Thứ tư, 24/04/2024, 22:27|
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) ................................... CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM CUỘC ĐẤU TRANH HÀ LAM - CHỢ ĐƯỢC (04/9/1954 - 04/9/2024)

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 8/2019

Thứ ba - 30/07/2019 02:56
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8/1945 – 19/8/2019)
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH
HỒ CHÍ MINH
CHUYÊN ĐỀ
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH 
Phần thứ nhất
TƯ TƯỞNG VÀ TẤM GƯƠNG MẪU MỰC HỒ CHÍ MINH VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất đã cống hiến trọn đời cho độc lập dân tộc, cho tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại.
Hơn nửa thế kỷ hoạt động lý luận và thực tiễn rất phong phú, Người để lại tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi soi đường chúng ta phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó chính là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong kho tàng ấy, những luận điểm của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa có giá trị khoa học, vừa có giá trị thực tiễn và nhân văn sâu sắc, thể hiện phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người, phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những phẩm chất cơ bản trong hệ thống quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính Người là tấm gương mẫu mực về thực hành những chuẩn mực đạo đức đó. Trong bối cảnh hiện nay, nhận thức sâu sắc để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với thanh niên trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang trở thành một trong những yêu cầu bức thiết, nhiệm vụ quan trọng, tiêu chuẩn không thể thiếu mà mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên phải rèn luyện, thực hiện trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày.
 1. Một số điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, thực hành tiết kiệm
Trong Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011), chữ “kiệm” xuất hiện 801 lần, “tiết kiệm” có 595 lần và “thực hành tiết kiệm” là 245 lần. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm thể hiện qua các bài viết, bài nói chuyện và ngay chính phong cách của Người, tập trung ở một số điểm chủ yếu sau đây:
1.1. Bản chất của tiết kiệm
Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Người tiết kiệm là phải biết cân đối, tính toán các nguồn lực để chi phí bỏ ra nhỏ nhất mà lại đạt được mục tiêu cao nhất, theo phương châm “1 giờ làm xong việc của 2, 3 giờ. 1 người làm bằng 2, 3 người. 1 đồng dùng bằng 2, 3 đồng”. 
Thực hành tiết kiệm không phải là bủn xỉn, càng không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Không phải ép mọi người nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của Nhân dân; để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, để cải thiện đời sống Nhân dân. Không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm. Bởi vậy, “nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”.
1.2.  Mục đích tiết kiệm
Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước, góp phần nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Người căn dặn: “Chúng ta phải chặt chẽ hơn nữa trong việc dùng tiền dành dụm của chúng ta, để tiến nhanh tới cuộc sống no ấm, đầy đủ cho mọi người”. Bởi vậy, nếu khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời gian thì với sức lao động, tiền tài của đất nước có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng mọi mặt của đất nước cũng tăng gấp bội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vai trò của tiết kiệm trong tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân. Đối với mỗi cá nhân, kiệm là một trong chuỗi phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”. Đối với cả dân tộc, tiết kiệm là sức mạnh của văn hóa và đạo đức. Bởi vì theo Người, “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”.
1.3. Nội dung tiết kiệm
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm bao gồm nhiều nội dung và ở mọi thời điểm, tất cả mọi người, mọi cơ quan đều phải tiết kiệm.
Tiết kiệm sức lao động, tức phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, “1 người làm bằng 2,3 người”.
Tiết kiệm thời gian của mình và của người khác. Vì theo Người, “thời giờ tức là tiền bạc”, “một tấc bóng là một thước vàng”. “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt , là người ngu dại”. Người căn dặn: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.
Tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của Nhân dân và của chính mình. Nhưng “khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng”.
Ngoài tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền của thì trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện một số nội dung khác, như tiết kiệm sức dân, tiết kiệm nhân tài, tiết kiệm lời nói…, cụ thể là:
Tiết kiệm sức dân, “phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”. Tiết kiệm sức dân còn là tiết kiệm xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân. Người viết: “Của cải hết có thể làm ra, thời gian qua, thời gian lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu. Có khi hy sinh cả tính mệnh” nên “phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc”.
Tiết kiệm lời nói, với các tập thể và cá nhân, phải “nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động”, “nói thì phải làm”, “nói ít, bắt đầu bằng hành động”. Với các cơ quan đoàn thể, phải hết sức tránh “tình trạng là hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm”.
1.4. Ai cần phải tiết kiệm
Tất cả mọi người, mọi cơ quan đều phải tiết kiệm, trước hết là các cơ quan, bộ đội, các xí nghiệp, cán bộ, đảng viên phải làm gương đi tiên phong. Người viết: “Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã”. Nội dung tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong cơ quan, đơn vị, vị trí công tác của mình. Tùy thuộc vào công việc cụ thể mà mỗi người, mỗi cơ quan cần thực hành kiệm cho phù hợp. Người căn dặn: “muốn vít kín các lỗ thủng, các kẽ hở, không để của cải dành dụm của chúng ta bị hao hụt, phân tán”, tất cả mọi người đều phải chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.
1.5. Cách thức thực hành tiết kiệm
Theo Người, “thực hành tiết kiệm phải đi đôi với tăng gia sản xuất”. Muốn thực hành tiết kiệm thì toàn Đảng, toàn dân phải ra sức chống lãng phí. Do nguy cơ lãng phí hiện hữu mọi nơi, mọi lúc nên cuộc đấu tranh chống lãng phí phải được tiến hành thường xuyên, triệt để, rộng khắp, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo, có phương pháp. Tuyệt đối không được phát động phong trào rồi “đánh trống bỏ dùi” để tránh sự “nhờn thuốc” và làm nhân dân mất lòng tin vào Đảng và Chính phủ.
Mỗi người cần phải thường xuyên tiến hành tự kiểm điểm công tác thực hành tiết kiệm của mình trên tinh thần tự giác, phải dựa vào quần chúng và phải phát động phong trào thi đua của quần chúng về tiết kiệm; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổng kết kinh nghiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cá nhân và tập thể; nghiêm khắc kỷ luật những kẻ không chịu sửa lỗi dù đã bị nhắc nhở, khen thưởng những người làm tốt và khuyến khích những người đang cố gắng làm tốt.
Tích cực tuyên truyền giải thích để cho mọi người hiểu rõ lợi ích của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Người, khi quần chúng hiểu rằng, tiết kiệm vì lợi ích của họ, chống lãng phí cũng vì chính bản thân họ, quần chúng nhân dân sẽ tự ý thức mà khinh ghét sự lãng phí. Do vậy, “người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm”.
(còn tiếp)
Nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn
 
DI TÍCH LỊCH SỬ TẠI THĂNG BÌNH
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn Tháng 8/2018, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn về Di tích lịch sử "Căn cứ Lõm Bàu Bính"
Tên gọi Căn cứ lõm ra đời năm 1971 do Đảng bộ, nhân dân xã Bình Dương, Huyện uỷ huyện Thăng Bình, Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Nam và một số đơn vị chiến đấu ở Thăng Bình năm 1969 – 1972 đặt tên. Còn tên gọi Bàu Bính có từ bao đời nay không rõ do ai đặt tên. Theo truyền miệng dân gian thì ở địa bàn xã Bình Dương có rất nhiều tên gọi về Bàu: Bàu Bính, Bầu Dừa, Bàu Bàng, Bàu Hoành, Bàu Cầu
Tên gọi Căn cứ lõm ra đời năm 1971 do Đảng bộ, nhân dân xã Bình Dương, Huyện uỷ huyện Thăng Bình,  Tỉnh  uỷ  tỉnh Quảng Nam  và một  số  đơn  vị  chiến  đấu  ở Thăng Bình năm 1969 – 1972 đặt tên. Còn tên gọi Bàu Bính có từ bao đời nay không rõ do ai đặt tên. Theo truyền miệng dân gian thì ở địa bàn xã Bình Dương có rất nhiều tên gọi về Bàu: Bàu Bính, Bầu Dừa, Bàu Bàng, Bàu Hoành, Bàu Cầu, Bàu Nãy…Vậy tên gọi Căn cứ Lõm Bàu Bính được  ra đời  từ năm 1971  (nguyên nhân do cuộc chiến  tranh kháng chiến chống Mỹ). 
Căn  cứ Lõm Bàu Bính  hiện  nay  thuộc  tổ  1,  thôn 4, xã Bình Dương,  huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Từ Thị trấn Hà Lam đi theo đường ĐT 613 về hướng Đông Bắc khoảng 16km là đến cổng  vào  làng  văn  hoá Bàu Bính Thượng,  từ  đây  rẽ  phải  đi  theo đường  bêtông  về hướng Bắc khoảng 1,5km là đến di tích. 
Từ năm 1969 – 1972, đế quốc Mỹ và bọn ngụy quyền  tay  sai  thực hiện  chiến  lược “Việt Nam hoá chiến tranh” dưới chiêu bài là “Bình định” và “Bình định cấp tốc” với sự hỗ trợ đắc lực về quân số và vũ khí của Mỹ đem áp dụng ở chiến trường miền Nam. Ở địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong đó có xã Bình Dương, huyện Thăng Bình cũng được bọn chúng áp dụng. Cùng một lúc bọn địch thực hiện 3 thế cuộc chiến tranh: Chiến tranh dành dân; Chiến tranh bóp ngặt; Chiến tranh huỷ diệt. 
Từ 1969 đến 1970 địch tập trung quân chủ lực tổ chức càn quét đánh phá dài ngày ở vùng Đông Thăng Bình, Tam Kỳ…trọng tâm là đánh các xã Bình Dương, Bình Triều, Bình Giang… 
Sau hơn 10 ngày  thực hiện kế hoạch “Bình định cấp  tốc”, nhưng địch vẫn không đạt được mục đích  bởi  chúng  vấp  phải  sự  kháng  cự mãnh  liệt  của  quân  và  dân Thăng Bình, làm cho chúng bị tổn thất nặng nề và bị tiêu hao về quân số, mất nhiều vũ khí. 
Xin nêu một số trận đánh tiêu biểu: Trận đánh bờ Làng Cây Mộc xã Bình Dương diệt 1 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ; trận đánh  tại đồi gần nhà ông Tôn (thôn 4) diệt 24  tên Mỹ,  trận đánh  tại đồi gần nhà ông Tâm (thôn 1) diệt gần một trung đội quân Đại Hàn, bắn rơi 1 máy bay trực thăng và nhiều trận đánh khác cũng thắng lợi… Cuối năm 1969 và năm 1970 bọn địch huy động quân chủ lực mạnh tập trung càn quét đánh phá ác liệt ở Tam Kỳ, Thăng Bình. Đi đến đâu bọn chúng cũng tàn sát, bắn, giết người, cướp của, đốt sạch nhà cửa, xúc dân. Ngoài ra bọn địch còn thả “Mỹ lếch” lùng sục khắp nơi để bắn giết cán bộ, nhân dân ta.  Đầu năm 1971 sau khi lập được khu dồn tại chỗ (thôn 2, thôn 3 và 06 chốt điểm tại xã Bình Dương), lúc này du kích xã, thôn và gần 300 dân của thôn 4, thôn 5 bật ra đứng ở Bàu Bính. Một số du kích xã, thôn được điều bổ sung vào bộ đội địa phương huyện. Trước tình hình bức bách, gay go, phức tạp, bộ máy lãnh chỉ đạo được Đảng uỷ phân công như sau: đồng chí Phan Thanh Bốn - Thường vụ Tỉnh uỷ về làm xã đội trưởng, đồng chí Trần Ngộ thường vụ Huyện uỷ làm Bí thư xã Bình Dương. Sau khi ổn định bộ máy xong thì căn cứ Lõm Bàu Bính cũng được thành lập. Căn cứ lõm có diện tích trên 2km vuông, phía Bắc có 30 gia đình trụ bám của xã Duy Nghĩa, phía Tây có phòng  tuyến bố  trí nhiều bãi mìn, nhiều  loại mìn, nhiều ổ  tác chiến, có trạm tiền tiêu, có trạm Phẫu giã chiến…bên trong có công sự mật. Kỷ luật đi lại, ăn, ở trong căn cứ rất chặt chẽ, nếu sơ suất sẽ bị vướng mìn, hầm chông… 
Và cũng trong thời gian này, Huyện uỷ huyện Thăng Bình quyết định thành lập nhanh Đảng uỷ cánh Đông, để cùng nhân dân, Đảng uỷ xã Bình Dương chiến đấu bảo vệ căn cứ Lõm Bàu Bính. Đồng chí Nguyễn Đức Bốn làm Bí thư Huyện uỷ kiêm Bí thư Đảng uỷ  cánh Đông,  cùng  các  đồng  chí Ngô  Thanh Dũng  Phó  Ban Dân  vận  tỉnh,  Phan Thanh Toán Uỷ viên Thường vụ Huyện uỷ làm uỷ viên, Ban chỉ huy đặt ngày tại căn cứ nhỏ bé này. Kế hoạch hoạt động của khu căn cứ Lõm được phân công rất cụ thể, ngoài việc bố trí các mặt chiến đấu bảo vệ khu vực căn cứ lõm, ban đêm phân công cán bộ, du kích vào khu dồn để nắm tình hình địch. Trạm tiền tiêu trực chiến 24/24. 
Từ đầu năm 1971 đến cuối năm 1972 địch nhiều lần dùng vũ lực mạnh đánh vào căn cứ Lõm Bàu Bính, lần nào cũng bị quân ta đánh trả quyết liệt, quân số bị tiêu hao rất nhiều. Đầu tháng 12/1972 địch điều động nhiều binh chủng, trang bị nhiều loại vũ khí dưới quyền chỉ huy của tướng Hoàng Xuân Lãm tư lệnh vùng 1 chiến thuật đánh vào căn cứ lõm. Ngoài pháo yểm trợ, bộ binh, xe tăng…còn có máy bay các loại ném bom liên tục trước khi quân bộ binh đổ vào. Nhận biết được tình hình, địch dùng áp lực mạnh, sự tăng cường quá lớn, nếu tiếp tục trụ  bám  tiếp  sẽ  không  có  lợi  cho quân, dân  ta. Để  bảo  tồn  lực  lượng, Ban  chỉ  huy thống nhất cho quân và dân trụ bám ở căn cứ Lõm Bàu Bính đi sơ tán và lực lượng bộ đội địa phương, dân quân, du kích bật ra khỏi căn cứ để bảo tồn lực lượng. Căn cứ Lõm Bàu Bính ở Bình Dương tồn tại hơn 2 năm ngay trước mặt quân thù nói lên ý chí quật cường,  tinh  thần yêu nước vô hạn, chiến đấu hết mình, chiến đấu đến cùng vủa quân và dân Bình Dương nói  riêng, quân và dân Thăng Bình, Quảng Nam nói chung. Căn cứ Lõm Bàu Bính, xã Bình Dương lúc bấy giờ được thành lập và tồn tại như một biểu tượng ngời ngời rực sáng để cho lớp lớp noi theo. 
Khu căn cứ lõm hiện nay thuộc thôn 4 và thôn 5 xã Bình Dương. Tại nơi đây, hiện nay là những đồi dương  liễu  trải dài dọc  theo những nổng cát, những  ruộng  lúa  tươi  tốt, những đám lạc (đậu phụng) hàng nối hàng thẳng tắp. Dọc theo con đường bêtông liên xã, nhà cửa của nhân dân san sát nhau định cư trên chính khu căn cứ Lõm ngày xưa, nơi mà quân và dân Bình Dương đã trụ bám kiên cường trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đầy cam go và ác liệt nhất. Hiện nay hình ảnh căn cứ Lõm của trận địa năm xưa không còn nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà ngói khang trang, ruộng đồng tươi tốt…đang vươn mình đi lên. 
Khu căn cứ Lõm Bàu Bính thể hiện tinh thần đấu tranh trung kiên, bất khuất của nhân dân Bình Dương nói riêng và nhân dân Thăng Bình nói chung. 
Khu căn cứ Lõm Bàu Bính thể hiện tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc của nhân dân Bình Dương, những con người một lòng gởi trọn niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ. 
Khu căn cứ Lõm Bàu Bính thể hiện mối quan hệ quân dân khắng khít vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp, bảo vệ quê hương, đất nước vì độc lập, tự do của dân tộc.
Nguồn: baoninhthuan.com.vn
THEO DÒNG LỊCH SỬ
Những ngày đáng nhớ trong tháng 8
01/8/1930: Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng.
10/8/2004: Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam.
19/8/1945: Ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
19/8/1945: Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam.
28/8/2004: Ngày truyền thống Văn phòng cơ quan hành chính Nhà nước.

19/8/1945: Cách mạng tháng Tám, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Đầu năm 1945, quân đội Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường Châu Âu, giải phóng hàng loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức ở Béclin. Ngày 08/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngày 08/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, đẩy quân phiệt Nhật vào tình thế thất bại. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới, những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Uỷ ban khởi nghĩa gửi quân lệnh số 1 cho đồng bào và cho chiến sĩ cả nước ngay trong đêm ấy.
Ngày 16/8/1945, đại hội họp ở Tân Trào đã thông qua “10 Chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “lệnh tổng khởi nghĩa” quyết định Quốc Kỳ nền đỏ, sao vàng, chọn bài tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra uỷ ban dân tộc giải phóng Trung Ương, tức chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu Nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuốc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng tám thành công.
Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ 14/8, một ngày sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc. Từ ngày 14 đến 18, tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng miền Bắc, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và các thị xã Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hội An.
Ngày 17/8, ở Hà Nội, tổng hội viên chức chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mittinh lớn tại Quảng trường nhà hát thành phố, có hàng vạn người tham gia để ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Trong mittinh này, dưới sự lãnh đạo của xứ Uỷ Bắc Kỳ và thành Uỷ Hà Nội, quần chúng cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, chiếm lấy diễn đàn cuộc mittinh, cán bộ Việt Minh đã diễn thuyết báo tin cho đồng bào biết quân phiệt Nhật đã đầu hàng và giới thiệu chủ trương đường lối cứu nước của Việt Minh, kêu gọi Nhân dân đánh đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật. Cuộc mittinh đã tiến thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy, bắt đầu từ quảng trường nhà hát thành phố và lan khắp nơi trên phố phường Hà Nội. Cả Hà Nội tưng bừng khí thế sục sôi khởi nghĩa.
Ngụy quyền cực kỳ bối rối hoang mang, chúng dựng lên cái gọi là “Uỷ ban chính trị” đề nghị với Việt Minh: “Đằng nào các ông cũng thắng, nhưng để điều đình với Đồng Minh sẽ vào Đông Dương giải giáp quân Nhật, đề nghị vùng nông thôn cách thành phố 15km là thuộc quyền các ông, còn thành phố cần có nhân sĩ, trí thức đứng ra giao dịch với Đồng Minh”.
Đại biểu Việt Minh đã trả lời dứt khoát, “giao dịch với Đồng Minh lúc này, ngoài Việt Minh không ai có thể có lực lượng và danh nghĩa cả”.
Sáng ngày 19/8, theo lời kêu gọi của Việt Minh, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà hát thành phố để dự mittinh. Họ vừa đi vừa hô khẩu hiệu:
* Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.
* Thành lập chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam.
* Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập hàng ngũ chiến đấu bên cạnh Việt Minh.
* Việt Nam hoàn toàn độc lập.
Cuộc mittinh diễn ra vào ngày 19/8/1945. Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến Quân Ca, đại biểu uỷ ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Cuộc mittinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm phủ khâm sứ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Từ Hà Nội, làn sóng cách mạng toả đi khắp nơi, cả nước vùng dậy đấu tranh giành chính quyền và liên tiếp giành thắng lợi. Cách mạng tháng tám là sự kiện vĩ đại trong lich sự dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời.
Nguồn: lichsuvietnam.vn

Ngày 19/8/1945: Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong cao trào cách mạng 1930-1931, Đảng đã tổ chức “Đội tự vệ đỏ” để bảo vệ chính quyền Xô-viết, chống địch khủng bố, trấn áp bọn phản cách mạng và giữ gìn an ninh trật tự. Từ đó trở đi, tổ chức “Đội tự vệ” đã xuất hiện trong các cuộc đấu tranh của quần chúng, các “Đội tự vệ”, “Đội danh dự trừ gian”, “Đội trinh sát”, “Đội hộ lương diệt ác” ở khu giải phóng trước ngày Tổng khởi nghĩa là những tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.
  Ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội, chính quyền thực dân phong kiến bị đập tan, lực lượng an ninh cách mạng cùng các lực lượng khởi nghĩa khác chiếm lĩnh các trụ sở chính quyền cũ, bảo vệ cuộc khởi nghĩa thắng lợi.
  Ngày 19/8/1945 được lấy làm ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam.
  Đêm 13/7/1946, lực lượng CAND Thủ đô, được sự phối hợp của các đơn vị Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, đã đập tan âm mưu phản cách mạng định lật đổ chính quyền của ta vào 14/7 do bọn phản động Việt quốc, Việt cách tổ chức. Các sào huyệt của chúng ở 80 phố Quán Thánh, 162 phố Bùi Thị Xuân, 7 phố Ôn Như Hầu, ở Trúc Bạch, Ngũ Xã bị phá tan, nhiều tên phản động bị tóm gọn, tội ác của chúng bị phơi trần.
  Bước vào cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, Công an đã kịp thời chuyển hướng tổ chức và hoạt động. Trước tiên là đảm bảo an toàn việc di chuyển toàn bộ các cơ quan chính quyền, đoàn thể và tản cư Nhân dân ra khỏi vùng có chiến sự; bảo vệ việc vận chuyển tài liệu, kho tàng, tài sản nhà nước; xây dựng và bảo vệ căn cứ địa kháng chiến; có kế hoạch chiến đấu ngay trong vùng địch chiếm đóng và đối phó với âm mưu của chúng đánh ra vùng tự do.
  Tháng 3/1948, trong thư gửi Công an khu XII, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định:
  Tư cách người công an cách mệnh là:
  Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
  Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.
  Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
  Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
  Đối với công việc, phải tận tụy.
  Đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo.
  Từ đó trở đi, cán bộ chiến sĩ công an đều ra sức rèn luyện và phấn đấu theo 6 điều Bác Hồ dạy.
  Các lực lượng công an đã hoạt động khôn khéo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu với bọn phòng nhì Pháp, đi sâu vào lòng địch, phá vỡ những âm mưu tình báo gián điệp của chúng, giữ vững an ninh trật tự vùng có chính quyền nhân dân, phục vụ các chiến dịch, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi. Nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt như Bửu Đóa ở Khánh Hòa, Bùi Thị Cúc ở Hưng Yên, Võ Thị Sáu ở Bà Rịa… làm rạng rỡ Công an nhân dân Việt Nam và dân tộc ta.
  Trong công cuộc bảo vệ miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, cùng với các lực lượng khác, công an đã tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, bảo vệ chính quyền, tính mạng và tài sản của nhân dân. Phong trào bảo vệ trị an, “bảo mật phòng gian” phát triển mạnh mẽ đã phát hiện, tiêu diệt nhiều tổ chức gián điệp, biệt kích của địch cài cắm lại hoặc do Mỹ, ngụy tung ra miền Bắc nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng. Cuộc đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội có kết quả.
  Lực lượng an ninh miền Nam đấu tranh chống hoạt động tình báo, gián điệp và các tổ chức phản động, phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Tổ quốc độc lập, thống nhất, đi lên CNXH. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch khác tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của chúng ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ. Cuộc vận động “Xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đã thúc đẩy lực lượng công an hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều âm mưu gây rối, gây bạo loạn bị dập tắt. Cuộc đấu tranh chống tội phạm hình sự, giữ gìn trật tự an toàn xã hội từng bước có kết quả.
          Công an nhân dân Viêt Nam tiếp tục kế thừa và phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế với lực lượng an ninh và nội vụ các nước anh em, bè bạn trên thế giới. Trong công cuộc đổi mới, công an nhân dân đang nỗ lực phấn đấu góp phần xứng đáng vào sự nghiệp ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng các tập thể, cá nhân lực lượng Công an nhân dân (tính đến tháng 2/2015): 3 Huân chương Sao Vàng tặng lực lượng CAND (năm 1980, 1985, 2000). 9 Huân chương Sao Vàng tặng: lực lượng An ninh nhân dân (1995), lực lượng Tình báo (1995), lực lượng Cảnh sát nhân dân (2003), Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (2003), Tổng cục An ninh (2006), Tổng cục Tình báo (2006), Lực lượng Bảo vệ Chính trị I (2008); Công an Thành phố Hà Nội (2010); Học viện An ninh nhân dân (2011). 3 Huân chương Sao Vàng tặng các đồng chí cố Bộ trưởng (Phạm Hùng, Trần Quốc Hoàn và Mai Chí Thọ). 1 Huân chương Hồ Chí Minh tặng lực lượng CAND (1975). 88 Huân chương Hồ Chí Minh tặng Công an các đơn vị, địa phương. 10 Huân chương Hồ Chí Minh tặng cán bộ, chiến sĩ CAND. 663 lượt tập thể, 380 cán bộ, chiến sĩ CAND được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng VTND; 1 tập thể và 1 cán bộ CAND được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và hàng ngàn tập thể, cán bộ, chiến sĩ CAND được tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Lao động. Hàng vạn tập thể, cán bộ, chiến sĩ CAND được tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Huy chương các loại và Bằng khen của Chính phủ.
Nguồn: lichsuvietnam.vn
 
GƯƠNG THANH NIÊN LÀM KINH TẾ GIỎI
Vua cá chình 9X
Từ bỏ công việc kĩ thuật có mức lương ổn định, chàng kỹ sư trẻ 9X Võ Văn Sang trở về quê ở thôn Thái Bắc, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) lập nghiệp với mô hình nuôi cá chình. Mỗi năm, chàng trai này có thu nhập hơn 300 triệu đồng, được mệnh danh là “vua” cá chình.
Đam mê nông nghiệp
Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, từ nhỏ Võ Văn Sang (SN 1991) đã có tình yêu mãnh liệt với đất đai, cây cỏ và động vật. Tốt nghiệp THPT, Sang quyết định thi vào ngành Nông nghiệp của trường ĐH Quảng Bình để nuôi dưỡng đam mê của mình. Học năm đầu tiên, thấy ngành học không phù hợp, Sang quyết định thi lại đại học đúng với ngành mà mình đam mê. May mắn đã mỉm cười, Sang thi đỗ vào ngành Cây trồng thuộc trường ĐH Nông lâm (Huế).
Năm 2014, Sang tốt nghiệp ra trường đi làm tư vấn kĩ thuật cho một người quen ở Kon Tum theo ý của gia đình với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương tốt đối với nhiều bạn trẻ khi mới ra trường. Nhưng càng làm Sang càng suy nghĩ nhiều hơn về đam mê, những dự định làm nông nghiệp của mình và bắt đầu mày mò tìm hiểu, lên kế hoạch riêng cho bản thân. Để thực hiện, Sang nhiều lần gọi về xin ý kiến của mẹ nhưng nhận được sự phản đối quyết liệt. “Tôi khuyên Sang làm công nhân để ổn định lại có thu nhập. Tôi vốn làm nông dân nên hiểu rõ những vất vả của người làm nông. Nên khi Sang nói bỏ việc để về quê nuôi cá chình tôi đã không đồng ý”, bà Nguyễn Thị Duệ, mẹ của Sang cho hay.
Sau hơn 6 tháng thuyết phục, cuối cùng bà Duệ đã đồng ý với quyết định của Sang. Đầu năm 2016, chàng trai 9X bắt đầu kế hoạch của mình với mô hình nuôi cá chình.
Thu hơn 300 triệu đồng/năm
Võ Văn Sang là một trong những người đầu tiên ở Quảng Bình thực hiện mô hình nuôi cá chình trong ao đất. “Cá chình là loại cá có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, ít bệnh và đầu ra thuận lợi. Tôi quyết định khởi nghiệp bắt đầu từ loài cá này vì có rất ít người nuôi chúng”, Sang nói.
Để có vốn, Sang cầm sổ đỏ đi thế chấp vay ngân hàng150 triệu đồng. Có vốn anh bắt tay vào việc đào ao nuôi, rồi vào Nha Trang tìm hiểu cách nuôi cá chình, tìm kiếm nguồn giống.
Vụ đầu tiên, Sang thả 400 con giống. Sau hơn một năm chăm sóc cá chình phát triển tốt, mỗi con có trọng lượng từ 1kg đến 1,5kg. Đầu ra của loài cá này khá thuận lợi, nuôi được bao nhiêu là có người đặt mua bấy nhiêu. Với giá giao động từ 500 đến 600 ngàn đồng/kg, vụ đầu tiên Sang thu hơn 200 triệu đồng (chưa trừ các chi phí).
Thức ăn chủ yếu của cá chình là các loại cá nhỏ được xay ra. Để chủ động nguồn thức ăn, Sang đào tiếp hồ thứ hai nuôi cá rô phi. “Mùa hè nguồn thức ăn cho cá rẻ và dễ kiếm nhưng mùa đông thì có tiền cũng khó mà mua được. Tôi đã thả nuôi cá rô phi trên diện tích 600m2 để chủ động nguồn thức ăn cho cá chình”, Sang cho biết.
Không giữ bí kíp nuôi cá chình riêng cho bản thân, anh đã hướng dẫn nguồn giống và kĩ thuật nuôi cho nhiều người khác. Hiện ao cá của Sang có hơn 800 con đang chuẩn bị vào lứa thu hoạch. Trọng lượng trung bình mỗi con hơn 1kg, Sang ước tính vụ này thu được hơn 800kg cá chình. “Với giá 500 nghìn đồng 1kg em nhẩm tính thu nhập được 400 triệu từ cá chình, trừ chi phí sẽ còn hơn 300 triệu đồng”, Sang chia sẻ.
Theo Sang, để cá chình phát triển tốt người nuôi cần vệ sinh ao kĩ trước khi xuống giống. Ngoài ra cần cung cấp đủ không khí và giữ nước ao luôn được sạch. Thông thường thức ăn cho cá chình bằng 5% trọng lượng mỗi con cá. Mỗi ngày cho cá ăn hai bữa sáng và chiều tối. Hiện Sang tiếp tục nuôi cá rô đầu vuông và trồng hơn 5 ha rừng keo, thông. Thời gian tới, Sang sẽ mở rộng ao nuôi, tăng số lượng nuôi cá chình lên 1.000 con.
“Muốn cá chình phát triển đồng đều, cứ sau 3 tháng cần phải phân loại cá. Với trọng lượng cá khác nhau cần có thêm chế độ ăn phù hợp. Vì vậy, cần phân nhỏ ao nuôi. Người nuôi cần nuôi xen một số giống cá khác như: cá mè, cá trắm để hạn chế sự phát triển của tảo và làm sạch hồ nuôi”, Võ Văn Sang chia sẻ.
Nguồn: thanhgiong.vn
 
BÀI HÁT THANH NIÊN
Áo xanh mùa hè xanh
 Sáng tác: Thế Hiển
 
Hoa phương đỏ sân trường
Con đường dài kỷ niệm
Chân trời ngàn én lượn
Cánh tay người vẫy ta
Mùa hè xanh bạn ơi
Mùa hè xanh lòng người
Mùa hè xanh quê hương
Mùa hè xanh muôn nơi
Anh ơi....... mùa hè xanh
Xanh mênh mông bầu trời
Xanh bao la mặt biển
Xanh xanh bao đồng lúa
Xanh xanh bao cánh rừng
Em ơi.... mùa hè xanh
Khi ta mặc áo xanh
Đất trời như trẻ lại
Yêu thương là mãi mãi
Ta đi về muôn nơi

Tác giả: Huyện đoàn Thăng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai