Từ vùng đất tưởng như bỏ hoang, Phương biến thành trang trại màu mỡ, giúp người dân lam lũ cách thức làm ăn bài bản.Chuyến đi thú vị Tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) năm 2012, Phương được một công ty ở Nhật Bản tuyển dụng làm việc tại nước này với mức lương khoảng 40 triệu đồng/tháng. Sau một năm làm việc, anh về nước xin vào làm ở một công ty tại Bình Dương với mức lương hơn 10 triệu đồng.
Cơ duyên đến trong lần Phương ra thăm bạn ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) năm 2014. Khi ấy nhìn thấy phong cảnh thật đẹp, làng xóm sạch sẽ, quanh nhà dân không trồng trọt, chăn nuôi mà kinh tế nơi đây vẫn phát triển mạnh, anh hỏi thăm thì được biết người ta làm nông nghiệp theo kiểu tập trung những trang trại rộng lớn cách xa khu vực sinh sống, trên vùng đất cát khô cằn.
Ý nghĩ lóe trong đầu anh: “Cùng điều kiện đất cát như ở quê mình nhưng ở đây họ làm nông nghiệp tốt, vậy sao quê mình không làm được”. Điều ấy thôi thúc anh bỏ phố về quê, thực hiện mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi, làm nông nghiệp sạch. Lúc này cũng thuận lợi là ở Quảng Nam có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ những cá nhân, tập thể chăn nuôi theo hình thức tập trung.
Nói là làm, Phương về quê vận động bạn bè, người dân trong thôn cùng góp vốn, công sức để xây dựng trang trại nông nghiệp sạch. Sau thời gian chuẩn bị, tháng 5-2015 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tứ Sơn ra đời với 24 thành viên, gồm những thanh niên trẻ và nông dân ở thôn. Riêng Phương góp vốn đến 80% và làm giám đốc HTX. Cùng với đó huyện đã hỗ trợ cấp gần 10ha đất cát tại thôn cho HTX hoạt động.
Khắc phục đất cằn Trang trại lập ra, Phương nghĩ ngay đến chọn giống cây và nuôi con vật phù hợp với vùng đất cát nóng, gần biển nhưng cằn cỗi và thiếu nước, cũng như đáp ứng điều kiện chăn nuôi tập trung. Tiếp theo là tìm cách liên kết với những doanh nghiệp để lo đầu ra cho sản phẩm.
Chạy đôn đáo khắp nơi, Phương chọn trồng thử nghiệm các loại rau quả theo quy trình sạch, có thể xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản như bí đỏ, đậu bắp, khoai lang... Đồng thời nuôi hàng trăm con gia súc trong trang trại đảm bảo chất lượng, không dùng thuốc kháng sinh.
“Lúc mới bắt tay vào làm lo nhất là đất vì đất cát chỉ chứa khoáng, thoát nước rất nhanh nên gây khó khăn về mặt nước tưới. Nhưng may mắn là các công ty nhận bao tiêu sản phẩm của mình thích vùng đất này vì đất chưa bị tác động nhiều, nên sản phẩm làm ra theo họ rất sạch” - Phương nhớ về những ngày đầu lập nghiệp.
Cùng sự nỗ lực và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia để cải tạo đất, HTX đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống tưới tự động, chứa nước phục vụ sản xuất.Sau hơn một năm hoạt động, những loại cây chủ lực như bí đỏ Kuriyama, đậu bắp Okura, khoai lang Beng Larula... ra quả, đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Đối với chăn nuôi, nguồn thu chủ yếu của HTX từ nuôi bò, theo cách thức mua bò về nuôi, thúc cho béo tốt để bán lấy lãi. Ông Huỳnh Tấn Cường (50 tuổi, thôn Tứ Sơn) kể lúc mới nghe Phương mời góp vốn vào HTX, gia đình ông cũng “mông lung” lắm. Nhưng vì “thấy thằng Phương đầy nhiệt huyết, một đứa con ra đi và quay về quê hương, giúp bà con làm ăn một cách bài bản nên tui theo nó. Phương mến đất, áp dụng kỹ thuật một cách khoa học nhằm giúp bà con an tâm làm ăn” - ông Cường bộc bạch.
“Mình muốn sản phẩm không bị ép giá, bấp bênh, phải đảm bảo sức khỏe, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sắp tới mình sẽ huy động thêm hơn 10ha đất của bà con để trồng những cây rau đã khảo nghiệm thành công, hi vọng tăng thêm thu nhập” - Phương tự tin nói.
Nguyễn Trung Phương nhẩm tính kinh phí đầu tư vào HTX gần 2 tỉ đồng. Sau một năm kinh doanh (năm 2016), HTX đã thu lại hơn 500 triệu đồng. Anh cũng vừa ký hợp đồng với các doanh nghiệp để đầu tư trồng rau ngắn ngày sạch và đang bắt tay thực hiện. Hiện HTX của Phương có 10 thành viên thường trực.
“Mình lập HTX với mong muốn có nhiều hộ dân ở địa phương cùng góp sức, góp của để làm trang trại tập trung. Hiện có năm người dân đưa gia súc của mình vào để chăn nuôi tập trung. HTX sẽ chia đất cho mỗi người trồng trọt, chăn nuôi và lo bao tiêu đầu ra, hỗ trợ kỹ thuật. Khi bà con bán sản phẩm sẽ chỉ chia lại 5% cho HTX để duy trì mô hình này” - Phương kể.
(Nguồn TTO) - ĐH