Thứ bảy, 27/04/2024, 05:51|
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) ................................... CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM CUỘC ĐẤU TRANH HÀ LAM - CHỢ ĐƯỢC (04/9/1954 - 04/9/2024)

Di tích lịch sử: Núi Chùa Ngọc Sơn

Thứ hai - 01/01/2024 02:22
Tự động phát:
   Cách đây hơn 500 năm, Bình Phục ngày ấy là một bộ phận của huyện Lệ Giang thuộc phủ Thăng Hoa - là vùng đất mới được khai phá bằng cuộc di dân về phía Nam từ thế kỷ thứ 15. Từ đó cho đến nay nhân dân Bình Phục đã bền bỉ đấu tranh chống giặc ngoại xâm và sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Quá khứ ấy chứng minh rằng nhân dân Bình Phục có truyền thống cần cù, thông minh, hiếu học, sáng tạo trong lao động và dũng cảm đấu tranh chống mọi kẻ thù xâm lược.
 

Vào những năm 30 của thế kỷ 20, phong trào đấu tranh cách mạng do Đảng ta lãnh đạo đã sớm đến với nhân dân Bình Phục, nhiều tổ chức quần chúng được thành lập như: Hội ái hữu, Hội tương tế, Hội trợ tang, Nghĩa hòa đường... đã trở thành phong trào đều khắp. Đầu năm 1947, để kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân trong xã, các Chi bộ Đảng lần lượt ra đời ở các thôn Từ đó dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, với tinh thần cách mạng tiến công: “Thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” lớp lớp thanh niên, nông dân, trí thức… Bình Phục lên đường ra trận cùng một lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
111
 Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các xã vùng Đông Thăng Bình là cái nôi cách mạng của huyện và cũng là nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất, ác liệt nhất. Vì vậy, xã Bình Phục (đặc biệt là thôn Ngọc Sơn) luôn là cửa ngõ, là bàn đạp để địch tấn công các xã vùng đông. Với địa hình thôn Ngọc Sơn có núi Ngọc Sơn (trước đây gọi là núi Rướng) hiểm trở, nhiều cây cổ thụ, nhiều tảng đá lớn tạo thành những hang, hầm thuận lợi cho hoạt động và chiến đấu của cách mạng. Với vị thế đó, Ngọc Sơn là nơi địch tập trung đánh phá ác liệt nhất của xã nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng. Chúng dựng lên hàng loạt các ấp chiến lược, khu dồn…chúng nhiều lần đổ bộ quân xuống Ngọc Sơn, với đủ các thứ quân kết hợp xe tăng, xe bọc thép, máy bay B52, bom Napan, chất độc hóa học, pháo tầm xa từ Quế Sơn, Núi Quế, Tuần Dưỡng yểm hộ, liên tiếp cày đi xát lại hòng biến Bình Phục thành vành đai trắng.
222
  Một thực tế diễn ra ở Bình Phục đã thành tính quy luật: Địch càng tăng cường đánh phá, ta càng chủ động tiến công. Nhiều em bé, cụ già, bà mẹ đã trở thành những chiến sĩ quả cảm trên các mặt trận, góp phần làm nên bài ca Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử. Qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dân Bình Phục luôn anh dũng chiến đấu, bám đất, giữ làng và nhiều người đã anh dung hy sinh trên quê hương này để dành lấy độc lập cho ngày hôm nay. Địa đạo Ngọc Sơn, Cầu Bàu Bàng, Núi Rướng, Núi Chùa, Động nghĩa từ, Động Ông Đề, Sằm cóc, Sằm chuối…là những địa danh lịch sử ghi lại một thời lửa đạn và những chiến công của quân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Với những thành tích đó, quân và dân Bình Phục đã được Đảng và Nhà Nước tặng thưởng 444 phần thưởng cao quý gồm: 248 huân chương, 90 huy chương các hạng Nhất, Nhì, Ba; 54 Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, 56 Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, có 45 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, 226 liệt sĩ, 52 thương bệnh binh, có hai di tích lịch sử cấp tỉnh là Địa đạo Ngọc Sơn và Núi Chùa Ngọc Sơn.
333
     Nói về di tích Núi Chùa Ngọc Sơn. Núi Chùa nằm trong quần thể núi Ngọc Sơn. Gọi là Núi Chùa vì xưa kia trên ngọn núi này có ngôi chùa thờ phật. Tương truyền ngôi chùa có từ lâu đời. Bà Búa là nhà sư trụ trì chùa nên còn gọi là chùa Bà Búa. Chùa tọa lạc lưng chừng núi phía tây nam của núi Chùa. Phía trước chùa có dãy rừng Bà Búa có rất nhiều cây ăn quả như trâm, bứa, găng… trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chính ngôi Chùa này là nơi nuôi và che giấu những cán bộ của xã và của huyện uỷ Thăng Bình về đây nằm vùng để xây dựng lực lượng và chỉ đạo cách mạng ở Bình Phục cũng như vùng Đông Thăng Bình như ông Nguyễn Lam, Phan Giáo, Phan Tấn Hiền, ông Hậu, và nhiều cán bộ, du kích khác. Qua thời gian và chiến tranh nên đến nay ngôi chùa không còn nữa, chỉ còn lại những dấu tích của nền móng củ. Phía sau núi là một Bàu Nước, Bàu nước này có nước quanh năm không khô cạn, xưa kia nhân dân cấy lúa rất tốt, phía dưới bàu có một con mương gọi là mương Bàu nước, mương này đổ về sông Trường Giang, dọc hai bên mương cây cối um tùm, con mương trở thành giao thông hào để cán bộ, du kích từ Bình Giang, Bình Triều lên Bình Phục và ngược lại rất an toàn. Trên núi có nhiều cây cổ thụ, có nhiều tảng đá lớn dựng thành những hang, hầm rất thuận lợi cho việc trú ẩn khi địch đi càn.
      Núi Chùa không cao như các ngọn núi khác của dãy núi Ngọc Sơn, nhưng nơi đây có một vị trí chiến lược trong công tác quốc phòng, bởi đứng ở Núi Chùa có thể nhìn bao quát rõ làng Ngọc Sơn và nhìn xuống thấy rõ các xã như Bình Giang, Bình Minh, Bình Dương và tận biển Đông vì vậy cán bộ, du kích chọn nơi đây làm đài quan sát địch từ xa, nhất là quan sát tàu gáo từ Tuần Dưỡng bay ra, khi có tàu gáo bay ra du kích thường đánh kẽn báo động để cán bộ, du kích và nhân dân xuống hầm tránh trú. Trong ký ức và tâm tưởng của người dân nơi đây, núi Chùa là nơi linh thiêng, huyền bí. Chính vì thế, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây đã từng nuôi dấu cách mạng; là nơi để cách mạng trao đổi thông tin; để du kích, bộ đội tập luyện, mai phục và theo giỏi địch từ xa;
     Núi Chùa là địa điểm then chốt của cách mạng vùng đông; nơi đây đã từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch làm quân thù phải khiếp sợ, trong đó tiêu biểu là trận đánh của Tiểu đoàn 72 bộ đội tỉnh vào tháng 8 năm 1972. Về Trận đánh ngày 27 tháng 8 năm 1972 Sau khi hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tác chiến hợp đồng với Sư đoàn 711 trong trận tiêu diệt cứ điểm Cấm Dơi (huyện Quế Sơn) ngày 21/8/1972, Bộ tư lệnh Quân khu 5 lệnh cho Tỉnh đội Quảng Nam tập trung lực lượng mở lại cánh Đông Thăng Bình. Đêm ngày 27/8/1972, hai tiểu đoàn 70 và tiểu đoàn 72 của tỉnh đội Quảng Nam được tiểu đoàn 74 pháo binh chi viện hỏa lực, từ căn cứ lõm Bàu Bính xã Bình Dương đồng loạt nổ súng tấn công. Tiểu đoàn 70 đánh chiếm Gò Cà Bình Dương, Tiểu đoàn 72 tiêu diệt cứ điểm Mù U xã Bình Giang và chốt giữ Núi Chùa xã Bình Phục.
      Trước khi chiến dịch nổ ra, tiền phương của tỉnh và Ban Chỉ huy tiểu đoàn 72 nhận định: Nếu ta chiếm được đồn Mù U thì địch sẽ tập trung phong tỏa về xã Bình Giang nên bố trí một lực lượng chốt ở Núi Chùa xã Bình Phục để ngăn chặn địch từ xa cho Tiểu đoàn 72 đêm sau có điều kiện đánh chiếm đồn Chợ Được, thuộc xã Bình Triều. Biết lực lượng chốt ở Núi Chùa hoàn toàn độc lập và mạo hiểm vì bên cạnh Núi Chùa có đồn Núi Rướng (đồn núi ông Cai), nên sử dụng lực lượng chốt Núi Chùa có 10 đồng chí của đại đội 3, có 2 cán bộ đại đội. Tại đây các chiến sĩ bố trí thành hai tổ, một tổ bố trí chốt tại Núi Ông Tuân và một tổ chốt tại Núi Chùa. Hỏa lực trang bị có 01 cây B40 và 01 cây B41 để chống xe tăng, súng bộ binh, mang theo cơ số đạn và đồ ăn, nước uống đầy đủ đảm bảo cho được một ngày, do đồng chí Mai Đình Vân, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 72 trực tiếp chỉ huy. Sáng hôm đó, ban chỉ huy tiểu đoàn 72 tăng cường thêm cho chốt Núi Chùa 01 khẩu cối 82mm, bố trí tại cổng 24 trên đất Bình Giang, do đồng chí Lê Công Lớp chính trị viên trưởng đại đội 4 chỉ huy. Diễn biến của chiến dịch cánh Đông Thăng Bình lúc đó: Đúng 01 giờ sáng ngày 28/8/1972 theo hợp đồng giờ G đã quy định, mục tiêu đồi Gò Cà xã Bình Dương phát hỏa thì đồn Mù U bị ta nổ súng tấn công. Sau hơn 30 phút chiến đấu, hai mục tiêu nói trên quân ta đã đánh chiếm và làm chủ trận địa, tổ chức chốt giữ, làm cho địch trong đêm ở Hà Lam, Tam Kỳ gào thét ở các máy gọi PRC 25 của nó ta thu được.
      Tại khu vực Núi Chùa, lúc này các chiến sĩ của ta bố trí thành hai chốt điểm để mai phục, chiến đấu. Một chốt ở lưng chừng núi nằm ngay trên đường mòn đi lên núi (hay còn gọi là chốt tiền tiêu) chốt này có một chiến sĩ đảm nhiệm, chiến sĩ này đã lấy quần dài của mình cho đất cát vào hai ống quần để làm bệ bắn và một chốt ở giữa núi với ba chiến sĩ. Theo một số người dân ở khu vực Núi Chùa chứng kiến trận đánh kể lại thì rạng sáng ngày 28/8 có một tiếng nổ lớn dưới chân đồn núi Ông Cai (đồn do lính nghĩa quân đang đóng) nhưng sau đó thì không thấy nghe tiếng súng nổ đánh trả. Trong khi đó nghĩa quân và nhân dân tự vệ chạy toán loạn qua phái năm và xuống Bàu Bàng để thoát thân. Đến tờ mờ sáng chúng điều 3 trung đội nghĩa quân đi lục soát tại núi Làng, núi Ông Tuân và núi Chùa. Lúc này nhân dân lại nghe một tiếng nỗ lớn tại núi Chùa, chạy ra xem thì thấy khói bụi bay mù mịt và thấy khoản 10 tên lính xách súng chạy xuống. Rồi sau đó khoản một tiếng đồng hồ chúng cho lính nghĩa quân tiếng vào lại, vừa bắn vừa tiến lên núi. Khi quân địch bắt đầu tiến lên núi thì bị đồng chí của ta ở chốt tiền tiêu cầm thủ pháo ném xuống cho nên quân lính không thể lên được đành phải rút lui.
      Phía địch với sự hổ trợ của hai cây đại liên ở đồn Ông Cai bắn sang, hơn hai tiếng đồng hồ chiến đấu quyết liệt nhưng quân địch vẫn không chiếm được đồn vì đường lên núi duy nhất chỉ có một đường mòn này, còn trên núi cây cối, gai góc um tùm không có lối lên, trước tình thế khó khăn đó, phía địch kêu gọi viện trợ thêm quân và được tăng cường thêm 3 tiểu đoàn địa phương quân. Được chi viện thêm quân và sự yểm trợ canh nông ở núi Quế, Tuần Dưỡng nã xuống, nhằm băm nát cây cối tại núi Chùa, cọng với hai cây đại liên ở đồn Ông Cai bắn sang và một cây tiểu liên đặt cách núi Chùa khoản 300m bắn lên. Cứ xong một đợt canh nông và đại liên thì quân địch lại hô xung phong tiến lên núi nhưng bị các chiến sĩ của ta dùng lựu đạn, thủ pháo ném xuống, chống trả quyết liệt, nên buộc quân địch phải lui xuống không thể tiến lên được. Cuộc chiến đấu càng lúc càng quyết liệt và cứ thế giằng co, quân địch tiến lên thì bị quân ta đánh lui xuống cho đến khoảng 2 giờ chiều thì đồng chí của ta ở chốt tiền tiêu trúng canh nông hy sinh. Thất thủ ở chốt tiền tiêu, đồng thời lúc này các chiến sĩ của ta cũng gần hết đạn nên rơi vào tình thế khó khăn buộc phải lui vào hang đá ở phía sau núi tử thủ. Lúc này quân địch mới tiến lên được núi và tiến hành lùng sục. Hơn một tiếng lùng sục, tìm kiếm, tên đại đội trưởng địa phương quân đã áp sát hang đá nơi các chiến sĩ của ta đang ẩn nấp. Từ trong hang đá, các chiến sĩ của ta phát hiện và nã súng làm tên đại đội trưởng địa phương quân chết ngay tại chỗ.
      Tiêu diệt được tên chỉ huy nhưng chổ ẩn nấp của các chiến sĩ của ta đã bị lộ, phát hiện được vị trí ẩn nấp của ta, quân địch dùng lựu đạn nếm liên tục vào hầm khiến các chiến sĩ của ta hy sinh, khoảng 16 giờ, cuộc chiến đấu kết thúc. Mặc dù chênh lệch rất lớn về lực lượng, nhưng các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Trận đánh tại núi Chùa thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất của quân ta trong sự nghiệp cách mạng, góp phần to lớn và cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Kính thưa các đ/c, thưa toàn thể quý vị và đồng bào. Thể theo nguyện vọng của Cán bộ, Đảng viên, hội viên Cựu chiến binh và nhân dân trong thôn, đầu năm 2018 Ban cán sự thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục đã đứng ra vận động Cán bộ, Đảng viên, hội viên Cựu chiến binh, nhân dân trong thôn và Ban liên lạc Cựu chiến binh tiểu đoàn 72 tỉnh Quảng Nam xây dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ tiểu đoàn 72 hy sinh trong trận đánh tại Núi Chùa năm 1972 với kinh phí hơn 400.000.000đ.
      Công trình thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ những người con ưu tú của quê hương, đất nước đã anh dũng hy sinh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Từ đó hàng năm, nhân các ngày lễ, tết xã Bình Phục và thôn Ngọc Sơn Đông đều tiến hành các hoạt động nhằm tri ân, tưởng niệm những đồng chí, đồng bào đã ngã xuống trong các cuộc chiến đấu trên quê hương và tại núi Chùa; và từ đó nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ. Với những giá trị nêu trên, ngày 05 tháng 01 năm 2023 UBND tỉnh đã ra Quyết định số 41 công nhận Núi Chùa Ngọc Sơn là di tích lịch sử cấp tỉnh. 

Nguồn tin: Huyện đoàn Thăng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai