DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA - ĐỊA ĐIỂM DIỄN RA CUỘC ĐẤU TRANH HÀ LAM - CHỢ ĐƯỢC

Thứ sáu - 09/08/2024 03:47
Tự động phát:
        I. Tên gọi di tích
                    ĐỊA ĐIỂM DIỄN RA CUỘC ĐẤU TRANH HÀ LAM - CHỢ ĐƯỢC
        Tên thường gọi: Đài tưởng niệm Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được
        II. Địa điểm và đường đi đến
        Di tích lịch sử Địa điểm cuộc đấu  tranh Hà Lam - Chợ Được thuộc thôn 3, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
        Từ thị trấn Hà Lam (Trung tâm huyện Thăng Bình), đi về hướng Đông theo tỉnh lộ ĐT 613 khoảng 5km là tới di tích Địa điểm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, đài tưởng niệm Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được xây dựng đối diện UBND xã Bình Triều.
        III. Phân loại di tích
                                         Di tích lịch sử.
download (1)
        IV. Sự kiện lịch sử liên quan tới di tích
        1. Tình hình Quảng
Nam - Đà Nẵng sau Hiệp định Giơnevơ 1954
        Ngày 7/5/1954 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt
Nam. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Hiệp định quy định nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, Quảng Trị) là ranh giới tạm thời. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, miền Nam do địch tạm thời quản lý, hai năm sau chính quyền của hai miền sẽ thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
      Nhưng đế quốc Mỹ âm mưu xâm lược nước ta từ lâu, nhân cơ hội này Mỹ quyết định hất cẳng Pháp trực tiếp xâm lược Việt
Nam. Ngày 16-6-1954, Mỹ ép  Pháp và Bảo Đại buộc thủ tướng bù nhìn Bửu Lộc từ chức và đưa Ngô Đình Diệm lên thay. Ngày 7-7-1954, Mỹ lập ra tổ chức “Hiệp ước Đông Nam Á”, đặt miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia nằm trong sự bảo hộ của Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và là một căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam châu Á, lấy miền Nam làm căn cứ để tiến công miền Bắc, đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở vùng này và uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa khác.
      Bước vào cuộc chiến đấu mới, với vị trí chiến lược trọng yếu của chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, Mỹ - Diệm ra sức xây dựng Đà Nẵng thành căn cứ liên hợp Hải - Lục - Không quân vừa làm lá chắn bảo vệ miền Nam, vừa làm bàn đạp tiến công xâm chiếm miền Bắc. Đà Nẵng còn là nơi tập trung nhiều lực lượng phản động, cấu kết với kẻ thù ra sức đánh phá phong trào cách mạng, gây nhiều nợ máu với nhân dân.
      Quảng Nam – Đà Nẵng, nơi tập trung nhiều lực lượng phản động, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Quốc dân Đảng cấu kết với kẻ thù ra sức đánh phá phong trào cách mạng, gây nhiều nợ máu với nhân dân. Sau tháng 7/1954, chúng chủ trương dựa vào Pháp, thân Mỹ để chống cộng.
Trước ngày Hiệp định Giơnevơ được ký, ta làm chủ một vùng tự do rộng lớn bao gồm các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Trà My, Phước Sơn, Bến Hiên, Bến Giằng và phần lớn các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Gò Nổi (Điện Bàn), nối liền với các tỉnh vùng tự do Liên Khu V, tạo thành hậu phương vững mạnh cho cuộc kháng chiến ở Nam Trung Bộ. Các khu du kích, vùng tranh chấp trong vùng tạm chiếm, ngày càng được củng cố và mở rộng, địch bị dồn vào nội ô Đà Nẵng, Hội An và các thị trấn, quận lỵ, phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh ở vùng sau lưng địch, lực lượng vũ trang chuẩn bị tiến công một số cơ quan đầu não của địch trong thành Phố Đà Nẵng.
      Sau hiệp định Giơnevơ, thế và lực phong trào cách mạng đột ngột thay đổi: từ chỗ ta làm chủ một địa bàn rộng lớn, có cơ sở cách mạng đều khắp các vùng, phải bàn giao lại cho địch, chuyển lực lượng vũ trang đi tập kết; từ đấu tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị; hoạt động công khai phải chuyển vào hoạt động bí mật. Thời gian để chuyển hướng từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sang chống Mỹ hết sức cập rập, ở vùng du kích chi có 15 ngày, vùng tự do là 30 ngày. Một giai đoạn mới với một nhiệm vụ cách mạng hết sức phức tạp chưa có tiền lệ, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng, đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách cực kỳ to lớn.
      Ngày 5/9/1954 Bộ Chính trị họp xác định: Đế quốc Mỹ và tay sai đang mưu tính phá Hiệp định Giơnevơ, cuộc đấu tranh của nhân dân miền
Nam phải chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị. Nhiệm vụ là lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, chống khủng bố, giữ vững quyền lợi quân chúng giành được trong kháng chiến.
      Ngày 27, 28/7/1954, Liên Khu uỷ V tổ chức học tập chủ trương của Trung ương và đề ra các biện pháp thực hiện.
      Đầu tháng 8/1954, Tỉnh uỷ Quảng Nam – Đà Nẵng triệu tập Hội nghị mở rộng tại Chiên Đàn ( nay thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh) gồm cấp uỷ các huyện, thị và cán bộ chủ chốt của tỉnh để quán triệt tình hình của tỉnh, Hội nghị quyết định mở đợt tuyên truyền đường lối của đảng đến cán bộ, nhân dân, làm cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ thắng lợi của Hiệp định Giownevơ và nhiệm vụ giai đoạn mới nhằm tạo ra khối đoàn kết để đối phó với các âm mưu thủ đoạn của địch; sắp sếp lại tổ chức, chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình mới; thi hành Hiệp định chuyển quân tập kết đúng thời gian qui định.
      Về công tác tư tưởng, Tỉnh uỷ tổ chức cho cán bộ, nhân dân học nội dung, hướng dẫn nhân dân dựa vào pháp lý về các điều khoản Hiệp Hiệp định Giơnevơ đấu tranh với địch. Các khẩu hiệu, băng cờ, cổng chào được dựng lên khắp các thôn xóm. Nhiều cuộc mitinh lớn được tổ chức tại Tam Kỳ và các huyện để tuyên truyền thắng lợi cuộc kháng chiến, chào mừng hoà bình.
      Về phía địch: Chúng lập sẵn bộ khung chính quyền và đưa về các quận, đứng đầu các quận đều là bọn Quốc dân Đảng phản động. Dưới quận chúng thành lập các khu, dưới khu là cấp xã, trong thôn lập các tổ liên gia để quản lý chặt chẽ người dân. Địch tổ chức các buổi mitinh, tổ chức nhân dân học tập đề cao Ngô Đình Diệm, nói xấu Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối cách mạng. Chúng lập danh sách và bắt đảng viên ra trình diện.
      Thực hiện chủ trương “ Giết lầm hơn bỏ sót”, tại Quảng
Nam – đà Nẵng, Mỹ - Diệm cấu kết với bọn phản động địa phương mặc sức bắn giết cán bộ và nhân dân. Chúng liên tiếp gây ra các vụ tàn sát hàng loạt tại Hà Lam - Chợ Được (Thăng Bình), Chiên Đàn (Tam Kỳ), Cây Cốc (Tiên Phước)… tiếp đó, chúng truy tìm khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ bằng những hình thức giết người dã man thời trung cổ như: Xẻo tai, khoét mắt, mổ bụng, chôn sống, bỏ bao tải thả sông, thả biển. Chúng gây nhiều vụ giết người trên sông Thu Bồn, Vu Gia, đập Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Khe Tre, động Hà Sống (Đại Lộc) biển Tam Hải, huyện Tam Kỳ (nay thuộc huyện núi Thành)… thủ tiêu, chôn sống hàng trăm người tại trường học Phước Đức (Quế Sơn), chôn sống 21 người ở Tất Viên (Thăng Bình), 31 người ở lò vôi Xuyên Trà (Duy Xuyên), chôn sống hàng chục cán bộ tại Cồn Ba Cây, xã Điện Nam, bãi cát Tư Phú, Điện Hồng (Điện Bàn) chôn sống hơn 150 người Giếng Lạng (Tam Kỳ). Tính đến ngày 11/4/1954 chưa đầy 3 tháng tiếp quản, bọn Mỹ - Diệm đã bắt tra tấn, giết hại  trên 300 cán bộ trong tỉnh.
        Từ ngày 01 tháng 9 năm 1954, tiểu đoàn Liên hiệp Pháp đến tiếp quản Thăng Bình, đưa quân đóng ở thị trấn Hà Lam, Chợ Được, Kế Xuyên…tại đây, quân đội liên hiệp Pháp đã có nhiều hành động dã man với đồng bào nơi chúng đóng quân.
download
        2. Diễn biến Cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được
        Ngày 4/9/1954, tên Trần Hải - Đại đội trưởng Đại đội 4, tiểu đoàn 611 đóng tại Chợ Được đã dẫn một trung đội lính đi chặt cây dương liễu sửa cầu  Bàu Bàng, trên đường 106 (nay đường ĐT 613), để thông tuyến đường về Thị Trấn Hà Lam, quận lỵ Thăng Bình. Tại Bàu Bàng, bọn lính Đại đội 4 ngang nhiên chặt cây của nhân dân mà không cần sự đồng ý của họ.
        Người dân địa phương được tin đã kéo đến và đòi chúng bồi thường thiệt hại. Nhân dân quanh vùng kéo đến mỗi lúc một đông, cùng nhau hiệp lực đấu tranh, trước khí thế đấu tranh hừng hực của nhân dân, quân địch không những không bồi thường thiệt hại cho người dân, mà chúng còn nổ súng và ném lựu đạn vào đám đông, làm chết và bị thương một số người.
        Nghe tiếng súng nổ, chi bộ Đảng ở Ngọc Sơn, Tất Viên… kịp thời phát động quần chúng kéo đến hỗ trợ cuộc đấu tranh của nhân dân, ngay sau đó, những người chết và bị thương đã được nhân dân khiêng để theo hàng và phủ cờ đỏ sao vàng lên người, tố cáo tội ác của địch. Lúc này quần chúng Chợ Được kéo lên hòa vào cùng biểu tình, đoàn người dài đến hàng trăm mét, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Đả đảo bọn giết người”,“ Nợ máu phải trả bằng máu”, “Yêu cầu thực hiện hiệp định Giơnevơ”. Cuộc đấu tranh lúc đầu mang tính tự phát, sau đó trở thành cuộc đấu tranh chính trị do Đảng lãnh đạo.
        Cuộc đấu tranh tại Chợ Được đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhân dân từ các xã, huyện lân cận như Tam Kỳ, Quế Sơn, Tiên Phước…kể cả một số bà con người Quảng Ngãi đi buôn bán ngoài Quảng Nam đã kéo tới hợp sức đấu tranh ngày càng đông, họ đồng thanh hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo bọn giết người; bồi thường cho người bị giết hại…”. Hết đợt này đến đợt khác, lúc đông nhất có tới 5.000 người tham gia.
        Lúc này, Huyện uỷ Thăng Bình đang tổ chức một cuộc họp tại nhà ông Vương Thâm (ấp Bắc, xã Bình Đào) gần đó bàn về việc cử người đi tập kết và những người ở lại làm cơ sở cho cách mạng. Nắm bắt được tình hình, đồng chí Phan Tốn, Phó bí thư Tỉnh uỷ đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh, hướng cuộc đấu tranh đi đúng hướng, tránh để bị địch khiêu khích, lấy cớ để đàn áp nhân dân ta. Về phía nhân dân, vì quá phẩn nộ về tội ác dã man của địch, nhân dân các xã Thăng Triều, Thăng Phước, Việt An, Đo Đo (Bình Chánh)… Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ lần lượt kéo đến, lợi dụng cô lập từng tên lính, vừa tranh thủ vận động binh lính ủng hộ cuộc đấu tranh, nhiều người đã tước vũ khí, bỏ cát vào nòng súng chất thành đống, cắt dây điện thoại liên lạc của địch.
         Bọn địch cho máy bay ném lựu đạn vào đám đông quần chúng nhân dân đang đấu tranh, đồng thời rãi truyền đơn hăm dọa, bắt nhân dân giải tán. Quân địch đóng ở Hà Lam được lệnh của tên Quận trưởng kéo xuống Chợ Được giải tỏa cho đơn vị đồn trú tại đây. Nhưng chưa đến nơi, chúng đã bị nhân dân bao vây đấu tranh, buộc chúng phải quay về.
        Ngày 5/9/1954, nhân dân vẫn tiếp tục đòi chỉ huy đồn bồi thường nhân mạng, cứu chữa người bị thương. Nhân dân tranh thủ vận động từng người lính, dùng lẽ phải để làm cho chúng nhận thấy được sai lầm tội lỗi và đồng tình với nhân dân trong cuộc đấu tranh. Một số binh lính đã tìm cách bỏ trốn về quê hương, gia đình. Sau nhiều lần đại diện nhân dân đấu tranh với chỉ huy đồn, hai bên đã đồng thuận lập kiến nghị lên Uỷ ban Quốc tế, Tổ liên hợp đình chiến trên địa bàn Quảng Nam tại Dốc Sỏi (Núi Thành), quân địch đã cùng với bốn đại diện của quần chúng nhân dân đến Dốc Sỏi yêu cầu cơ quan có trách nhiệm đến hiện trường để giải quyết.
        Ngày 6/9/1954, ta tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh buộc bọn chỉ huy đồn phải chuyển 23 đồng bào bị thương đến bệnh viện Hội An cứu chữa và khâm liệm, an táng người đã chết ở phía Tây Chợ Được. Ta vận động bọn chỉ huy và binh lính quân đội Liên Hiệp Pháp ở Chợ Được làm bản kiến nghị và tố cáo tội ác của chúng. Các cơ sở cách mạng ở Tất Viên, Hà Lam đã tổ chức đưa người đi đường tắt về an toàn. Đến chiều 6/9/1954 chỉ còn lại một số  thân nhân người chết và số ít quân đội Pháp đang đóng trong đồn. Cuộc đấu tranh kéo dài 3 ngày, địch đã nhượng bộ trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của nhân dân ta. Những người chết được chôn cất, những người bị thương được cứu chữa.
        Trong cuộc đấu tranh này 43 người dân vô tội đã bị địch giết hại, 23 người khác bị thương. Sau vụ thảm sát Hà Lam - Chợ Được, địch tổ chức đàn áp bắt bớ cán bộ, thực hiện tố cộng. Nhưng nhân dân vẫn đấu tranh quyết liệt, lên án hành động khủng bố của chúng, giữ vững cơ sở cách mạng, tiếp tục đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

        V. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan tới di tích
        Di tích lịch sử Địa điểm cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ được tại xã Bình Triều, huyện Thăng Bình là di tích lịch sử cách mạng , do vậy tại di tích không có các hoạt động văn hoá tín ngưỡng.
        VI. Khảo tả di tích
        Hiện nay, tại địa điểm diễn ra Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng Đài tưởng niệm di tích.
        Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được xây dựng trên một khuôn viên rộng, đã được xây dựng tường rào xung quanh, diện tích bên trong tường rào là 7739.4 m2. Tượng đài xây dựng với một hình khối cao khoảng 5m, thể hiện hình hình khối 3 người đứng tựa lưng vào nhau (Một cụ già cầm chắc cây gậy trên tay; một cô gái đang cầm nón lá và một thanh niên đang bồng một em bé bất động trên tay), phía sau tượng đài là hai bức phù điêu mô tả về sự kiện Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được.
        Nổi bật trên đài tưởng niệm là dòng chữ: TỔ QUỐC GHI CÔNG, phía trước tượng đài là một tấm bia bằng đá hoa cương màu trắng, viền xanh ngọc khắc chìm chữ màu đỏ ghi nội dung về Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được.
      VII. Sơ đồ bố trí di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích
Di tích lịch sử Địa điểm cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ được tại xã Bình Triều, huyện Thăng Bình là di tích lịch sử cách mạng , do vậy tại di tích không có di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia.
        VIII. Giá trị khoa học lịch sử của di tích
Cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được diễn ra từ ngày 4/9 – 6/9/1954, là  cuộc đấu tranh trực diện đầu tiên của nhân dân Quảng
Nam với bọn địch sau Hiêp định Giơnevơ 1954, đây là lần đọ sức đầu tiên của nhân dân ta chống lại chế độ độc tài Mỹ - Diệm.
        Trong cuộc đấu tranh này, 43 người dân vô tội đã bị địch giết hại, 23 người khác bị thương. Sau vụ thảm sát Hà Lam - Chợ Được, địch tổ chức đàn áp bắt bớ cán bộ và quần chúng cách mạng, thực hiện tố cộng hết sức dã man. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân vẫn đấu tranh quyết liệt, lên án hành động khủng bố của chúng, giữ vững cơ sở cách mạng, tiếp tục đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.
        Thắng lợi của cuộc đấu tranh này đã tạo tiền đề cho cao trào đấu tranh chống ách thống trị của Mỹ Diệm trên toàn miền
Nam, buộc chúng phải chấp hành Hiệp định Giơnevơ.
download (2)
        Đặc biệt, Cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được đã đánh dấu một bước ngoặt của phong trào cách mạng Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng và phong trào cách mạng miền Nam nói chung, chuyển từ đấu tranh chính trị bất bất bạo động lên đấu tranh bạo động trong tình hình mới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai