Thứ tư, 27/03/2024, 16:51|
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 - 26/3/2024) ................................... CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM CUỘC ĐẤU TRANH HÀ LAM - CHỢ ĐƯỢC (04/9/1954 - 04/9/2024)

Khu phế tích Chăm - Đồng Dương

Chủ nhật - 19/02/2023 09:06
Tự động phát:

Khu phế tích Chăm – Đồng Dương còn có tên là Phật viện Đồng Dương. Di tích khu phế tích Chăm Đồng Dương nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65km về phía Tây Nam, từ ngã ba thị trấn Hà Lam đi về hướng Tây khoảng 10km.
     Sự kiện lịch sử:
    Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Đồng Dương, năm 875, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lookesvara Svabhayada. Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương. Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Champa lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati, văn bia này cho biết tên của kinh đô mới là Indrapuru, theo một số nhà nghiên cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.
     Đáng tiếc là khu di tích quan trọng vào bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Champa này đã bị tàn phá nặng nề bởi thiên nhiên và chiến tranh, hiện nay trong khu di tích này chỉ còn một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là “Tháp sáng”, cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số dạng trang trí kiến trúc.
     Năm 1901, L.Finol, một học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng đồng cao 108cm, theo các nhà nghiên cứu thì pho tượng Phật này mang nhiều yếu tố của nghệ thuật Ấn độ.
     Năm 1902, H.Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương, ông đã tìm thấy khu kiến trúc chính của Thánh địa cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá.
     Loại hình di tích: Di tích khảo cổ học
     Khảo tả di tích:
     Theo khảo tả của H.Parrmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m, chạy về phía Đông đền một thung lũng hình chữ nhật.
     Khu đền thờ chính gồm có 3 nhóm kiến trúc kéo dài theo trục Đông Tây, các nhóm này được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch:
    + Nhóm phía Đông: chỉ còn lại dấu vết nền móng của khu nhà dài mà các nhà nghiên cứu cho là tu viện phật giáo (Vihara). Ngôi nhà dài có mặt bằng hình chữ nhật với hai hàng cột song song theo trục Đông Tây, mỗi hàng có 8 cột xây bằng gạch, mái nhà có cột khung gỗ và lợp bằng ngói, trong khu vực này có một bệ thờ lớn bằng sa thạch, được chạm trổ nhiều hình người và hoa văn rất tinh tế. Phía trên bệ thờ là một pho tượng Phật Thích ca rất lớn, ngồi trên ghế, hai bàn tay để trên đầu gối, kiểu giống như vua Champa ngồi trên ngai vàng.
     Trong khu vực này còn tìm thấy một số tượng Dharmapala (những vị thần bảo vệ luật giáo của đạo Phật) ngồi trên những bệ đá cạnh hai hàng cột gạch.
    + Nhóm giữa: chỉ còn lại dấu vết các chân tường, các bậc thềm của một ngôi nhà dài theo trục Đông Tây. Ngôi nhà này có tường gạch không dày lắm, cửa ra vào nằm ở hai đầu hồi, trên hai vách tường có nhiều cửa sổ. Ngôi nhà này cũng được lợp ngói. Ở đây có 4 pho tượng Hộ pháp (Dvarapala) khá lớn, cao khoảng 2m, các nhà nghiên cứu chop cho rằng đó là những tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong nghệ thuật điêu khắc Champa.
    + Nhóm phía Tây: gồm các đền thờ chính và các tháp phụ chung quanh, đền thờ này thuộc loại tháp truyền thống của kiến trúc Champa. Với mặt hình tứ giác, cửa ra vào ở hướng Đông, phía trước có tiền sảnh khá dài, quanh các mặt tường có trụ ốp tường được chạm những dải hoa văn cành lá cách điệu rậm rịt và xoắn xít như dạng vết sâu bò, đó là loại hoa văn đặt trưng của phong cách Đồng Dương.
     Quanh chân tháp trang trí những hình đầu voi và những hình tháp thu nhỏ nằm xen kẻ nhau. Trong đền thờ có một bệ lớn bằng sa thạch, chạm trổ những dải hoa văn có vết sâu bọ, những cảnh sinh hoạt trong cung đình, một số cảnh trích đoạn về cuộc đời đức phật Thích Ca. Những đường nét trên các tượng người ở Đồng Dương được thể hiện cường điệu quá mức, đàn ông có gương mặt gần như vuông, trán thấp, cung lông mày to rậm và giao nhau, mũi to, miệng rộng, môi dày, ria mép rậm, tướng phụ nữ có gương mặt hơi thô và bộ ngực quá lớn.
      Năm 1978, nhân dân địa phương đã đào được một pho tượng Nữ Thần làm bằng đồng thau, cao 114cm, ở gần khu đền thờ chính. Theo các nhà nghiên cứu, đây là pho tượng Bồ tát Laskmindra – Lokesvara, trước kia pho tượng này được đặt trên bệ thờ của đền thờ chính.
      Tháng 6/1996 Viện Khảo cổ học Việt Nam, trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) đã phối hợp khảo sát tại làng Đồng Dương. Các nhà khảo cổ đã nhận thấy ngoài những dấu tích kiến trúc của khu Phật viện, dấu vết cư trú của con người thời kỳ vương quốc Champa tại làng Đồng Dương không nhiều.
      Khu vực làng Đồng Dương khí hậu rất khắc nghiệt, đất đai khô cằn, lớp đất canh tác chỉ dày khoảng 40-50cm, có nơi chi dày 20cm, bên dưới là tầng đá ong, đây không phải là nơi thuận tiện để xây dựng kinh đô, có thể nói Đồng Dương chỉ thuần túy là khu Thánh địa Phật giáo của vương quốc Champa, còn kinh đô Indrapura phải là một khu vực rộng lớn hơn, nằm ngoài khu Phật viện Đồng Dương.
      Những tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương:
      Những tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương đã hình thành nên một phong cách nghệ thuật nổi tiếng từ giữa thế kỷ IX đến cuối thế kỷ IX, phong cách Đồng Dương. Trong phong cách này những đường trang trí trên các trụ cột, các vòm cổng là những tràng dây leo xoắn xít như vết sâu bò, kết hợp với những hình hoa nặng nề trên đồ trang sức các pho tượng, những đường nét trên gương mặt người được cường điệu quá mức với gương mặt gần như vuông, trán thấp, cung lông mày to khỏe, mũi to, miệng rộng, môi dày có ria mép rộng, nhưng kỳ lạ thay, gương mặt vẫn hiền lành. Trong khi đó hình tượng phụ nữ có gương mặt thô và bộ ngực dường như lớn quá khổ. Theo J.Boisslie: “thẩm mỹ thời kỳ Đồng Dương dường như hướng đến việc tìm một sự thanh thản gần với lý tưởng tôn giáo; do vậy, nó kết hợp được những xu hướng mâu thuẩn nhau như sự phù hợp với nghi lễ, tính diệu dàng của cuộc sống và tính dữ dội của sự chuyển động…”.
     + Tượng thần Hộ Pháp: ký hiệu 9.11, tìm thấy tại Đồng Dương được làm bằng sa thạch xám, kích thước 215cm x 145cm x 120cm. Thần đứng trên lưng một con trâu, chân phải hơi chùng xuống, chân trái đưa về phía trước, tay phải cầm một đoản kiếm vung lên, tay trái co vào trước ngực, ngón tay trỏ và ngón tay cái bắt ấn. Thần đội mũ có 2 tầng, tầng trên hình quả trám, tầng dưới dạng vương miện trang trí những đóa hoa lớn, những đồ trang sức như khuyên tai, vòng cổ tay, vòng cánh tay, thắt lưng, vòng cổ chân đều là những hình rắn Naga, gương mặt có vẻ đe dọa, mắt lồi có điểm con ngươi, lông mày rộng và có điểm giao nhau, cánh mũi rộng, ria mép hơi vểnh lên, miệng lộ răng nanh. Sampot ngắn đến đầu gối, với 4 đường gấp nếp giắt múi về phía sau. Con trâu bị đè bẹp dưới sức nặng của thần Hộ Pháp, miệng trâu ngậm một nhân vật cầm đoản kiếm ở tay phải, tay trái cầm khiên tựa vào đầu trâu.
      Pho tượng thần Hộ Pháp đứng trên con gấu hoặc tê giác, ký hiệu 9.12 có lẽ cùng một cặp với pho tượng 9.11.
      + Tượng phật: ký hiệu 13.5, tìm thấy ở Đồng Dương 1902, làm bằng sa thạch xám, kích thước 158cm x 106cm x 66cm.
Phật ngồi trên ghế (hoặc ngai vàng), hai chân buông thong xuống. Hai bàn tay đặt trên đầu gối. Phật khoác áo choàng phủ bên vai phải buông xuống cổ tay. Đầu tượng Phật tượng này đang trưng bày tại Bảo tàng Guimée (Pháp); chiếc đầu  trên pho tượng hiện nay được làm lại bằng đất sét, không giống với nguyên bản.
     + Nhóm 3 tượng: ký hiệu 3.5,3.6,3.7 tìm thấy tại khu nhà dài (Vihara) trong Phật viện Đồng Dương năm 1902, gồm hai pho tượng ngồi theo kiểu Java và một pho tượng đứng kiểu lệnh hông. Những tượng này có gương mặt hơi nặng nề, lông mày giao nhau, cánh mũi lớn, bộ ria mép trên đôi môi dày, bộ râu quai nón được tỉa ngắn. Đò đội là Mukuta có hai tầng, được trang trí 3 đóa hoa lớn hình lá đề, đeo đôi hoa tai lớn. Y phục là loại sampot có thân lớn ở phía trước được trang trí những hình hoa và sọc xen kẻ.
     Theo H.Parmentier thì đây là những tượng Siva, bởi giữa trán những nhân vật này có con mắt thứ 3 hình thoi, nhưng theo J. Boisselier đó là những Dharmapala (những vị thần bảo vệ giáo luật trong Phật giáo Đại thừa) với một urna hình thoi trên trán, đồng thời theo vị trí của các pho tượng tương tự ứng với các cột trụ, thì dường như xưa kia có đến 16 nhân vật tương tự ở khu Vihara.
      Nhưng dù sao ta cũng không thể quên rằng Ấn độ giáo với hình tượng Siva, tồn tại qua nhiều thể kỷ đã ăn sâu trong tâm thức người dân Champa ở giai đoạn Đồng Dương, Phật giáo thịnh đạt, nhưng Siva giáo vẫn song song tồn tại, và thần Siva còn là vị thần canh giữ phương hướng dưới tên gọi là Isana, vì thế ý kiến của H.Parmentier cũng đáng được chú ý.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai