phải đến cổng làng văn hoá Đồng Dương, từ cổng đi khoảng 500m là đến khu di tích. Nơi xẩy ra trận đánh Đồng Dương cách Trung Tâm Hành Chính Thị Trấn Hà Lam 8km.
III. Sự kiện lịch sử:
Cuối năm 1965, sau khi địch huy động lực lượng với quy mô gồm: bộ binh, pháo binh, cơ giới và máy bay chiến đấu đến chiếm lại Chi khu quân sự và Quận lỵ Hiệp Đức, cùng chiếm đóng các chốt điểm quân sự khác xung quanh khu vực này.
Ngày 20/11/1965, Bộ chỉ huy chiến dịch của sư đoàn 2, giao cho trung đoàn Ba Gia tổ chức lực lượng bao vây, tiêu diệt cứ điểm Việt An, nhằm buộc quân địch bung ra giải toả cho cứ điểm này; bởi Việt An là cứ điểm quân sự lớn, nằm cách Quận lỵ Hiệp Đức chưa đầy 10 km, giáp ranh giữa đồng bằng, trung du và miền núi, cửa ngõ phòng vệ cho cả Hiệp Đức lẫn phía Tây Thăng Bình. Tại đây địch bố trí 01 đại đội của tiểu đoàn 2, trung đoàn 5 và cả một hệ thống hầm ngầm, công sự, lô cốt kiên cố.
Ngày 26/11/1965, quân ta điều tiểu đoàn 60, trung đoàn Ba Gia có tăng cường thêm 02 đại đội súng máy phòng không, cùng sự phối hợp hỗ trợ của 03 trung đội du kích địa phương tiến công vây hãm cứ điểm Việt An, uy hiếp hệ thống cứ điểm quân nguỵ trên cả hai trục đường 105 và 106. Và sau đó, ngày 06/12/1965, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đánh chiếm đồn này, đồng thời đưa quân về đánh quân nguỵ ở Mộc Bài.
Nhưng vào lúc này, sau nhiều ngày do dự và lo sợ, địch quyết định tổ chức cuộc hành quân “Liên kết 118” để giải toả cứ điểm Việt An và vây đánh quân chủ lực của ta đang có mặt trên chiến trường.
Ngày 06/12/1965 địch tổ chức một chiến đoàn gồm có tiểu đoàn 11 biệt động quân và 3 tiểu đoàn bộ binh của trung đoàn cộng hoà nguỵ, khoảng 50 xe GMC, 30 xe M113 tập trung tại Hà Lam (quận Thăng Bình).
Biết được ý đồ và hành động của địch, chiều ngày 07/12/1965, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định ngưng các cuộc tiến công vào các cứ điểm quân sự của địch và chủ trương cho quân mật phục để tiêu diệt địch trên đường từ Hà Lam đi Việt An.
08 giờ 30 phút ngày 08/12/1965 địch hành quân đến Tây cầu ông Triệu, trong lúc quân ta đang triển khai đội hình mật phục thì hai cánh quân của địch đi theo Nam - Bắc đường 16, cánh quân phía Bắc có tiểu đoàn 11 biệt động quân, cánh phía Nam có một tiểu đoàn bộ binh trung đoàn 5 nguỵ.
09 giờ 30 phút quan sát thấy địch rất rõ, phía Nam đường 16 có khoảng hai đại đội lên Ô Vuông dãy đồi Nam đường dừng lại sục sạo ở điểm cao 25, 30. Phía Bắc đường khoảng một tiểu đoàn có phi pháo chi viện, tiến quân rất chậm và dè dặt, khi qua khỏi làng Tân Thành chia thành 2 mũi vượt qua cánh đồng ruộng nước.
11 giờ 30 phút cánh quân phía Bắc đường 16 đã tiếp cận gần rìa làng trước chính diện đại đội bộ binh 2, đại đội bộ binh 1. Một mũi đã chạm vào khu vực bố trí của trung đội 1 - đại đội bộ binh 1 ở Tháp Đồng Dương, bộ đội đã nổ súng, tiểu đoàn ra lệnh xuất kích. Đại đội bộ binh 2 nhanh chóng xuất kích theo 2 mũi vòng bên sườn phải địch, đại đội bộ binh 3 xuất kích bên trái đánh vòng vào sườn phải quân địch, đánh trúng vào khu vực ban chỉ huy tiểu đoàn 11 biệt động quân và diệt 3 tên cố vấn Mỹ tại chỗ.
Bị đánh bất ngờ cả 03 mặt: chính diện, cả bên sườn trái và sườn phải, hàng ngũ địch bị hoảng loạn, chúng cố chống trả và lui về co cụm ở cánh đồng gần làng, dựa vào các bờ ruộng, hàng cây để chống cự lại các đợt tiến công của ta. Tiểu đoàn bộ binh 70 tập trung hoả lực và bộ binh xung phong tiêu diệt được nhiều quân địch. Đại đội bộ binh 3 xuất kích ra hai trung đội diệt được Ban chỉ huy tiểu đoàn địch, nhưng đồng chí cán bộ đại đội bị thương, đồng chí chính trị viên xin để lại một trung đội làm dự bị tung ra sử dụng sau, tiểu đoàn đồng ý, sau 30 phút chiến đấu, đồng chí chính trị viên cũng bị thương, tiểu đoàn không liên lạc được do điện thoại và bộ đàm bị hỏng. Đại đội bộ binh 1 chỉ có một trung đội ra chặn địch ở Tháp Đồng Dương, một trung đội vẫn chốt giữ Đá Biển. Pháo binh địch bắt đầu bắn vào làng Châu Đức, Châu Nho, Đá Biển và có máy bay quan sát L90, 2 máy bay B57, 4 phản lực F105, 4 trực thăng vũ trang HU1A, 1 máy bay C130 phun hơi độc. Do ta nổ súng đánh địch ở Bắc đường 16 rất mãnh liệt nên địch ở dưới cầu ông Triệu và Nam đường 16 nằm im tại chỗ, chỉ dùng cối bắn sang không dám dùng bộ binh tăng viện cho cánh quân Bắc đường 16.
Trong thời gian này, tiểu đoàn bộ binh 70 đã sử dụng trên 10 quả cối bắn sang dãy đồi phía Nam đường 16 và bắn chặn địch ở dưới cầu ông Triệu.
Sau 02 giờ tiến công áp đảo, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, chiến đoàn 5 nguỵ gồm 2 tiểu đoàn và đại đội biệt kích của trung đoàn 5, tiểu đoàn 11 biệt động quân, đại đội biệt kích của tiểu khu Quảng Tín do tên trung tá Phan Việt Hùng làm chiến đoàn trưởng bị bộ đội chủ lực ta gồm các chiến sĩ tiểu đoàn bộ binh 70 của tỉnh kết hợp với bộ đội địa phương huyện và lực lượng du kích xã Bình Định tổ chức đánh tập kích khắp nơi, ta đã diệt tiểu đoàn 11 biệt động quân nguỵ, loại khỏi vòng chiến đấu 350 tên, trong đó có 3 cố vấn Mỹ, bắt sống 3 lính nguỵ (Ban chỉ huy tiểu đoàn 11 biệt động quân bị diệt), thu 48 súng trong đó có 2 khẩu cối 60mm, 2 đại liên, 8 trung liên, 3 M79, 7 súng ngắn và 26 súng carbin, thomson, garant, nhiều đạn dược và trang bị khác.
Bị thất bại ngay từ trận đầu của cuộc hành quân “Liên kết 118”, tên chỉ huy chiến dịch của địch liền ra lệnh cho: tiểu đoàn 1 và 4, đại đội Biệt kích trung đoàn 5, cùng đại đội Biệt kích của tiểu khu Quảng Tín co cụm lại quanh khu vực làng Đồng Dương để cố gắng chống cự và chờ quân cứu viện.
Căn cứ vào tình hình và dựa vào các nguồn truyền tin, điện báo của địch với nhau mà chúng ta đã thu nhận được, lúc này biết địch đang tập trung chủ yếu lực lượng tại điểm cao 25, 30, khu vực Đá Biển, quanh tháp Đồng Dương và Ao Vuông. Tuy lực lượng địch đông, nhưng chốt giữ riêng lẽ, không có công sự kiên cố, địa hình vật chất không thuận lợi, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung lực lượng của trung đoàn Ba Gia tiến công tiêu diệt địch trước khi trời sáng và mục tiêu chủ yếu là phía Tây cầu Ông Triệu và các chốt địch có hoả lực mạnh.
Về phía ta, lúc này tiểu đoàn 60 đang bao vây Việt An, cách Đồng Dương trên 13 km, các tiểu đoàn 40, 90 cũng cách mục tiêu chừng 5 – 10 km, nên phải vội vã chuyển quân về áp sát mục tiêu chờ giờ nổ súng.
Tiểu đoàn bộ binh 90, tiểu đoàn bộ binh 60 hành quân Nam đường 16, riêng tiểu đoàn bộ binh 40 hành quân Bắc đường 16, trên đường hành quân, máy bay B57 thả bom và pháo địch bắn chặn theo trục đường 16 và dọc theo đường làng từ xã Bình Lãnh đến Minh Huy – Xuân Thái, bộ đội phải băng qua đồng để tránh phi pháo. Quá trình có bị thương vong một số phải để lại phía sau, đến khoảng 02 giờ ngày 09/12/1965 cơ bản các đơn vị đã đến khu vực tạm dừng, tiểu đoàn bộ binh 60 xa nhất nhưng cũng đã đến kịp. Các trưởng tiểu đoàn, đại đội về phổ biến kế hoạch chiến đấu và hiệp đồng
Từ 03 giờ 45 phút đến 04 giờ, trung đoàn trưởng qua điện thoại chỉ thị tiểu đoàn bộ binh 60, tiểu đoàn bộ binh 90 và qua 2 woát cho các đơn vị triển khai chiếm lĩnh.
05 giờ ngày 09/12/1965, tiểu đoàn bộ binh 60, tiểu đoàn bộ binh 90 triển khai tiếp cận sẳn sàng lệnh nổ súng, riêng tiểu đoàn bộ binh 40 còn đang tiếp cận vì khu vực Châu Đức ngày trước xẩy ra cuộc chiến nên bộ đội vừa nắm tình hình vừa tiếp cận.
05 giờ 15 phút ngày 09/12/1965 chờ đợi không thấy tiểu đoàn bộ binh 40 nổ súng phát lệnh trước theo hiệp đồng, sợ trời sáng, ban ngày sẽ bị phi pháo, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bộ binh 90 đề nghị và được trung đoàn trưởng đồng ý, tiểu đoàn bộ binh 90 cho nổ súng, đồng thời hướng khác cũng đồng loạt nổ súng.
Đại đội bộ binh 2 chia thành hai mũi đánh vào Đá Biển, sau 15 phút đại đội trưởng báo cáo gặp khó khăn, nhưng thực tế chỉ còn một hoả điểm đại liên, tiểu đoàn trưởng cho điều trung đội 3 đại đội bộ binh 3 vào tăng cường đột kích, trung đội trưởng trung đội 3 đại đội bộ binh 3 vào gặp các đồng chí đại đội bộ binh 2 sử dụng ngay khẩu B40 bắn diệt ngay hoả điểm và sau đó cùng đại đội bộ binh 2 xung phong chiếm được Đá Biển sau 20 phút.
Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho đại đội bộ binh 1 từ điểm cao Bắc đường đánh qua điểm cao 30 Nam đường, chiếm xong Đá Biển đại đội bộ binh 2 cùng hai trung đội đại đội bộ binh 3 cùng phát triển dãy điểm cao 30 để hiệp đồng với tiểu đoàn bộ binh 60. Ở đây tiểu đoàn bộ binh 1 đã diệt được Ban chỉ huy cuộc hành quân (Ban chỉ huy chiến đoàn), lúc này thấy địch chạy tán loạn về phía Nam điểm cao 30, tiểu đoàn bộ binh 1 tiếp tục truy kích theo khoảng gân 1km và sau đó tiểu đoàn trưởng cho dừng lại quay về khu vực Châu Nho, Nho Lâm chỉ cho một bộ phận đại đội bộ binh 2 thu dọn chiến trường.
Tiểu đoàn bộ binh 60: khi nổ súng đại đội bộ binh 7 đã hình thành 3 mũi: trung đội bộ binh 3 đánh vào giữa đồi 30 bị địch chống trả quyết liệt trong 15 phút bộ đội không tiến lên được, trung đội bộ binh 1 vòng theo sườn đánh thẳng lên phía Bắc điểm cao cũng bị hoả lực địch bắn mạnh, đồng chí trung đội trưởng (Nguyễn Thông) cho bộ đội vòng sâu vào phía Bắc đánh từ sau lưng địch ở mõm 2 đồi 30, lúc đó trung đội bộ binh 2 đánh vào cánh trái theo sườn Nam điểm cao và đại đội bộ binh 7 diệt được rất nhiều địch ở khu vực này.
Lúc xung phong lên tuy trung đội trưởng, trung đội phó và một số tiểu đội trưởng của trung đội bộ binh 2, trung đội bộ binh 3 bị thương, nhưng bộ đội vẫn theo hiệp đồng đánh tốt, chỉ sau 20 phút giải quyết xong điểm cao 30 và bắt được liên lạc với tiểu đoàn bộ binh 40, gặp địch chạy về phía Nam đại đội bộ binh 7 cho truy kích theo luôn đến phía Bắc khe Châu Xuân và sau đó một bộ phận lui luôn về phía sau, còn Ban chỉ huy đại đội và một trung đội bộ binh về vị trí chỉ huy tiểu đoàn ở Châu Xuân (Nam khe – Nam điểm cao 30).
Đại đội bộ binh 6 chia làm 2 mũi, một trung đội bộ binh đến lên điểm cao 25 không có địch, một trung đội bộ binh đánh thẳng lên Ô Vuông cũng không có địch, chỉ gặp một số địch từ hướng Đá Biển và khu vực tiểu đoàn bộ binh 40 đánh ở Nam đường chạy xuống, đã diệt 10 tên, bắt 5 tên, sau đó về thôn Châu Xuân, có một bộ phận qua luôn thôn Xuân Thái.
Đại đội bộ binh 5 dự bị, tiểu đoàn khi phát hiện địch chạy về phía Nam tiểu đoàn trưởng ra lệnh bám sát truy kích địch chỉ cách 70 đến 80m diệt được một số tên ở hướng Đông Nam, còn một số địch chạy theo hướng Tây Nam gần vị trí chỉ huy tiểu đoàn, chính trị viên tiểu đoàn ra lệnh tập trung lực lượng quay lại để diệt cánh quân này, nhưng địch đã tháo chạy rất nhanh, bộ đội đuổi theo không kịp.
Các đơn vị truy theo diệt địch, một bộ phận vượt qua khỏi khe dừng lại, một bộ phận đại đội bộ binh 1 cùng với đại đội cối 82mm của trung đoàn lui về đứng ở làng Châu Xuân, một bộ phận rút thẳng về Minh Huy. Lúc này tiểu đoàn bộ binh 2 không nắm được hết lực lượng, chỉ nắm được đại đội cối và một số đồng chí của đại đội bộ binh 5, đại đội bộ binh 6, đại đội bộ binh 7 tại Châu Xuân.
Tiểu đoàn bộ binh 90: khi nổ súng, đại đội bộ binh 10 đánh vào Tây cầu ông Triệu không có địch, bị hoả lực trên xe M113, cối, đại liên bên Đông cầu bắn vào đội hình. Theo mục tiêu và khu vực hiệp đồng đại đội bộ binh 10 phát triển lên Ô Vuông diệt một số địch trên đường 16 và liên lạc được với đại đội bộ binh 6 tiểu đoàn 60, lúc quay lại ở phía Đông điểm cao 25 thấy địch chạy nhiều về phía Nam khe, đơn vị đã tổ chức vây và tiêu diệt được nhiều địch, đồng chí đại đội trưởng ra lệnh thu chiến lợi phẩm, súng nào lớn thì lấy nên bộ đội không thu súng nhỏ, sau đó tiểu đoàn ra lệnh quay lại thu dọn, nhưng cũng không thu hết, xong lui về đứng ở làng Châu Xuân Đông.
Đại đội bộ binh 9 phát triển ra đánh dọc theo đường 16 không gặp địch, sau khi bắt được liên lạc với các đơn vị Tảo trừ ở khu vực Ô Vuông, điểm cao 25 sau đó tổ chức lui quân, một trung đội về Châu Xuân Đông, hai trung đội lui thẳng về xã Bình Lãnh (Tây Xuân Thái).
Đại đội bộ binh 11 dự bị, tiểu đoàn được lệnh vào thu dọn chiến trường cùng với các đơn vị, sau đó phát triển theo đường 16 lên Đông Đá Biển không còn địch. Khi lui đại đội trưởng nắm được một trung đội lui về Châu Xuân, hai trung đội do chính trị viên đại đội chỉ huy đi về Minh Huy (Tây Nam Xuân Thái).
Tiểu đoàn bộ binh 70: đứng ở Xuân Thăng, phát hiện tàn binh địch chạy lên tụ lại ở điểm cao 51, trung đoàn trưởng ra lệnh cho một đại đội bộ binh vận động lên tiêu diệt, tiểu đoàn trưởng ra lệnh một đại đội bộ binh, đại đội trưởng chỉ cử một trung đội, trung đội trưởng chỉ cử một tiểu đội lên đánh, diệt được một số tên thu được vũ khí. Nhưng địch phát hiện lực lượng ta ít phản kích lại, tiểu đội này quay lui lại vị trí cũ (khả năng lực lượng này khoảng một đại đội).
Trận chiến kết thúc thắng lợi. Kết quả ta đã tiêu diệt: tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 3/ trung đoàn 5 và đại đội biệt kích, đại đội biệt chính Quảng Tín, Ban chỉ huy hành quân (chiến đoàn), đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn, loại khỏi vòng chiến đấu 528 tên, bắt sống 50 tên, thu 160 khẩu súng các loại (kể cả du kích thu) và nhiều quân dụng đạn dược. Bắn rơi 4 trực thăng, bắn bị thương 3 máy bay (L19 và F105D).
Chiến thắng Đồng Dương đã đánh bại cuộc hành quân “Liên kết 118” của địch ngày từ lần đầu xuất hiện. Đây là thắng lợi then chốt trong chiến dịch tiến công Hiệp Đức - Đồng Dương, qua đó thể hiện được sự hợp đồng tác chiến nhanh, gọn và hiệu quả của quân ta trên chiến trường. Trong trận đánh này, nhiều tấm gương tiêu biểu thể hiện lòng yêu nước, tinh thần bất khuất sẵn sàng quên mình vì nghĩa vụ thiêng liêng như: đồng chí Nguyễn Tấn Chung đã dùng súng bắn rơi một máy bay địch, đồng chí Trà Tấn Y (1921) mặc dù nhà ông đã bị giặc đốt đến lần thứ 7 nhưng ông vẫn kiên cường nuôi dấu các cán bộ trong hầm bí mật như: đồng chí Nguyễn Hữu Cả - Chính uỷ Chính trị của tỉnh Đội Quảng Nam, đồng chí Nguyễn Vui - Trinh sát tỉnh Đội, đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Y tá tiểu đoàn D74.
Qua trận đánh quân chận viện của địch xẩy ra trên địa danh làng Đồng Dương xã Bình Định Bắc, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch đến ứng cứu, phá được kế hoạch chi viện của địch, góp phần bảo vệ được địa bàn cánh Tây Thăng Bình vừa giải phóng, không cho địch chiếm trở lại, nhưng về phía ta, cũng có nhiều tổn thất không nhỏ, hàng chục đồng bào cán bộ, chiến sĩ đã phải hy sinh trên mãnh đất này và biết bao tài sản, làng mạc bị sang bằng huỷ diệt, mãi sau này hàng mấy chục năm trôi qua mà địa phương vẫn chưa khôi phục được.
IV. Khảo tả di tích:
Nơi diễn ra trận đánh tại Đồng Dương rất rộng, khoảng 35.000m2, vì nhiều lý do khác nên chính quyền địa phương chỉ khoanh vùng ở diện tích nhỏ là 3.000m2, có chiều rộng là 50m, chiều dài là 60m, phía Đông giáp nhà ông Bửu, phía Tây giáp đất cây hằng năm, phía Nam giáp hành lang quốc lộ 14E, phía Bắc giáp đất cây hằng năm, nay thuộc tổ 7 thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Xung quanh khu di tích chưa có tường rào bảo vệ xung quanh, cây cỏ mọc um tùm, người dân quanh vùng tận dụng trồng keo lá tràm, trồng khoai, trồng sắn...,
V. Loại hình di tích: Di tích lịch sử.
VI. Giá trị lịch sử khoa học của di tích:
Thắng lợi của Trận đánh Đồng Dương xuất phát từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tinh thần đấu tranh kiên cường, dũng cảm, biết vượt qua mọi khó khăn, thử thách của quân và dân.
Người dân Bình Định không những trực tiếp cầm súng tiêu diệt quân thù mà còn tích cực che chở cán bộ, bộ đội, nhiều người bị địch đốt nhà, tra tấn dã man nhưng vẫn kiên cường không hề khai báo bất cứ điều gì ảnh hưởng đến phong trào cách mạng chung, để đạt được những thành quả vẻ vang ấy, người dân Bình Định phải chịu nhiều hy sinh, mất mát.
Đây là trận đánh ghi lại những trang sử vẻ vang, hào hùng cùng truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm bất khuất của người dân Bình Định nói riêng và người dân Thăng Bình nói chung.
VII. Trạng thái bảo quản di tích:
Di tích lịch sử Trận đánh Đồng Dương là nơi xẩy ra trận chiến của ta và địch nên diện tích của khu di tích rất rộng, không làm tường rào bảo vệ xung quanh.
Đất trống nhiều nên nhân dân trong vùng tận dụng trồng ruộng, keo lá tràm và cất nhà để ở.
VIII. Cơ sở pháp lý và phương án bảo vệ:
Trận đánh Đồng Dương diễn ra ở diện rộng, bao quanh rừng và làng Đồng Dương. Do điều kiện, không thể khoanh vùng hết khu vực diễn ra trận đánh, vì vậy, chính quyền xã Bình Định Bắc thống nhất, quyết định khoanh vùng khu di tích là 3.000m2 (nằm trong khuôn viên trận đánh) nhằm mục đích để xây nhà trưng bày hiện vật hoặc dựng tượng đài chiến tích Đồng Dương. Hơn nữa, khu vực được khoanh vùng nằm sát đường quốc lộ 14E nên thuận tiện cho khách du lịch chiêm ngưỡng và tham quan.
Chúng ta mong rằng các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của các bậc cha ông đã từng hy sinh, mất mát trong cuộc đấu tranh vì độc lập giải phóng quê hương. Phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông, những giá trị văn hoá lịch sử, vững bước tiến lên theo con đường của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn nhằm xây dựng Bình Định ngày càng phát triển, giàu mạnh hơn, văn minh hơn trong tương lai không xa.