Chàng trai năng nổ

Thứ tư - 13/09/2017 22:37
Dù gia cảnh khó khăn nhưng anh Võ Văn Trúc (29 tuổi, thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình) vẫn không nản lòng tự thân vượt lên số phận, mở trang trại nuôi trùn quế phát triển kinh tế đồng thời liên kết với các thanh niên khác trên địa bàn cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra để cho các thanh niên này làm ăn. Ngoài phát triển kinh tế, anh Trúc còn tham gia làm công an viên, góp phần bảo vệ an ninh ở địa phương.
    Anh Trúc sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo khó. Năm 2001, vì hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên sau khi học hết lớp 8 anh Trúc phải nghỉ học để vào Sài Gòn làm thuê kiếm sống. Sau những năm bôn ba ở đất khách quê người, anh Trúc đã tích góp được một số vốn và từ đó anh nghiên cứu các mô hình để về phát triển kinh tế gia đình ở địa phương. Sau nhiều lần tìm hiểu trên sách, báo và internet với các mô hình như nuôi lươn, ếch, trùn quế…anh Trúc nhận thấy nuôi trùn quế vừa đơn giản lại cần ít vốn, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của mình nên anh Trúc đã bắt tay vào nghiên cứu mô hình này và quay trở về quê hương lập nghiệp.
     Nghĩ là làm, anh Trúc bắt tay ngay vào việc tận dụng mảnh đất của gia đình mình để nuôi trùn quế. Ban đầu anh chỉ đặt số lượng giống ít để nuôi thử nghiệm, chủ yếu là nuôi để phục vụ cho chăn nuôi gia súc, gia cầm ở gia đình. Nhưng sau một thời gian, nhận thấy nhu cầu của thị trường về trùn quế phát triển mạnh nên anh Trúc đã mạnh dạn mở rộng trang trại của mình lên diện tích 50 mét vuông và đầu tư nuôi trùn quế với số lượng lớn để cung cấp ra thị trường. “Trùn quế là nguồn thức ăn dinh dưỡng trong chăn nuôi đồng thời phân trùn quế rất tốt cho cây trồng, vì vậy, trùn quế rất được thị trường ưa chuộng” – anh Trúc nói.
    Để có nguồn thức ăn nuôi trùn quế, anh Trúc đã tận dụng nguồn phân gia súc chăn nuôi trong gia đình và dùng thêm các loại cây xanh có sẵn như: rau muốn, chuối, mía xay nhỏ rồi trộn vào phân để bổ sung nguồn thức ăn cho nuôi trùn quế. Mỗi ngày, anh Trúc đều chịu khó xúc từng xẻng “phân hỗn hợp” rưới đều vào khu chuồng trại cho trùn quế ăn. Mỗi khi nhìn thấy thức ăn khô đi, chỉ còn bã, anh Trúc lại tiếp tục công việc cho ăn của mình. Đồng thời, trùn quế thường sống được ở nhiệt độ từ 20 – 28 độ C, vì vậy anh Trúc phải che mát và mỗi ngày tưới nước 2 lần để giữ đủ độ ẩm cho trùn quế phát triển.
    Sau khi nuôi trùn quế phát triển khỏe mạnh, nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, anh Trúc lại đầu tư mở rộng trang trại lên diện tích 200 mét vuông, đầu tư hệ thống tưới làm mát mái che để làm mát cho trùn quế ở và đi thu mua tất cả phân động vật ở các vùng lân cận về để làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi trùn quế. Chính nhờ vào việc thu gom này mà nhiều hộ dân không còn phải lo lắng về tình trạng hôi thối vì phân trong chăn nuôi nữa. “Thức ăn của trùn quế chủ yếu là phân. Sau khi trùn quế ăn phân vào sẽ thải ra một lượng phân khác rất tốt cho cây trồng nhưng không còn mùi hôi thối nữa. Vì vậy, trùn quế giống như một nhà máy xử lý chất thải chuyên nghiệp, giúp giảm thiểu được tình trạng gây ô nhiễm môi trường” – anh Trúc nói.
Không những phát triển kinh tế cho mình, anh Trúc còn thực hiện liên kết với các thanh niên khác trên địa bàn trong tỉnh để cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra để cho các thanh niên phát triển kinh tế. “Trùn quế rất dễ nuôi, chỉ cần giữ đủ độ ẩm và cho ăn đầy đủ là trùn quế có thể phát triển khỏe mạnh. Đồng thời chi phí đầu tư trùn quế rất thấp, nên mọi người rất dễ dàng phát triển kinh tế trên mô hình này” – anh Trúc chia sẻ. Mỗi năm, trang trại của anh Trúc cho ra hàng tấn trùn quế giống, thịt và đặc biệt là nguồn cung cấp chính về phân hữu cơ cho một số cơ sở trồng rau sạch trên địa bàn tỉnh.
   Sau gần 8 năm gắn bó với nghề nuôi trùn quế, đến nay anh Trúc đã có được cơ ngơi như anh mong đợi đồng thời có thể giúp cho các thanh niên khác tới học hỏi kinh nghiệm để làm ăn, phát triển kinh tế. Ngoài nuôi trùn quế, anh Trúc còn tham gia Công an viên thôn Phước và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Anh Trúc là một thanh niên trẻ khởi nghiệp thành công từ rất sớm tại địa phương, anh Trúc còn là tấm gương khởi nghiệp để nhiều thanh niên trên địa bàn noi theo” – chị Võ Thị Tín – Bí thư chi đoàn thôn Phước Cẩm nhận xét.
          DIỄM PHÚC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai