Thứ năm, 25/04/2024, 20:25|
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) ................................... CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM CUỘC ĐẤU TRANH HÀ LAM - CHỢ ĐƯỢC (04/9/1954 - 04/9/2024)

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 10/2018

Thứ hai - 08/10/2018 22:47
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 62 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LHTN VIỆT NAM (15/10/1956 -15/10/2018)
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH
HỒ CHÍ MINH
Nhớ những lời dạy của Bác Hồ dành cho thanh niên

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn dành những tình cảm tốt đẹp cũng như thời gian, công sức, trí tuệ của mình để giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Bởi theo Người thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, xung kích trên các mặt trận, góp phần xây dựng hoà bình. Bác rất tin tưởng ở thanh niên - lực lượng hậu bị của Đảng và là lực lượng cách mạng cho đời sau.
Ngay từ thời trẻ, Người đã ý thức được vai trò của thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là vô cùng to lớn. Như tình cảm của một người cha đối với con, Bác Hồ hiểu rõ những ưu, nhược điểm của thanh niên nước ta. Bác luôn căn dặn thanh niên: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”. Bác luôn nhấn mạnh đến việc học tập, vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các thế hệ thanh niên có thể vươn mình ra biển lớn, lấy sức trẻ làm giàu cho Tổ quốc, quê hương.
Có thể khẳng định rằng, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc.
Nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956- 15/10/2018). Nhân dịp này, xin được trích dẫn những lời dạy mà lúc sinh thời Bác đã dành cho các thế hệ thanh niên Việt Nam để thấy được những tình cảm sâu sắc, sự quan tâm bồi dưỡng những thế hệ thanh niên của Bác kính yêu.
 Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.
(Thư gửi Thanh niên An Nam, 1925)
“… ngày nay chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nhà nước trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
(Thư gửi các em học sinh nhân Ngày khai trường đầu tiên
 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945).

“Hỡi anh chị em thanh niên Nam Bộ!
Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh đến nửa số dân tộc, ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng”.
(“Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ”, ngày 30/10/1945)
“... Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội.
Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”.
Đời sống mới là:
- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
- Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
- Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa”
 (Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến,
1 - 1946, Sđd, tập 4, trang 167.)

“… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.
 (“Thư gửi các bạn thanh niên”, ngày 12/8/1947)
            “Không có việc gì khó
             Chỉ sợ lòng không bền
             Đào núi và lấp biển
             Quyết chí ắt làm nên”.
(Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312
 làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951)

“Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là: Phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bác mong mỗi cháu và toàn thể các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy”.
(Thư gửi thanh niên, tháng 4/1951, Hồ Chí Minh toàn tập)
 “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Ðội TNXP để bảo đảm thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này. Nhiệm vụ của Ðội TNXP là xung phong mọi việc bất kỳ việc khó, việc dễ và phục vụ đến ngày kháng chiến thành công. Ðó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên”.
(“Ðội Thanh niên xung phong” đăng trên báo Nhân Dân số 147, 1953)
 “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”
(Bài nói chuyện với sinh viên và thanh niên trong 
Lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/11/1955)

 “Tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân – tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn”
(“Nhiệm vụ của thanh niên ta”, báo Nhân dân ngày 20/12/1955)
“Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:
- Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.
- Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.
- Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.”
(Bài nói chuyện tại Đại hội Thanh niên tích
 cực lao động xã hội chủ nghĩa, ngày 17/3/960)

 “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công – nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”.
(Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III 
của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961)

 “Bác rất yêu quý thanh niên:
- Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng.
- Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc”.
(Bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai
 của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, ngày 20/12/1961)

 “Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên, gặp gian khổ phải đi lên phía trước, khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người”.
(Bài phát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn miền Bắc, tháng 9/1962)
 Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên… Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt.
Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.
Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm", "gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người".
Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ”
(Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên 
Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, ngày 22/9/1962)

 “Bác muốn dặn thêm các cháu mấy điều:
- Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
 - Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.
- Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.
- Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.
- Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”.
(Thư gửi thanh niên Ngày 2/9/1965, Báo
 “Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng. Và, giặc Mỹ đã thua to ở hai miền nước ta, chúng đang thất bại ngày càng nặng nề hơn ở miền Nam, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Vì vậy, Bác nhắc nhở các cháu: Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”.
(Thư khen ngợi đơn vị TNXP 333 có nhiều thành 
tích xuất sắc trên các tuyến đường Khu Bốn ác liệt, ngày 27/1/1969)

  “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.
(Di Chúc của Người)
Trích: http://www.bqllang.gov.vn/

THEO DÒNG LỊCH SỬ
Những ngày đáng nhớ trong tháng 10

- 01/10/1991: Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi.
- 10/10/1954: Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ Đô.
- 13/10/1945: Kỷ niệm Ngày thành lập doanh nhân Việt Nam.
- 14/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội nông dân Việt Nam.
- 15/10/1956: Kỷ niệm Ngày thành lập hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
- 15/10/1930: Kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.
- 20/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
01/10/1991: Ngày Quốc tế Người cao tuổi
Ý thức được tầm quan trọng của người cao tuổi, năm 1982 lần đầu tiên Liên Hiệp quốc đã tiến hành Đại hội thế giới về tuổi già tại Áo, hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê, viện trưởng viện lão khoa Việt Nam. Hội nghị đã thông qua chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già và khuyến nghị chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực: 
* Sức khoẻ và ăn uống
* Nhà ở và môi trường.
* Gia đình.
* Dịch vụ và bảo trợ xã hội.
* Việc làm.
* Nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi.
Đến năm 1990, tức 8 năm sau Đại hội thế giới ở Áo, để tập trung sự chú ý của thế giới về vấn đề người cao tuổi, đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định lấy ngày 1/10 hàng năm làm ngày quốc tế người cao tuổi, bắt đầu từ 01/10/1991.

15/10/1956: Kỷ niệm Ngày thành lập hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, phấn đấu trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của thanh niên.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị hình thành mặt trận đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên lấy tên là Đoàn thanh niên Việt Nam. Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - một tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
I. KHÁI QUÁT
1. Giới thiệu chung
- Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hội LHTN Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. 
- Hội LHTN Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 
- Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Hội LHTN Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang: đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên đóng góp xứng đáng cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
- Bước vào thời kỳ mới, Hội LHTN Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tài năng và sức trẻ của thanh niên, đoàn kết mọi thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của tuổi trẻ.
- Hội LHTN Việt Nam đoàn kết, hợp tác với thanh niên, các tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
2. Tôn chỉ, mục đích của Hội
Hội LHTN Việt Nam có mục đích: Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
3. Chức năng của Hội LHTN Việt Nam
- Tập hợp, đoàn kết, giáo dục mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam. Hướng dẫn và tạo điều kiện để hội viên hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt, cống hiến tài năng sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên và tổ chức thành niên trước pháp luật và công luận.
4. Nhiệm vụ của Hội LHTN Việt Nam
- Đoàn kết, tập hợp các lực lượng thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cống hiến tài năng, sức trẻ cho mục tiêu chung, khuyến khích hội viên và thanh niên tham gia tích cực vào hoạt động ích nước, lợi nhà, hướng thiện.
- Tổ chức các hoạt động thiết thực, góp phần giải quyết và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của hội viên, thanh niên.
- Kêu gọi và kiến nghị kịp thời với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội cùng chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và các tổ chức thành viên.
- Đoàn kết hợp tác với tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội vì cuộc sống văn minh, hạnh phúc của tuổi trẻ.
- Thường xuyên chăm lo xây dựng Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, tích cực tham gia xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
5. Cơ cấu tổ chức của Hội LHTN Việt Nam
a. Hệ thống Ủy ban Hội các cấp:
- Hội LHTN Việt Nam được thành lập:
+ Cấp Trung ương.
+ Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương
+ Cấp quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
+ Cấp xã, phường, thị trấn và tương đương.
Hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố đã có Ủy ban Hội và Hội LHTN Việt Nam Tập Đoàn Sông Đà trực thuộc Trung ương Hội LHTN Việt Nam và có mạng lưới chi Hội, Câu lạc bộ, Tổ, Đội, Nhóm thanh niên ở cơ sở.
b. Các tổ chức thành viên tập thể của Hội LHTN Việt Nam:
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
- Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam
- Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam
- Ban vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam
- Ban vận động thành lập Hội Công nghệ và Tin học trẻ Việt Nam
- Ban vận động thành lập Hội Xây dựng trẻ Việt Nam
- Ban vận động thành lập Hội Tài chính Ngân hàng trẻ Việt Nam
c. Các đơn vị trực thuộc Hội LHTN Việt Nam:
- Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên
- Trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân và gia đình
- Trung tâm giáo dục vị thành niên
- Trung tâm Dạy nghề thanh niên
- Báo thanh niên
- Hãng phim thanh niên
- Cổng tri thức Thánh Gióng (www.thanhgiong.vn)
PHẦN II: CÁC MỐC SON LỊCH SỬ
Các kỳ Đại hội và Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trong các nhiệm kỳ
* Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - là tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946 Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
* Tháng 02/1950, Liên đoàn thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại căn cứ địa Việt Bắc trong khói lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên với vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh (nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.
* Ngày 08/10/1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban vận động mặt trận thống nhất thanh niên tổ chức Đại hội tại Nhà hát lớn – Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam với tên gọi chung là Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam. Huấn thị tại Đại hội, Bác Hồ căn dặn: “Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, để mình làm chủ mai sau”. Bác sỹ - Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch được bầu làm Chủ tịch Hội.
* Tháng 12/1961, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Giáo sư Phạm Huy Thông được bầu làm Chủ tịch.
* Ngày 08/12/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 400 đại biểu chính thức. Đại hội đã thông qua Điều lệ mới, hiệp thương chọn cử anh Hồ Đức Việt, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội và quyết định lấy ngày 15/10/1956 là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam.
* Từ ngày 13-15/01/2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 599 đại biểu. Đại hội hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam. 
- Tháng 02/2003, anh Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay chị Trương Thị Mai nhận nhiệm vụ mới.
- Ngày 25-27/02/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với 798 đại biểu. Bí thư Trung ương Đoàn Nông Quốc Tuấn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam. 
- Tháng 02/2008, anh Võ Văn Thưởng, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã được bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay anh Nông Quốc Tuấn nhận nhiệm vụ mới.
Đại hội VI diễn ra trong 02 ngày 26-27/4/2010 tại Hà Nội với 995 đại biểu. Anh Nguyễn Phước Lộc, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam khóa V được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI.
- Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 7, khóa VI, anh Phan Văn Mãi, Bí thư thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI thay anh Nguyễn Phước Lộc được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.
- Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 10, khóa VI, anh Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI thay anh Phan Văn Mãi được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.
* Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 12 năm 2014 tại Thủ đô Hà Nội với 800 đại biểu chính thức là những cán bộ Hội, hội viên xuất sắc và cá nhân tiêu biểu trong và ngoài nước, đại diện cho khối đại đoàn kết các tầng lớp thanh niên của 54 dân tộc Việt Nam. Đại hội đã hiệp thương chọn cử anh Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VI được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2014 – 2019.
PHẦN III: CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
a. Hoạt động của Hội LHTN Việt Nam hiện nay
Mục tiêu: Xây dựng Hội LHTN Việt Nam vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên, cổ vũ thanh niên xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, lập thân, lập nghiệp; phát huy tài năng và sức trẻ của thanh niên trong hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Các cuộc vận động của Hội
- Cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp - sống có ích” .
- Cuộc vận động “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”.
- Cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”.
Các chương trình của Hội:
- Chương trình 1: “Khi Tổ quốc cần”.
- Chương trình 2: Xây dựng, phát triển tổ chức Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Nguồn: thanhgiong.vn
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn tháng 10/2018, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên, thanh niên, các tổ chức Đoàn về thông tin chuyển thuê bao 11 số sang 10 số theo Quyết định 798/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về Kế hoạch chuyển đổi mã mạng của các thuê bao di động mặt đất từ 11 chữ số sang 10 chữ số đang sử dụng tại 21 mã mạng của 05 nhà mạng, cụ thể như sau:
- Đối với MobiFone: Mã mạng cũ (120, 121, 122, 126, 128) chuyển thành mã mạng mới (70, 79, 77, 76, 78);
- Đối với VinaPhone: Mã mạng cũ (123, 124, 125, 127, 129) chuyển thành mã mạng mới (83, 84, 85, 81, 82);
- Đối với Viettel: Mã mạng cũ (162, 163, 164, 165, 166, 167, 168, 169) chuyển thành mã mạng mới (32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39);
- Đối với Vietnamobile: Mã mạng cũ (186, 188) chuyển thành mã mạng mới (56, 58);
 Đối với Gmobile: Mã mạng cũ (199) chuyển thành mã mạng mới (59).
Để giảm thiểu tối đa việc mất liên lạc có thể xảy ra khi thực hiện, việc chuyển đổi sẽ tiến hành:
- Quay số song song trong thời gian 60 ngày kể từ thời điểm bắt đầu chuyển đổi;
- Duy trì âm thông báo trong thời gian tối thiểu 90 ngày, kể từ thời điểm kết thúc việc quay số song song;
- Kết thúc duy trì âm thông báo: cuộc gọi chỉ thực hiện thành công khi quay số theo mã mạng mới.
Thời gian bắt đầu thực hiện chuyển đổi vào 00 giờ 00 phút ngày 15/9/2018 và kết thúc âm thông báo vào 23 giờ 59 phút ngày 30/6/2019.

Nguồn: thuvienphapluat.vn

 
GƯƠNG THANH NIÊN LÀM KINH TẾ GIỎI

Tây ninh: Chàng trai 9X khởi nghiệp với cây thanh long ruột đỏ

Năng động, dám nghĩ, dám làm, chàng trai 9X Vương Tuấn Kiệt (ấp 3, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đã cùng gia đình khởi nghiệp vươn lên từ mảnh Vườn Thanh long ruột đỏ rộng hơn 01 hecta ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu đã và đang giúp gia đình anh từng ngày khá lên với thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm.
Xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vì thế nên cuộc sống gia đình Vương Tuấn Kiệt cũng chỉ bình thường như bao gia đình nông dân khác. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng niềm đam mê khởi nghiệp, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất, quê hương của mình, chàng trai 26 tuổi gốc Tây Ninh đã quyết tâm cùng gia đình phát triển nghề nông truyền thống.
Ban đầu, diện tích đất hơn 01 hecta của gia đình Tuấn Kiệt tập trung canh tác cây sầu riêng. Tuy nhiên, sầu riêng có năng suất và thu nhập không cao do phải tốn nhiều công và chi phí chăm sóc, thu hoạch mỗi năm chỉ được 1 lần, hiệu quả làm lợi không cao. Trăn trở tìm một hướng đi mới để giúp bản thân và gia đình nâng cao kinh tế, Tuấn Kiệt không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Sau thời gian nghiên cứu tìm hiểu kỹ lưỡng về giống cây trồng, anh Kiệt quyết định chuyển đổi toàn bộ phần đất đang canh tác trồng sầu riêng sang trồng giống Thanh Long ruột đỏ.
Theo Tuấn Kiệt, cây Thanh Long chủ yếu là bón phân chuồng với thời gian bón phân khoảng  06 tháng/ lần. Điểm lợi nhất khi trồng thanh long là có thể mỗi tháng 01 lần và thu hoạch quanh năm. Mặc khác, Thanh Long muốn thu hoạch trái mùa thì chỉ cần thắp đèn để thúc cho cây ra hoa trái vụ. Tuy tốn kém thêm chi phí tiêu thụ điện nhưng bù lại hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn, thanh long trái mùa giá thành tại một số thời điểm lên đến 50.000 đồng/kg.
Vườn Thanh Long được trồng trên trụ bê tông cao khoảng 1,5m, mỗi cây cách nhau tầm 2,5m. Khi trồng, mỗi năm bón phân 2 đợt. Thanh long được trồng trên mô đất để tránh bị ngập úng. Phía dưới xung quanh gốc, anh thường xuyên làm sạch cỏ để tránh cỏ dại mọc tràn lan và tranh ăn phân bón dành cho cây.
Ngoài ra, phải thường xuyên tỉa cành và tạo tán. Khởi đầu trồng thanh long, do vốn cao nên Tuấn Kiệt cùng gia đình chỉ trồng 50 gốc Thanh Long. Sau khi cây đã phát triển tốt, gia đình anh tận dụng nguồn giống này trồng ra được 100 gốc, sau đó tăng dần lên 200, 400, 700 gốc và hiện tại là 1.200 gốc.
 “Thanh Long vụ thu hoạch đầu mùa chỉ được khoảng 3-5 kg/gốc. Từ 02 năm trở lên, mỗi gốc có thể cho từ 8-10 kg.  Đặc biệt, người trồng Thanh Long phải chú ý chiết trái để trái đủ độ lớn, căng tròn, đồng đều đạt chuẩn xuất khẩu (từ 0.8 – 1,2 kg/trái). Trong đó, mỗi nhánh phải xử lý cho ra hoa 01 trái.” – Tuấn Kiệt cho biết.
Với 1.200 gốc Thanh Long đã đi vào thu hoạch từ hơn 03 năm nay, trung bình mỗi đợt sẽ thu hoạch được 5 tấn trái. Sản phẩmThanh Long ruột đỏ của chàng trai Tây Ninh 9x được tập kết về những vựa lớn tại tỉnh Long An phân loại để xuất khẩu sang thị trường các nước. Với sản lượng tiêu thụ lớn đã giúp Tuấn Kiệt thu về lợi nhuận bình quân hơn 01 tỷ đồng/năm, sau khi trừ các chi phí sản xuất thì được lãi gần 600 triệu đồng.
Hiện nay, anh Kiệt đang là tổ trưởng tổ hợp tác Thanh Long với 05 thành viên đều là những đoàn viên thanh niên ở địa phương. Trong đó, anh Kiệt trực tiếp trồng và quản lý thêm 0,3 hecta với gần 500 gốc Thanh Long ruột tím hồng của các thành viên hợp tác. Hiện vườn Thanh Long ruột tím hồng đã cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Tính riêng nguồn thu nhập ở vườn này là 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhờ tổ hợp tác này, Kiệt đã tạo việc làm ổn định, cải thiện kinh tế cho gia đình mình cùng các thanh niên trong tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, anh Tuấn Kiệt luôn quan tâm và luôn sẵn sàng hưởng ứng, đóng góp, ủng hộ và nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào do tổ chức Đoàn, Hội tại địa phương phát động. Từ những thành tích và kết quả đạt được,Vương Tuấn Kiệt đã nhận được nhiều bằng khen từ UNBD tỉnh, Tỉnh Đoàn và Hội LHTN Việt Nam tỉnh Tây Ninh là một trong 02 gương cá nhân tiêu biểu được Tỉnh đoàn Tây Ninh giới thiệu và đề nghị xét tặng giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIII, năm 2018.
Trích: http://doanthanhnien.vn/
CÂU CHUYỆN ĐẸP
 
11 năm bán vé số nuôi giấc mo học Đại học
 
“Em muốn học Đại học để kiếm được một cái nghề”; “Em muốn giúp bà ngoại và mẹ có một ngôi nhà từ tế để ở”; và em muốn… đó là những ước muốn của cậu tân sinh viên nghèo Mai Văn Thiên, ngụ tại số nhà 203/17 đường 2/4, TP.Nha Trang (Khánh Hòa).
“Con sẽ không bỏ cuộc…”
Chúng tôi tìm đến nhà em Thiên vào những ngày trung tuần của tháng 9. Lô A3, là mã nhà thuê nơi cậu tân sinh viên nghèo đang sống 11 năm qua. Trong căn nhà chật hẹp chỉ với 18m2, Thiên ở cùng bà ngoại 72 tuổi, và người mẹ bị câm, điếc…
Sinh ra trong một gia đình kém may mắn. Từ nhỏ, em đã không biết cha mình là ai. Trải qua những năm tháng tuổi thơ vất vả, Thiên chia sẻ, vì gia đình khó khăn nên em học thua các bạn cùng trang lứa một năm. 7 tuổi em mới bắt đầu đi học lớp 1.
“Khi em lên 6 tuổi phần vì gia đình không có tiền để em đóng học phí; phần vì thời điểm đó ngoại vừa thuê nhà ở Nha Trang chưa thể làm hộ khẩu kịp nên em phải nghỉ học một năm. 7 tuổi em mới vào học lớp 1” – em Thiên chia sẻ.
Thương ngoại lớn tuổi, lại mang trong mình nhiều bệnh tật không thể ra ngoài làm việc. Mẹ thì mặc dù vẫn hằng ngày đi bán vé số nhưng lại mất khả năng nghe và nói nên hầu hết tiền mẹ kiếm chỉ đủ cho mẹ sinh hoạt. Nhiều lần chán nản, buồn rầu, Thiên đã suy nghĩ: “Nếu mình học tiếp thì ngoại và mẹ lấy tiền đâu? Hay là mình nghỉ học ở nhà phụ giúp?” Nhưng mỗi khi nghĩ đến những dặn dò của ngoại, hình ảnh của người mẹ và cùng những ký ức về tuổi thơ không cha, em lại tự nhủ phải cố phấn đấu học tập.
Vừa loay hoay góc bếp làm việc nhà, bà ngoại Thiên tâm sự: “Nó sinh ra đã không có cha rồi! Mẹ nó thì lại bị câm, điếc. Tôi sống với hai mẹ con nó 11 năm qua… Thương lắm nhưng rồi cũng chẳng biết nói sao cho thành lời”.
“Năm nó lớp 9 lên lớp 10, tôi và mấy người trong xóm bảo nó nghỉ học đi. Kiếm cái nghề nào đó mà làm, chứ học nữa lấy tiền đâu ra mà học. Ấy mà nó không chịu bỏ học, nó bảo con sẽ tự kiếm tiền để đi học tiếp. Giờ thì nó cũng đậu Đại học rồi…” – ngồi vo gạo, ngoại Thiên vừa gạt dòng nước mắt nghẹn nói.
Vé số “chìa khóa” gõ cửa Đại học
Vé số đã “nâng bước” Thiên trong suốt 11 năm qua. Ngoài những buổi học chính trên lớp, Thiên đi bán vé số. Dù nắng hay mưa, em vẫn đi bộ vài chục cây số để bán. Mỗi ngày Thiên bán được khoảng 60-70 ngàn đồng, 50 ngàn em đưa về cho ngoại để ngoại lo tiền cơm nước và sinh hoạt trong gia đình. Số tiền còn lại em giữ tích góp để mua những vật dụng học tập.
Những tháng hè trong khi bạn bè nghỉ ngơi vui chơi thì hàng ngày cứ đúng 6 giờ sáng, Thiên đi lấy vé số bán đến 16-17g về. Và 11 năm qua, cậu bé sống tại khu ổ chuột vẫn đều đặn bán vé số nuôi ước mơ được bước vào giảng đường Đại học.
Hành trình bán vé số 11 năm, 11 năm sống trọ, 11 năm không cha và 11 năm Thiên chỉ có ngoại là người bà, người bạn cùng Thiên chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống… Thế nhưng, bên trong vóc dáng gầy nhom của cậu bé này là cả một nghị lực, em chấp nhận hoàn cảnh và lấy đó làm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. “Em sống vậy quen rồi, bán vé số bình thường mà!” – Thiên nở nụ cười và trả lời khi chúng tôi hỏi về cuộc sống suốt 11 năm bán vé số có khó khăn không?!
Ngoại Thiên tâm sự, ngày chuẩn bị thi đại học, ban ngày Thiên vẫn đi vé số, tối học đến 01g sáng. “Có hôm mệt, nó mệt ngủ thiếp đi khi nào không biết, lúc thức dậy đã gần 04g, nó lại học tiếp đến sáng 6g rồi đi lấy vé số bán. Đến cận ngày thi 1 tuần nó mới chịu nghỉ bán vì tôi can ngăn dữ lắm khi thấy nó gầy nhom, người như không còn sức lực” – ngoại Thiên nhớ lại.
“Ngoại ơi… con đậu Đại học rồi!”
Bằng sự nỗ lực chính bản thân, không chịu đầu hàng trước số phận, cuối cùng ước mơ được đặt chân vào giảng đường đại học của cậu học trò nghèo cũng trở thành sự thật. Kỳ thi đại học năm nay, Thiên đã đỗ vào khoa Kỹ thuật Nhiệt, trường Đại học Nha Trang với tổng số điểm 17,25. Nhận được tin báo đậu Đại học, Thiên đã chạy ngay về nhà khoe với ngoại: “Ngoại ơi… con đậu Đại học rồi!”.
Ngoại Thiên vỡ òa trong hạnh phúc vì cứ nghĩ em ngày ngày đi bán vé số thì có thời gian đâu mà học bài tốt. Dù đậu với điểm không cao nhưng ước mơ của em đã đi được một nửa chặng đường. Số tiền học phí đầu năm, Thiên nhờ ngoại đi vay mượn để đóng và em đi làm trả hàng tháng. “Nghe tin nó đậu, tôi vừa mừng vừa lo vì tiền đâu ra mà đóng học phí cho nó bây giờ… Số tiền đầu năm học vào tôi phải vay mượn của dì nó bán vé số ở Đà Lạt, nhờ dì nó vay góp và Thiên nó nói hàng tháng nó sẽ đi làm và trả dần” – ngoại Thiên nghẹn ngào kể.
Chia sẻ với khó khăn của cậu học trò nghèo giàu nghị lực, mới đây Báo Tuổi trẻ đã trao tặng Thiên 01 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” cùng với 70 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Ngưỡng cửa Đại học đã đón Thiên, nhưng nỗi lo vẫn còn đó vì gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. “Từ nay, em không có thời gian đi bán vé số nhưng sẽ cố gắng đi làm thêm nhiều việc khác để có tiền trang trải học phí, phụ giúp mẹ và ngoại”, Thiên tâm sự.
Trích: http://doanthanhnien.vn/

BÀI HÁT THANH NIÊN
Hành khúc tuổi trẻ
                                        Sáng tác: Tôn Thất Thành

Lửa hồng rực cháy trong lòng ta
Tình yêu đất nước bao la
Vì Tổ quốc mến yêu
Vì cuộc sống thiết tha
Này bạn ơi đứng lên nắm tay bên nhau nào cùng hát
Lời ca chiến đấu cho tự do
Ngày mai Tổ quốc ta đẹp hơn
Tuổi trẻ ơi đứng lên
Cùng đoàn kết đấu tranh
Cờ hồng đã phất phới tung bay hiên ngang cả phương trời
Tổ quốc đang mong chờ
Là thanh niên lên đường
Cả tuổi xuân thanh niên xung phong
Cuộc sống đang dâng trào
Mùa xuân xây cho đời Cả Tổ quốc đẹp tươi...


 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai